Sau thành công của cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM đã quyết định chuyển hình thức sinh hoạt Ngày thơ Việt Nam thành cuộc thi viết bút ký, chủ đề Những hy sinh thầm lặng.
Theo Hội Nhà văn TP.HCM, nội dung của cuộc thi là những phản ánh sinh động về các tấm gương hy sinh cứu người bệnh của y bác sĩ, sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hai năm qua, cùng những hy sinh thầm lặng của cả hệ thống chính trị, của người dân TP.HCM và cả nước trong những ngày phòng chống dịch, trong điều kiện giãn cách xã hội.
Nhân vật phản ánh trong bút ký phải là những tấm gương người thật, việc thật. Cuộc thi diễn ra từ ngày 14.2 đến ngày 30.9.2022, thu hút rất nhiều tác giả không chỉ ở TP.HCM mà còn tại miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ gởi tác phẩm về dự thi và hưởng ứng cuộc thi. Các tác giả còn là những nhà văn, nhà báo, bác sĩ, sinh viên, quân nhân, sĩ quan công an, công chức – viên chức…, gởi đến nhiều tác phẩm đầy đặn, khắc họa chân dung khá rõ nét với những câu chuyện, tình tiết cảm động. Các tác phẩm đều đi sát, đúng chủ đề, nhân vật và câu chuyện trong tác phẩm đều là người thật, việc thật cùng các hình ảnh sinh động, chân thật. Nhân vật qua các tác phẩm là những y bác sĩ tuyến đầu, các cán bộ chiến sĩ công an, quân đội làm nhiệm vụ ở tâm dịch; các tình nguyện viên, doanh nhân với tấm lòng vàng, văn nghệ sĩ tham gia chống dịch với tất cả tình cảm và sự dấn thân, không ngại hiểm nguy... Tất cả, đều là những tấm gương về sự hy sinh thầm lặng, quên mình vì nhân dân, đất nước, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, trở lại cuộc sống bình yên, hồi phục kinh tế xã hội.
Ban tổ chức cuộc thi bao gồm Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, do nhà văn Trịnh Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM làm Trưởng ban; Phó ban là nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cùng các Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM và nhà văn Võ Thu Hương, Chánh văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM; Đinh Ngọc An Khuyên, Phó văn phòng Hội Nhà văn TP.HCM là thành viên.
Ban tổ chức đã chọn ra 20 tác phẩm vào chung khảo, từ đó chọn 10 tác phẩm có số điểm cao nhất để trao giải.
Kết quả như sau: Giải nhất: không có; Giải nhì: 2 tác phẩm được trao giải (10 triệu đồng/giải) gồm: Di sản từ trái tim Cường béo của tác giả Hải Văn và Màu xanh của bác sĩ Nhẫn (Anh Thư).
Giải ba: Có 4 tác phẩm được trao giải (7 triệu đồng/giải): Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái (Thanh Hiệp); Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng (Hoài Hương); Chữ tình đọng lại (Ngọc Lan); Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn (Minh Đan).
Giải tư: Có 4 tác phẩm được trao giải (5 triệu đồng/giải): Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor (Phạm Thị Toán); Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo (Nguyễn Ngọc Khuyến); Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi (Nguyễn Thành Úc); Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch (Nguyễn Thị Bội Nhiên).
Những tác phẩm tiêu biểu nhất (gồm 20 bài vào chung khảo) được Hội Nhà văn TP.HCM in sách với tựa đề Những hy sinh thầm lặng, sẽ ra mắt bạn đọc vào dịp trao giải cuộc thi được tổ chức vào Ngày thơ Nguyên tiêu 2023, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, 81 Trần Quốc Thảo, Q.3.
LÊ CÔNG SƠN
(Link:https://thanhnien.vn/ky-nu-kim-cuong-la-nhan-vat-cua-tac-pham-nhan-giai-thuong-hoi-nha-van-tphcm-post1532125.html?fbclid=IwAR36VmLyz8g1ddjLqZ4EnwXH7i6d4JV5Zi_DcWY1O6iDH3wk6-joax54sEs)