Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,332 lượt

Văn học Sài Gòn: Giải phẫu chương đoạn “Khâu múi nhớ” trong “Phút bù giờ” của Minh Đan

Xét về nghệ thuật làm thơ tình, nữ thi sĩ Minh Đan giỏi kiến tạo con chữ tự do. Thơ tự do là đạt đến đích mà chị mong đợi, đang chạm cửa của độc giả, cả cấu trúc và tư tưởng, cả hồn và sự hấp dẫn của thơ, chị đã làm rất trọn vẹn. Với sự tinh lọc của nhiều bài thơ hay thì sẽ làm nên một tập thơ hay theo nhiều tầng cảm xúc khác nhau…

 

“Đài cao chín tầng bắt đầu bằng một hòn đất

Đường xa ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân

Giấc mơ của tôi bắt đầu bằng câu thơ

Viết từ dòng máu nóng…”

Khi nhắc đến nhà thơ Minh Đan, tôi bất chợt nhận ra từ những câu thơ trên, đó là cái chất tài nữ của một anh hùng đất Võ. Cái khí phách chẳng thua gì Hàn Mặc Tử khi nói về máu:

“Làn môi mong mỏng tươi như máu

Đã khiến môi tôi mấp máy thèm”

(Hàn Mặc Tử)

Khởi đầu chị đã cho chúng ta cái cảm giác chất triết lý về sự tự nhiên, về sự phấn đấu không ngừng nghỉ của một người nữ đảm đang việc gia đình và xã hội.

Ngắm tập thơ Phút bù giờ vừa xuất bản quý IV năm 2021 của Minh Đan, tôi nhận ra phong cách trình bày thẩm mỹ của một nhà tạo mẫu chuyên nghiệp. Hình ảnh chủ nhân tập thơ mang dáng vẻ trưởng thành về nghệ thuật trong cái mỹ thuật mà tôi thích. Lần này, tôi cầm tập thơ chị tặng, lòng rất vui và đặt tay trên phím đi nốt cả tập sách xinh xinh.

Thơ được chia thành nhiều mảng, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin giải phẫu chương đoạn “Khâu múi nhớ” – một mảng thơ tình tôi rất yêu thích ở Minh Đan.

Ngay từ bài thơ mở đầu chương này, chân dung người mẹ đơn thân của người đời hiện lên đầy xót xa. Chúng ta từng khóc cho Thuý Kiều – một người tài hoa mà bị truân chuyên. Ở đây, Minh Đan khóc cho những người mẹ đơn thân vì đường tình trắc trở. Có lẽ vì thế, trong sự cô đơn, sự bội bạc, sự mỉa mai, sự khinh chê của dòng đời, sự xa lánh đã được chị khắc họa một cách không ngờ:

“Em rửa cơn buồn

Bằng thứ mùi đàn bà phá giá”

Hay:

“Ngồi dệt giấc mơ bằng sợi tầm gai”

(Mẹ đơn thân)

Đó chính là ngôn ngữ của Minh Đan chưa từng giống ai. Một trường phái thơ nữ mạnh mẽ, không pha trộn giữa cũ và mới, mà phải gọi là mới toanh!

Cái rửa cơn buồn là cái đau đớn tột cùng của người nữ sau khi bị bội bạc, sau khi phải kìm nén nỗi thất vọng chán chường. Và rồi “giấc mơ tầm gai” mà “ngồi” để “dệt” với một tư thế sẵn sàng chấp nhận nỗi khổ đau, thách thức gió đông thật là mạnh mẽ!

Ai đó đã nói: “Chớ xúc phạm phụ nữ dù là sự nặng lời vô tình”. Bây giờ, tôi mới thấm thía hết cái tình và ý của Minh Đan. Và cái kết quả khi ta đọc bài sẽ tự biết rằng: gió đã ra đi từ dạo ấy, gió mặc lòng là gió của riêng gió, và em của riêng em.

Với BIỂN, Minh Đan nói: “lần đầu tiên em hiểu mình thiếu đủ/ mảnh vỡ nào im tiếng cũng cô đơn” (TRƯỚC BIỂN), nếu ta thử nhập chúng lại đó là hai câu thơ thật kinh nhân. Chính tác giả hiểu tâm lý của phụ nữ trên đời chứ không phải riêng mình chị, vì biển phải có sóng, có sóng tức có vỗ bờ, và tình yêu như đường sóng biến thiên, hãy nhớ về sự ái ân thì ta đã hiểu, nên thơ thi vị khéo ở chỗ là biết nói lên cái đẹp bản thể của con người, trong đó ái tình là thống soái, rồi cũng nói lên cái thất vọng tràn trề mà đẹp: sự tan nát trở về thinh không, nêu ra cái chân lý bất di bất dịch của hoa tình khi nó nở và tàn phai, nó thực sự là hoa.

Với NGƯỜI CŨ, chị thật điêu luyện khi viết:

“…đêm

nhọc nhằn khâu vá vết thương

anh có đôi mắt khác không phải là em

mất em

anh không mù như dối

con đom đóm ngự trị bóng tối

mơ hồ giọt sáng hoá đường gươm…”

Đây là thứ thơ rất trữ tình và sặc mùi ái tình cực độ đến đỉnh Everest của giận hờn và ghen tuông.

Và hai câu thơ: “anh săn tìm hạnh phúc dọc ngang đời em/ môi hôn tựa chuồn chuồn lướt nước” nói lên cái khát tình đầy dục vọng và đầy vội vã. Cái sự chưa biết trân quý cánh hoa tình là như thế nào, đó là cái thiếu phong độ của một người đàn ông chung thuỷ! Chao ôi, thật kinh hoàng khi nghe câu: “Môi hôn tựa chuồn chuồn lướt nước”, một hình ảnh thật vô cùng của tuổi thơ tôi từng nhìn cánh chuồn chuồn bay thấp rồi lướt mặt sông, mặt ao, nó là cái sự nhanh nhẹn mà phản phúc làm sao của ái ân! Thôi vậy, người đã ra đi, thì mặc kệ!

Nghe ĐÊM VỠ, dường như ta nhận ra tiếng thất thanh, tiếng cuồng gào của một người phụ nữ: “em sợ phù phiếm tẩm hương hoa hồng/ mùi ma quái làm u mê tim óc/ em sợ tiếng thét gào của những thán từ ứa nước/ đang cố lăn về khô nứt nẻ nhọc nhằn”, nghe ra giống như một lời thoại của một vở kịch mà đại văn-thi hào Shakespeare hay cố thi sĩ-kịch gia Lưu Quang Vũ viết vậy. Tôi cũng phát giác ra Minh Đan có cái khả năng viết kịch, để rồi xem, thơ chị đang bắt đầu kịch tính lắm!

Vì thế mà: “hạnh phúc là nụ cười bình yên xẻ nửa/ có cho nhau giây phút thật lòng?” Ở đây, chúng ta nhận ra sự vá víu của hạnh phúc, hạnh phúc mà chỉ có phân nửa thôi, thì khổ càng thêm khổ, và một câu thơ hỏi anh ấy có thật lòng không thì nghe đã tai.

Với TRÒ CHƠI, ta thấy:

“Cuộc đời đàn bà

được phẫu thuật

bởi rượu thánh đàn ông

say nữa đi

trong cơn đọi máu

mảnh trinh chỉ là chiếc lá khô héo

bày lên bàn tiệc nghiệt ngã

mà đàn ông găm lưỡi dao nhọn hoắt vào bóng tối”

Thế này thì thơ đã đạt chất kịch tính rồi, nói lên cái sự thật của cuộc giao hoan giữa nam và nữ, phơi bày tất tần tật, toạc cái móng lợn rồi còn gì. Thơ thực mà ảo ở cách dùng mới. Dám lấy cái từ “phẫu thuật” của bác sĩ mà dùng vào thơ, chỉ có Đan mà thôi, xin ai đừng bắt chước! Và cái câu kết thúc cuộc tình bằng hành động: “mà đàn ông găm lưỡi dao nhọn hoắt vào bóng tối” rất đẹp, rất say mê, rất hình tượng, chất thơ tưởng tượng đến mức kỳ ảo mà thật một trăm phần trăm. Để rồi: “thảng thốt: ta chỉ là trò chơi của đàn ông (?)”. Nhưng theo tôi, kẻ trân quý hạnh phúc của mình thì chẳng xem người tình, người vợ là một vật làm đồ chơi đâu, nên câu hỏi có vẻ như thể để cảnh tỉnh ở cánh đàn ông nhiều điều lắm!

Cái tội nghiệp của chị khi làm thơ rất thật:

“Người ta có hơn một lần phụ nhau

Ta có hơn một lần yêu nhau

Người ta có hơn một lần dối nhau

Ta có hơn một lần vì nhau mà sống thật”.

nói lên cái nết đàn bà rất Minh Đan này, vì sự nỉ non ấy, đố ai mà ra đi cho được, nên người đó có lương tâm.

Xem bài BAY ĐI, ta cũng không khỏi hạnh phúc, vì thơ rất thơ:

“Bay đi, bay đi, bay đi…

hỡi trái tim tầm gửi dại khờ

tự do gọi ngày xanh thắp nắng”

Chúng thơ vì “bay đi” ba lần mà còn ba chấm để thấy rằng chất nhạc trong thơ Minh Đan là có sự lặp lại hẳn hoi, có cơ sở để nói thơ có tính nhạc. Mà một kẻ chẳng biết ngày xanh, thì nhất định kẻ đó là kẻ không biết trân trọng ái tình, nên mới bị gọi là kẻ dại khờ, một thứ tình gửi tạm, gửi hờ như vợ tạm chồng hờ, chua chát quá! Thơ nói hộ những mảnh đời đau đớn là vậy.

Đại thi hào Nguyễn Du than rằng:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

cứ thử vận vào trường hợp này để thấy làm người phụ nữ được yêu, và yêu ai là hai việc khó vô cùng!

Tôi không muốn nói hết bài, mà chỉ đề cập 3 câu thơ trong bài EM ĐÀN BÀ… KHÔNG CẦN TÌNH NHÂN này thôi:

“Khi cảm xúc nhượng bộ

lý trí vứt mạnh tình nhân vào sọt rác

chẳng cần tìm lý do cho điều phải mất”

thì thật là đàn bà dám cầm, dám bỏ, dám ném, dám quên bẵng đi như thứ gì thừa thãi, mà có thể xin phép gọi là “rác tình nhân”, bởi có những kẻ thật không đáng cho chị em phải nuối tiếc, nhất là yêu râu xanh, chứ có phải nào như Hàn Mặc Tử với Mai Đình. Ấy chỉ là cái sự giả dối, chị em cũng không cần thuốc giả dối để vỗ về, là khi tâm hồn bị xúc phạm quá nặng nề. Có thể thơ và đời khác nhau, như người thơ là vai diễn của chị cho đời thấy rằng hai phạm trù đời và thơ có cái giống lắm!

Khi bắt gặp SỐNG VỚI RIÊNG EM, ta đủ nhận ra Minh Đan là một tuyệt tác của tâm lý về ái tình. Chị dám dùng thơ để nói cái chị cần là đại diện cho phái nữ khi yêu, sức mạnh mẽ không thua gì đàn ông:

“đôi khi không cần mối quan hệ rõ ràng, không giấy khai sanh

những đến, đi không tròn lời hẹn ước

không dối gian sau nụ hôn ràng buộc

xanh mãi một miền thơ”

Người yêu ra đi vĩnh viễn, thì chị còn thơ, nó phơi bày lòng chị, “văn là người” là vậy. Không cần ai, không cần anh, không cần những sự giả tạo ấy đâu, khai sanh ngày giờ ai là ai, tên gì, mấy tuổi, đẹp trai, có tài, có học thức hay không, không cần nốt. Anh cứ đi đi!

Chúng ta để ít phút đến với bài TỘI ĐỒ, khổ thơ đầu:

“Nhuộm hồng môi em là hơi thở anh

Nhuộm tím môi em cũng là hơi thở anh

Có dung dịch nào tẩy sạch bờ môi

Mà vị sô-cô-la đã thơm từng sợi nhớ

Có men cay nào tiệt trùng lời vụn vỡ?”

Như đã nói ở trên, ngôn ngữ mà bác sĩ dùng cũng làm thơ được mới lạ, nó hợp lý ở chỗ vận đúng vào cái tạng của ái tình. Đoạn thơ này duyên dáng, đẹp, thơ mộng, mà rồi giả dối, vỡ vụn không ngờ làm cho ta nuối tiếc. Nó thơ và day dứt làm sao ấy! Có lẽ là một trò kéo co của dây tình thì phải.

Đeo gót thời gian, BAO GIỜ ANH ĐẾN?, một cách nói thơ đầy quyền lực của phái đẹp, nghĩa là “ra lệnh”. Giọng thơ nghe rất lãng mạn mà mạnh mẽ, rất có tính khoa học cài đặt vào đây. Vì theo một “công nghệ điện tử của tâm hồn” thì cánh cửa nhận ra mùi của tình nhân, đây là cái mới và lạ:

“Em ra lệnh cho cánh cửa đóng vào

cánh cửa quen mùi anh

mở ra

thức đợi

chẳng đếm được số lần tiếng kêu

như mời gọi”.

Đây là bài thơ trác việt trong tập thơ này về ái tình. Nó nói được cái cấu trúc thơ, hồn thơ và tứ thơ. Một khi đã quen mùi ai đó, thơ cũng như người, cửa cũng như người và trong mắt chị, tâm của chị, vạn vật có thể đánh hơi nhau, nên khi anh ấy về, anh ấy đi, em sẽ là bản lề của tình yêu để giữ anh suốt đời. Ta xét nghệ thuật tâm lý hỏi người khác ở Minh Đan, nó là một cách hỏi rất xác định chắc hay không chắc, vì tính của chị không lượn lờ, không úp mở, ngẫm lại dễ dàng chấp nhận hơn là từ chối một nghĩa cử yêu đương như thế, bởi nết em tính đàn bà là thế, rất rõ ràng trong cái gọi là khát khao mơ hồ như nhiều người nhầm tưởng!

Tôi không muốn ví nữ thi sĩ Minh Đan với cố thi sĩ HỒ XUÂN HƯƠNG, nhưng cái sự bạo gan, dám ăn, dám nói, dám vùng lên này, nó thực sự là đàn bà của thời đại @, mà thời phong kiến có vùng lên rồi cũng bị xẹp lép mà thôi:

“Về đi anh

đánh thức que diêm đỏ lửa trong em

đỏng đảnh nằm ngoài mép cửa”

(Về đi anh)

Và tôi cũng không vô cớ đem cố thi sĩ XUÂN QUỲNH để vận cái nết của đàn bà vào trong việc kín đáo của ái ân này. Bởi lẽ họ có cái giống nhau đều là khao khát, có kín, có bộc trực đều vốn dĩ rất đàn bà dám nghĩ.

Xét về nghệ thuật làm thơ tình, nữ thi sĩ Minh Đan giỏi kiến tạo con chữ tự do. Thơ tự do đạt đến đích mà chị mong đợi, đang chạm cửa của độc giả, cả cấu trúc và tư tưởng, cả hồn và sự hấp dẫn của thơ, chị đã làm rất trọn vẹn. Với sự tinh lọc của nhiều bài thơ hay thì sẽ làm nên một tập thơ hay theo nhiều tầng cảm xúc khác nhau.

Kết thúc chương đoạn KHÂU MÚI NHỚ, Minh Đan cho chúng ta cái nhìn toàn diện về một nhân cách đàn bà, sự ngoan cường quật cả gió đông, thách thức nó và dám làm cái việc mà người tự cho mình là có đạo đức không dám làm. Song cái gì cũng có cái lý của nó, chứ không phải tự nhiên, cũng như chúng ta hít thở hơi thở này cũng phải biết ơn Thượng Đế tạo ra nó là thế đấy!

Tôi cảm thấy tự hào về nữ thi sĩ Minh Đan. Đó là cảm nhận riêng tôi ở một góc đời, một đỉnh riêng của chị, đương nhiên các đỉnh khác cũng còn nhiều điều cho ta khám phá, đó mới gọi là thơ và là kẻ làm thơ, như một kẻ sĩ đã nói: “Cây càng cao càng ngả ngọn, đỉnh núi càng cao càng bén nhọn, người càng cao càng cúi đầu”.

Xin chúc cho nữ thi sĩ đạt được điều mình mong ước, và tôi cũng đang chờ một tập thơ mới chị viết rất là thục nữ nữa.

Tiền Giang, 7-12-2021

HÀN QUỐC VŨ

(LINK: https://vanhocsaigon.com/giai-phau-chuong-doan-khau-mui-nho-trong-phut-bu-gio-cua-minh-dan/)

Top