Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,486,637 lượt

(Báo SGGP) Mối lương duyên giữa thơ và nhạc

Với công chúng yêu thơ tại TPHCM, năm nay có lẽ là một năm đầy niềm vui khi Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chính thức trở thành một trong những hoạt động lễ hội chính của thành phố.

Tình thơ - nhạc

Đề cập đến sức sống của thơ ca trong đời sống đô thị hiện nay, PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Nhà văn TPHCM, cho rằng, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, không ít người tỏ ra lo lắng khi cho rằng thơ đang bị mất giá.

“Nhưng tôi không cho là như vậy. Thời nào văn học cũng đều có giá trị của nó, chỉ có điều, nó biến thiên để phù hợp với văn cảnh. Thơ cũng vậy. Thơ hôm nay vẫn rất cần cho con người, không bao giờ bị đẩy ra ngoại biên. Thơ là sợi chỉ đỏ kết nối con người lại với nhau. Đó chính là giá trị của thơ”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền nhận định.

 

Nhà thơ Hoài Vũ (giữa) giao lưu với công chúng trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.

 

Trước thềm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, lần đầu tiên Hội Nhà văn TPHCM kết hợp với Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức hội thảo “Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc”. Theo PGS-TS Bùi Thanh Truyền, sự kết hợp giữa thơ và nhạc từ xưa đến nay, chính là đang mang đến cho thơ một đời sống mới. Nếu thiếu thơ, rõ ràng là nhạc sẽ mất đi một bệ đỡ rất quan trọng để chinh phục công chúng.

“Sự kết hợp giữa thơ và nhạc là minh chứng cho thấy sức mạnh, đồng thời cũng cho thấy sức sống lâu bền của thơ ca. Không chỉ các nhà thơ mà các nhạc sĩ, hãy cùng nhau tiếp tục phát huy mối lương duyên giữa thơ và nhạc để bền sâu hơn, góp phần xây dựng nên giá trị nhân văn trong cuộc sống hôm nay”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho biết.

Đồng quan điểm, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết ngày càng có nhiều nhà thơ dành rất nhiều tâm huyết nhờ nhạc sĩ phổ thơ mình thành ca khúc, thuê ca sĩ trình diễn và đưa tác phẩm của họ lên các nền tảng mạng xã hội. Nhà văn Trầm Hương cũng lưu ý: “Mối duyên tình thơ - nhạc phải xuất phát từ tình yêu vô tư, trong sáng mới cho ra đời những đứa con tinh thần lành mạnh, đẹp đẽ”.

Nhìn nhận ở khía cạnh âm nhạc, theo PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, nhiều nhạc sĩ không lấy nguyên bài thơ để phổ, nhưng ngược lại, cũng có những bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ với nhiều phong cách khác nhau, như bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan có rất nhiều bản phổ nhạc khác nhau.

“Thực tế cho thấy, quan hệ giữa thơ và nhạc thường là mối quan hệ tương sinh. Nhưng nếu cưỡng đoạt, không thuận theo thì dễ làm hỏng cả thơ và nhạc. Giữa hai bên có một mối ràng buộc từ lâu đời, và chúng ta nên tận dụng mối lương duyên này để đóng góp cho cuộc sống nhiều tác phẩm chất lượng”, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Tiếp nối các thế hệ

Cũng tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, lần đầu tiên Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Sân thơ thiếu nhi, quy tụ nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi của TPHCM hiện nay như: Trần Quốc Toàn, Kim Hài, Lê Minh Quốc, Trung Dũng KQĐ, Nguyệt Thu, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê, Bùi Tiểu Quyên…

Bên cạnh tọa đàm “Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố”, nhiều hoạt động thú vị đã diễn ra tại Sân thơ thiếu nhi có tính kết nối giữa các tác giả với bạn đọc. Đồng thời, các hoạt động này góp phần tạo nên sự tiếp nối giữa các thế hệ trong hoạt động sáng tác và đọc thơ.

 

Tiết mục Tam tấu thơ nữ với sự thể hiện của 3 nhà thơ nữ Minh Đan, Đào Phong Lan và Ngô Hạnh (từ phải qua)

 

Theo nhà thơ Lê Luynh, thơ thiếu nhi được ví như bầu sữa mẹ, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ giúp trẻ lớn lên, hình thành nhân cách một cách hoàn hảo nhất. Nhiều nhà thơ, nhà văn thường đề cập đến quá trình sáng tác của mình là do được sinh ra và lớn lên trong cái nôi thơ văn dân gian, qua lời ru tiếng hát của mẹ.

“Tuy nhiên, nguồn dinh dưỡng ấy đang ngày càng xa vời với những thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên ở các đô thị. Việc bù đắp nguồn dinh dưỡng tâm hồn này là một gánh nặng của xã hội. Với các gia đình trẻ hiện này, việc ru con bằng ca dao, dân ca đang mai một dần. Trẻ lớn lên học ở các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non, mẫu giáo mới được làm quen với thơ ca”, nhà thơ Lê Luynh nói.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn đặt vấn đề: nên chăng, hàng năm, các trường học tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong khuôn khổ buổi chào cờ đầu tuần. Theo nhà thơ Trần Quốc Toàn, nhà trường cần công văn hướng dẫn thực hiện Ngày thơ Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam gửi hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành; bài trí riêng cho ngày thơ. Cùng với đó, giáo viên giới thiệu thật ngắn gọn về Ngày thơ Việt Nam; thực hiện một trò chơi thơ ca như: chạy chữ thơ, nối vần thơ, giải câu đố thơ, điền ô chữ thơ… Để tạo hứng thú, mỗi trò chơi có thể tiến hành trong nhịp trống thúc.

Là một nhà giáo, có trải nghiệm thực tế từ trong môi trường giáo dục, nhà thơ Nguyệt Thu nhận định, học trò bây giờ ít yêu thơ, nhất là các bài thơ ngày xưa vốn rất gần gũi với thiếu nhi. Nhà thơ Nguyệt Thu đề xuất nên có tập thơ thiếu nhi viết riêng cho thành phố, sau đó phối hợp với Hội Âm nhạc TPHCM phổ nhạc.

“Bên cạnh đó, chúng ta cần kết nối và tổ chức những buổi giao lưu thơ lưu động với các trường trong thành phố để tặng sách, tuyên truyền mảng thơ nói về tình yêu thành phố nói riêng và tình yêu quê hương nói chung”, nhà thơ Nguyệt Thu chia sẻ.

******

Sáng 24-2 (ngày 15 tháng Giêng), lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại TPHCM do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện, đã diễn ra tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng đông đảo văn nghệ sĩ, công chúng yêu thơ. Sau ca khúc mở màn Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, thơ: Đăng Trung), đồng chí Nguyễn Phước Lộc đã thực hiện nghi thức đánh trống khai hội.

 

Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại TPHCM.

 

Với chủ đề “Thành phố này tôi đến tôi yêu”, ngày thơ năm nay nhấn mạnh đến mối lương duyên giữa thơ và nhạc. Những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều có chung tình cảm dành cho thành phố, dành cho mảnh đất phương Nam thân yêu lần lượt được gửi gắm trong các ca khúc được phổ từ thơ như: Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ - Lê Giang); Người mẹ Bàn Cờ (nhạc: Trần Long Ẩn, thơ: Nguyễn Kim Ngân), Đi trong hương tràm (nhạc: Thuận Yến, thơ: Hoài Vũ), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Nguyễn Nhật Ánh); hay những bài thơ: Dư đồ Tổ quốc của nhà thơ Bảo Định Giang, Tôi đến tôi yêu của nhà thơ Hải Như, Tam tấu thơ nữ với 3 nhà thơ nữ Đào Phong Lan, Minh Đan, Ngô Hạnh...

HỒ SƠN

(Link bài đăng: https://www.sggp.org.vn/moi-luong-duyen-giua-tho-va-nhac-post728014.html)

Top