SGGP - Năm năm một lần mới có một cuộc hội ngộ bạn viết trẻ toàn thành phố. Lần thứ IV này không chỉ giới hạn ở TPHCM mà còn mở rộng ra cả khu vực Nam bộ. Dù mới khởi đầu nhưng có bạn trẻ đã xuất bản khá nhiều sách, thậm chí có người đã ấn hành trên mười đầu sách. Giữa thời đại bùng nổ thông tin giải trí, các bạn viết trẻ từ khắp Nam bộ nghĩ gì khi dấn thân vào con đường văn chương?
Nhà văn trẻ Đoàn Phương Huyền (TPHCM): Văn chương giúp tôi chạm đến nhiều phận người
Tôi đến với văn chương một cách tự nhiên rồi quấn quýt lúc nào cũng không biết. Gần như chẳng có sự lựa chọn nào giữa tôi và văn chương cả. Chỉ là thấu cảm lẫn nhau và đến với nhau. Văn chương giúp tôi có cảm quan tốt hơn về cuộc sống. Tôi chạm đến được nhiều trái tim, nhiều phận người nhờ văn chương.
Tôi không viết vì sự nổi tiếng. Tôi viết vì sự thôi thúc từ bên trong mình. Và sự thôi thúc đó làm sao có thể chạm đến trái tim, chạm đến nỗi đau của bạn đọc để thấu hiểu và xoa dịu là điều tôi quan tâm nhất. Đương nhiên nhà văn nào cũng mong sách mình bán chạy. Bởi sách bán chạy tức là đến được với nhiều bạn đọc. Nhưng đó không phải mục đích cuối cùng. Đề tài tôi quan tâm nhất là thân phận con người.
Tôi có một công việc thú vị, đó là làm phóng viên phát thanh. Công việc này cho tôi được tiếp xúc với nhiều phận người. Tự họ tìm đến tôi chia sẻ và đồng cảm. Vì vậy tôi gặp được nhiều phận người. Cay đắng, xót xa, khổ đau, bất hạnh... họ đều trải lòng cùng tôi. Vì thế tôi cảm nhận được nhiều hơn về cuộc sống này. Với tôi văn chương là những thân phận.
Nhà thơ trẻ Phan Duy (Bạc Liêu): Sáng tác để sẻ chia và học hỏi
Tôi tìm thấy ở văn chương những giá trị trải nghiệm đúng với đam mê, sở thích. Dù biết văn chương trong đời sống hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng tôi vẫn tin tưởng và chọn văn chương là con đường để mình dấn thân. Đề tài tôi thường chọn để sáng tác là thế sự và quê hương. Thế sự là mảng không gian thơ nói lên được những tiếng nói cá nhân, giúp nhận ra những khát khao, nỗi lòng, kìm nén trước muôn mặt của đời sống từ đó những thức tỉnh, cảnh tỉnh về ý thức con người đối với xã hội. Quê hương là đề tài cho phép ta tìm lại những gần gũi, thân thuộc, đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người, giúp ta tìm được sự yên bình và lắng dịu trước nhịp sống hối hả, bon chen hôm nay.
Tôi nghĩ người cầm bút nào cũng bị chi phối về sự nổi tiếng và sách bán chạy. Sẽ là tuyệt vời nếu điều đó là thành quả xứng đáng từ quá trình tìm tòi sáng tạo và chất lượng tác phẩm mang lại. Với tôi, danh và lợi không quan trọng hơn việc mình đem lại niềm vui, sự thích thú cho bản thân mình và bạn đọc. Mục đích sáng tác chính của tôi là để giãi bày, sẻ chia và học hỏi, để nhận diện được trách nhiệm của mình trước cuộc sống.
Nhà thơ trẻ Minh Đan (TPHCM): Làm thơ với trách nhiệm công dân
Tôi xem văn chương là mối duyên lớn. Tôi không ngại khi nói văn chương có sức hấp dẫn mạnh mẽ và mê hoặc như khi yêu một người đàn ông. Tôi hoàn toàn bị chìm đắm vào nó và thăng hoa với trang viết. Văn chương kéo tôi ra khỏi bản tính rụt rè năm xưa, thay vào đó giúp tôi thêm tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.
Thật nhàm chán, buồn tẻ nếu chỉ quanh quẩn ở việc nói quá nhiều, viết quá nhiều đến đời sống cá nhân mình, tôi chọn con đường gian nan là dấn thân vào đề tài thơ thế sự. Với lối đi chông gai này, tôi thấy tính dân chủ trong thơ được đề cao hơn, và bản thân tôi thể hiện trách nhiệm công dân trước những vấn đề mà xã hội đòi hỏi nhiều hơn.
Tôi viết là mong góp phần gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, tìm về với văn hóa cội nguồn, nhận thức về bản thân mình, chia sẻ những phận đời phận người... Tiếng nói đồng cảm gửi gắm trong từng tác phẩm đã đưa tôi lại gần độc giả yêu mến mình, cho mình niềm tin và động lực sáng tạo.
Nhà văn trẻ Đoàn Thị Diễm Thuyên (Bến Tre): Trân trọng ngôn ngữ và cảm xúc
So với các thế hệ trước, người cầm bút trẻ bây giờ được hỗ trợ bởi nhiều phương tiện hiện đại, nhưng điều đó cũng chi phối khiến cho họ bị hạn chế tầm nhìn và chiều sâu trên trang viết. Tôi thường sáng tác về tình yêu, hôn nhân, tình cảm gia đình, vì nó gần với cuộc sống thường ngày và nó ảnh hưởng nhiều đến tôi nhất. Tôi sống bình dị, nên văn thơ tôi cũng vậy. Tuy có nghĩ đến sự nổi tiếng và sách được bán chạy, nhưng tôi trân trọng ngôn ngữ và cảm xúc của mình trước tiên, và khi viết tôi viết bằng tất cả khả năng tôi có.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang): Không nên tự giới hạn bản thân
Những người viết trẻ được thừa hưởng tinh hoa của các thế hệ đi trước, nhưng đồng thời theo cách nào đó cũng chính là những áp lực. Chúng tôi có thần tượng của riêng mình, nhưng không muốn là bản sao lặp lại hay trở thành phiên bản lỗi.
Tôi nghĩ đã gắn mình với công việc sáng tạo thì không nên tự giới hạn bản thân ở bất cứ thể loại, đề tài nào. Từ quê hương, con người, sẽ có những chuyến đi xa hơn. Tôi có viết về quê hương, nhưng không nhiều. Không phải vì tôi không yêu nữa. Nhưng tôi ngại lối viết ca ngợi, kể lể chung chung, lặp lại những hình ảnh, câu chuyện của thế hệ trước.
Sự nổi tiếng và bán sách chạy là mơ ước của nhiều người cầm bút, cho dù với một số người khác, nó gần như là một thành kiến. Vì cứ sách bán chạy và nổi tiếng là… sách thị trường, ít giá trị. Tôi không nghĩ vậy. Để tồn tại, hẳn nhiên phải có giá trị. Còn được yêu thích là vì chạm được đến số đông. Không phải nhà văn nào cũng có duyên làm được điều đó.
Nhà thơ trẻ Huệ Thi (Cần Thơ): Viết để gửi thông điệp yêu thương
Văn chương đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui, thêm một lần để yêu và sống, cho cuộc sống đầy sắc màu và thỏa chí được tô vẽ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nổi tiếng để bán sách. Tôi viết nhằm cân bằng công việc bận rộn của mình sau những giờ phút căng thẳng. Đôi khi tôi viết bằng cảm xúc nhiều hơn sự trau chuốt, tuy nhiên mỗi một bài thơ đều chọn lọc câu chữ chắt lọc và già nghĩa. Bởi lẽ tự nhiên cảm xúc già dặn hơn mỗi ngày, kinh nghiệm và sự từng trải ướp vào tâm hồn thêm nhiều sự trải nghiệm và tôi viết bằng trách nhiệm tự mình trao: viết để gửi đi nhiều thông điệp yêu thương.
ĐẶNG TƯỜNG (ghi)
http://www.sggp.org.vn/nha-van-tre-va-trach-nhiem-voi-cuoc-song-453287.html