Khi đến khu du lịch Hầm Hô, điều khiến tôi cảm thấy thật thú vị lại chính là đi thuyền trên suối, khác nhiều với sông lạch miền Nam, Bến Đục Chùa Hương phía Bắc… bởi nước trong vắt, dòng chảy chỉ đủ cho thuyền ba lá tránh nhau, nhưng hai bên suối cây rừng hoang sơ, cùng với các loài bướm rừng đủ sắc màu bay theo thì không gian thật tuyệt vời.
Một đồng nghiệp nhận xét: Cảnh vật làm cho lòng người dù buồn đến mấy cũng vui lây. Vậy mà, cô “hướng dẫn viên” không chuyên Lệ Hằng ở báo Bình Định còn bảo: “Chưa đâu” khu chính mới hoành tráng!
Đúng thế, hết con suối nhỏ hòa vào sông chính của Hầm Hô mới làm ta ngạc nhiên hơn về sự kỳ thú. Với tôi thì Hầm Hô quả có gì đó vương vất như chốn thiên thai… Hầm Hô thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Theo chuyện kể thì trong lòng sông Kút thường có những cái “hầm” nước, thác nước đổ xuống “hầm” nên phải “hô” lên, bởi thế nên có tên là Hầm Hô.
Đến đây, khi ta men theo những tảng đá lớn đi ra giữa lòng sông, sẽ thấy nước trong vắt chảy ôm những phiến đá Hoa Cương, được dòng chảy miệt mài đẽo gọt theo thời gian, lúc hiền hòa, lúc cuộn chảy mà tạc nên những hình thù tuyệt tác kỳ lạ lóng lánh, rực rỡ trong nắng. Cùng với lịch sử, cùng với sự lãng mạn của dân gian thổi hồn vào đá, vào thiên nhiên đầy tính sử thi, với những tên như: Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trải, Cửa Sanh, Cửa Tử, Vũng Cá Rói, Hòn Trào, Hòn Lò Rượu, Dấu Chân Khổng Lồ... Ví như có lưu truyền về Thác Cá Bay, rằng ở đây ngày trước sông có rất nhiều cá, từng bầy, từng bầy đặc cả nước, chúng đua nhau bay lên thác cao mà có tên…
Tả về vẻ đẹp của Hầm Hô, đúng như nữ nhà thơ Minh Đan đắm đuối: “Hầm Hô ngủ trong sương/ Hơi tỏa bay lành lạnh/ Chiều khoác áo vô thường/ Lửa đỏ lòng thi khách/ Trùng trùng con sóng vỗ/ Lớp lớp nước leo đèo/ Mây là đà chạm đỉnh/ Gió khản lời quân reo/ Ô hay! Ngày dáo dác/ Chim nằm ổ trú đông/ Cá ngụp sâu dưới đá/ Chờ hội xuân hóa rồng”.
Đến với Hầm Hô, bên cạnh cảnh đẹp của sông suối, rừng nguyên sinh, ta còn khâm phục và ghi nhận về vệ sinh môi trường. Với không gian như thế, sẽ rất thú vị cho những chuyến picnic. Ở đây, còn có những món ăn dân dã, rất đặc trưng của quê hương Bình Định như món gỏi da bò, nem Chợ huyện… nhưng thú vị nhất là các món cá mương chiên-loài cá có nhiều ở sông Kút.
Hầm Hô lại có rất nhiều cây lộc vừng, mùa hoa nở thì cả một vùng lung linh, lộc vừng ở đây gần như thay nhau ra hoa, thay nhau nảy lộc, vậy nên luôn đủ lá non để du khách ngồi nhà hàng “Hoa lộc vừng” thưởng thức món cá mương chiên giòn, trộn với lá lộc vừng non cuốn bánh tráng cực ngon và độc đáo. Năm 1995, Hầm Hô được UBND tỉnh Bình Định công nhận là thắng cảnh bởi vẻ đẹp kỳ bí của nó. Nhưng Hầm Hô còn là địa danh lịch sử. Đây là một trong những căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn ngày dấy nghĩa, là căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Ngay tại cổng vào Hầm Hô, có một đền thờ hai cụ tiền hiền đã lập dựng Hầm Hô là ông Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng.
Hàng năm, vào ngày 20 tháng Giêng Âm lịch, tại đây có lễ cúng trang nghiêm của người dân đối với tiền nhân và ngày này trở thành ngày hội của Hầm Hô. Chỉ cách Pleiku hơn trăm cây số, Hầm Hô là địa chỉ thư giãn tuyệt vời cho du khách vào dịp cuối tuần.
QUỐC NINH
http://baogialai.com.vn/channel/8210/201211/ham-ho-thang-canh-dat-binh-dinh-2197434/