Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,241 lượt

Báo Một Thế Giới: Tôi rất mong sự nhập cuộc của các cây bút trẻ

Motthegioi.vn: “Tôi cho rằng thành phố đang hội tụ một lực lượng viết văn trẻ khá hùng hậu, có nhiều lợi thế về kiến thức, văn hóa, internet, ngoại ngữ. Họ là những người năng động, dám viết, dám chịu trách nhiệm…”, nhà thơ Minh Đan chia sẻ.

 

Nhà thơ Minh Đan, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM, là một người giàu nhiệt huyết với thi ca và là “bà đỡ” của nhiều cây bút trẻ hiện nay. Trước thềm Hội thơ Nguyên tiêu xuân Đinh Dậu, Minh Đan đã dành riêng cho báo điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện liên quan đến văn học trẻ hiện nay.

 

Nhà thơ Minh Đan - Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM

 

Được biết chị đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho Ngày thơ Việt Nam trong vai trò thành viên của Ban tổ chức, phụ trách chính Sân thơ trẻ. Tâm trạng của chị lúc này như thế nào? So với mọi năm, Sân thơ trẻ có gì mới? Đâu là điểm nhấn của thơ trẻ TP năm nay?

 

Đây là năm thứ 4 tôi tham gia Ngày thơ Việt Nam, cũng là lần thứ 4 tôi biên soạn và dàn dựng kịch thơ cho Hội Nhà văn TP.HCM, nên có thể nói là rất áp lực. Tính cách tôi cầu toàn và làm việc gì cũng dốc hết tâm huyết, sức lực nên thú thật suốt cả tuần nay tôi mất ngủ và sụt cân. Nhưng tôi rất vui vì được sống cùng đam mê của mình, được tri ân tổ nghiệp thơ, nên những vất vả cũng chẳng là gì so với cái được lớn nhất mà không khí Hội thơ Nguyên tiêu mang lại. Cảm giác hạnh phúc đó chắc chỉ những ai đồng hành cùng tôi mới cảm nhận hết được, đó là giá trị của sự cho đi không vụ lợi, là danh dự của một nhà thơ trước ngày Tết Nguyên tiêu ý nghĩa.

 

Hoạt động của các nhà thơ trẻ tại TP.HCM

 

Năm nay, tôi tiếp tục là người phụ trách chính cho Sân thơ trẻ, đó là thử thách lớn vì phải cân nhắc nhiều thứ. Với tài chính hạn hẹp được Hội duyệt cấp mà chúng tôi phải chuẩn bị rất nhiều chương trình thực sự là một sự cố gắng lớn, vì phải biết “liệu cơm gắp mắm” sao cho vừa sức mình.

Cái mới của Sân thơ trẻ năm nay chính là cách thức tổ chức của Ban Nhà văn trẻ. Thay vì các nhà thơ đến với các trường để giao lưu như năm ngoái, tôi quyết định mời sinh viên, học sinh các trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Trần Đại Nghĩa… đến giao lưu tại Sân thơ trẻ, để các em trải nghiệm nhiều hơn không khí Nguyên tiêu và có thể thoải mái chia sẻ niềm đam mê văn học với các nhà thơ trưởng thành một cách tự tin, cởi mở nhất.

Điểm nhấn của Sân thơ trẻ năm nay là sự xuất hiện của những cây bút sinh từ năm 1982-1990 thay vì những cái tên đã quá quen thuộc trong các mùa Nguyên tiêu trước. Họ là những cây bút trẻ triển vọng và giàu tính sáng tạo.

 

Vài năm gần đây, trong Ngày thơ Việt Nam, các nhà thơ trẻ TP đã tạo được dấu ấn riêng với các chương trình kịch thơ độc đáo, nội dung đa dạng về người lính đảo, về phiên chợ xuân… Vậy năm nay, Sân thơ trẻ có kỳ vọng gì từ hoạt động này?

 

Là người trực tiếp biên soạn và dàn dựng kịch thơ cho Hội Nhà văn TP.HCM, tôi rất hạnh phúc vì 4 năm qua đã góp phần làm sống lại một loại hình nghệ thuật vốn dĩ “xung khắc”: kịch - gắn liền với xung đột, là đời sống, là thực tế; thơ - sự bay bổng, trữ tình, là cảm xúc, là tâm hồn. Kịch là cái để “nhận thấy” và thơ là cái để “cảm”. Sự kết hợp đó đòi hỏi tính khéo léo và bản lĩnh của người chấp bút.

Vì là dân “tay ngang” nên những kịch thơ do tôi dàn dựng ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Từ việc lên ý tưởng, phác thảo nội dung, chắt lọc câu thơ hay và ý nghĩa của nhiều tác giả, đến việc xâu chuỗi những tứ thơ đơn lẻ ấy thành một câu chuyện có mở có kết, đầy kịch tính ở từng phân đoạn, hoạt cảnh khác nhau thực sự là một nỗ lực lớn của tôi.

Theo mục tiêu chung thì hoạt động Ngày thơ năm nay tại TP sẽ hướng đến là nơi để những người yêu thơ, thích thơ có dịp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu. Với chủ đề “Xuân nghĩa tình”, hướng đến xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, tôi đã dựng kịch thơ “Vòng tay mùa xuân”, với các hoạt cảnh gắn kết những bài thơ về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu nhân loại, để làm sáng lên tình người Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam nói chung là dù đi đâu, làm gì cũng tìm về nguồn cội dân tộc.

 

Kịch thơ "Con chỉ cười khi tổ quốc an nhiên " nhân ngày thơ Việt Nam năm 2016 của Ban Nhà văn trẻ TP.HCM

 

Vẫn biết kịch thơ không hấp dẫn bằng âm nhạc, phim ảnh, cải lương… Nếu nói dùng kịch thơ để thu hút đông đảo khán giả đến nghe và xem một cách ồn ào, nhộn nhịp thì đúng là một sự ảo tưởng. Không dám tham vọng nhiều, tôi chỉ mong “hồi sinh” kịch thơ bằng tâm huyết và đam mê của chính tôi, đồng thời tha thiết đưa kịch thơ trở thành “đặc sản” có thể đứng được trong một chương trình tôn vinh thi ca dân tộc hàng năm, như là cách đem đến cho những người yêu thơ thêm lạc quan rằng thơ và kịch thơ sẽ không “chết” trên “đất nước của thi ca”.

 

Chị nhận xét thế nào về phong trào thơ tại TP.HCM trong những năm gần đây?

 

Tôi cho rằng thành phố đang hội tụ một lực lượng viết văn trẻ khá hùng hậu, có nhiều lợi thế về kiến thức, văn hóa, internet, ngoại ngữ. Họ là những người năng động, dám viết, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những tác giả trẻ có tác phẩm thật sự chất lượng với việc dấn thân vào đề tài mới, lạ, văn phong giàu giá trị nghệ thuật được bạn đọc đón nhận thì cũng có nhiều người trẻ sáng tác theo trào lưu, đánh vào tâm lý đám đông và chạy theo yếu tố thị trường. Bằng chứng là có những cuốn sách do người trẻ viết dù rất “ăn khách”, được tái bản nhiều lần song thường xoay quanh chuyện tình yêu tay ba, tay tư, hay những tản văn mô tả các cuộc tình sướt mướt, ủy mị... mang tính giải trí là chủ yếu. Nguy hiểm hơn là các bạn ấy đã và đang tự mãn với sự lựa chọn dễ dãi này, khiến cho văn học thành phố đứng trước ngưỡng cửa nửa mừng nửa lo.

 

Kịch thơ "Mưa nắng Sài Gòn" của các nhà thơ trẻ TP.HCM nhân Ngày thơ Việt Nam 2015

 

Với cách sống hiện đại và khá thực dụng của giới trẻ ở đô thị lớn như TP.HCM, liệu các nhà thơ có cần đổi mới cách sáng tác để bắt kịp xu thế?

 

Thực ra việc đổi mới để thích nghi, để tốt hơn là chuyện nên làm, bởi mọi sự vật hiện tượng đều phải chuyển động theo lẽ tự nhiên. Có điều, với sự ảnh hưởng sâu rộng của cuộc sống hiện đại, đôi lúc thực dụng đã vô tình tác động lớn tới nền văn học, mà cụ thể là văn học mang nặng tính giải trí đang dần chiếm lĩnh thị trường, dẫn đến một số cây bút trẻ có khuynh hướng ảo tưởng về tài năng và không ngừng chạy theo trào lưu đó.

Tuy nhiên, sau tất cả, tôi cho rằng văn học phản ánh rõ nét nhất, sống động nhất, chân thực nhất sự hưng thịnh của mỗi thời đại. Tôi rất mong sự nhập cuộc của các cây bút trẻ sẽ được như kỳ vọng, để văn học thế kỷ 21 không bị tụt hậu và có tiếng nói riêng.

 

Có vẻ thơ bây giờ ít được các bạn trẻ quan tâm, theo chị, làm thế nào để thơ đến gần hơn với giới trẻ?

 

Ở góc nhìn khác, tôi lại thấy thơ có sức sống riêng và cũng có lượng độc giả riêng nhưng còn hạn chế hơn so với các thể loại văn học khác. Điều này rất dễ hiểu. Để thơ đến gần hơn với giới trẻ, mỗi tác giả phải biết chủ động đưa "đứa con tinh thần" đến với người đọc bằng nhiều phương tiện. Thế giới mạng đã mở rộng toàn cầu, việc quảng bá tác phẩm dễ dàng hơn nhiều, nhưng cũng là một thách thức lớn vì sự đòi hỏi chất lượng tác phẩm cũng cao hơn. Vậy nên, bên cạnh sự tích cực tiếp thị của tác giả, rất cần có sự chung tay tiếp sức của các đơn vị phát hành và sự hỗ trợ của truyền thông.

 

Là một người có nhiều trăn trở cho thơ, theo chị, công việc sáng tác văn học hiện nay khó hay dễ?

 

Khoan bàn chuyện khó dễ, văn chương với tôi là một nghề đổ máu nhiều nhất, bởi lẽ mỗi chữ được viết ra là một giọt máu rơi xuống trang giấy. Người cầm bút phải lao động đơn nhất trong thế giới cô độc riêng mình cho đến khi hoàn thành tác phẩm. Hay nói ma mị hơn, nhà văn là một phù thủy biến hóa khôn lường 24 chữ cái vô hồn thành một vạn lý trường thành của cuộc đời, của xã hội, tức là biến cái đơn giản thành cái phức tạp, nhưng là cái phức tạp thú vị!

 

Trong hành trình biến cái đơn giản thành phức tạp đó, chị quan tâm những gì trong cuộc sống? Chị tự định hướng văn nghiệp của mình ra sao?

 

Ngay từ những ngày đầu cầm bút, tôi đã xác định được đối tượng cho mình, kiểu như chọn người yêu hay chồng vậy. Thân phận con người, đặc biệt là những đứa trẻ oằn mình giữa cơn đói rét, những thiếu nữ miền Tây ném cuộc đời trong trẻo vào canh bạc số phận, những tệ nạn xã hội xâm nhập vào thanh thiếu niên, những người nông dân đấu tranh với cường quyền giành lại tấc đất cha ông để lại, những ma làng quấy nhiễu Phật pháp, những cuộc phiêu lưu tình ái giữa đại gia với chân dài, những cây xanh bị bức tử, môi trường biển bị hủy hoại… đều là đối tượng tôi chọn trong các tác phẩm đã xuất bản và được bạn đọc đón nhận suốt thời gian qua.

Về văn nghiệp, tôi cũng có con đường đi riêng. Thường thì thế hệ văn trẻ cùng thời hay viết rập khuôn nhau, có giọng điệu na ná nhau, nên để đi đến sự khác biệt, tôi luôn cố gắng khai thác sâu vào nội tâm nhân vật mà tôi muốn đề cập, nhằm truyền tải một thông điệp có ý nghĩa hơn không chỉ cho văn học, mà còn cho cả tính nhân văn của nhân vật hay sự kiện đó. Và sự thật chính là kim chỉ nam dẫn đường cho tôi chấp bút.

 

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

TIỂU VŨ (thực hiện)

http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/nha-tho-minh-dan-toi-rat-mong-su-nhap-cuoc-cua-cac-cay-but-tre-56090.html

Top