Theo thông lệ, cứ đến dịp Nguyên Tiêu, những người yêu thơ cả nước lại háo hức chờ đợi được sống trọn vẹn một Ngày thơ. Năm nay, Ngày thơ sẽ diễn ra vào ngày 11-2 (tức 15 tháng Giêng) ở Hà Nội và TPHCM. Một điều khá lý thú là ở cả 2 nơi, Ngày thơ đều có nét mới lạ.
Văn Miếu vắng bóng thơ trẻ
Đến hẹn lại lên, Ngày thơ Việt Nam 2017 sẽ diễn ra đúng rằm tháng Giêng (tức 11-2) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội với nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Hoạt động của Ngày thơ tập trung vào chủ đề “Đồng hành và Sáng tạo cùng đất nước” với các hoạt động thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối... ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp. Năm nay “Sân thơ truyền thống” sẽ trở thành điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam.
Tại đây sẽ có các cuộc giao lưu từng nhóm tác giả tiêu biểu của các thế hệ nhà thơ, các tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. “Sân thơ trăm miền” sẽ là nơi để văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố và câu lạc bộ thơ giao lưu, trình diễn những tác phẩm thơ đặc sắc nhất. Đặc biệt, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lần đầu tiên “Con đường thi nhân” được mở. Trên con đường này, ban tổ chức dự kiến sẽ giới thiệu chân dung, sáng tác của các nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam.
Ngày thơ VN tại Văn Miếu, Hà Nội lần thứ 14
Tại đây triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam sẽ trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về thành tựu của Hội trong 60 năm hình thành, phát triển… Song thông tin Ngày Thơ năm nay sẽ vắng bóng thơ trẻ lại khiến người yêu thơ có chút hụt hẫng. Phải chăng năm qua sân thơ trẻ không có do các nhà thơ trẻ không tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thi đàn. Một nhà thơ trẻ, người đã nhiều năm tham gia tích cực vào “sân thơ” này cho biết sở dĩ sân thơ trẻ không xuất hiện bởi ngày hội đã cận kề nhưng nhóm thực hiện lại không đủ thời gian chuẩn bị một sân chơi có chất lượng như mong muốn.
Mặc dù rất tiếc nuối vì sự vắng bóng của sân thơ trẻ vốn đã quen thuộc và thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ bởi sự năng động, sáng tạo…, nhưng sự vắng mặt tạm thời này có lẽ là cần thiết. Cũng giống như sân thơ trẻ, năm nay, thơ thiếu nhi không xuất hiện, nhưng sẽ có một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi sẽ được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”. Ban Tổ chức dành hẳn 3 quầy cho không gian thơ đặc biệt này, bên cạnh khu vực thơ của các tỉnh, thành phố.
TPHCM - Thơ trẻ sẽ là điểm nhấn
Kịch thơ trẻ về biển đảo trong Ngày thơ VN lần thứ 14 tại TP.HCM
Nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM, cho biết hoạt động ngày thơ năm nay tại TP sẽ hướng đến mục tiêu là nơi để những người yêu thơ, thích thơ có dịp gặp gỡ, trao đổi, giao lưu. Năm nay, Ngày thơ tại TPHCM sẽ mang chủ đề Xuân nghĩa tình, hướng đến mục tiêu xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình của TPHCM.
Năm nay, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày thay vì 3 ngày như năm ngoái. Ngày thơ sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng 11-2 tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP (số 81 Trần Quốc Thảo) với việc các CLB Thơ quận huyện, các trường ĐH xây dựng các gian thơ, lều thơ. Dự kiến sẽ có 25 gian thơ được xây dựng gồm khoảng 20 gian của các CLB thơ quận huyện và các gian của CLB văn, thơ các trường đại học. Đặc biệt năm nay cũng là lần đầu tiên CLB Văn học của Hội Nhà văn TP có một gian thơ riêng để giới thiệu tác phẩm, tác giả. Hoạt động của các gian thơ được xem là một trong những nét truyền thống của riêng Ngày thơ tại TPHCM. Mỗi gian sẽ cố gắng tạo ấn tượng độc đáo để thu hút bạn bè, du khách. Gian đẹp nhất, thu hút nhất sẽ được vinh danh trong một cuộc thi nhỏ và được ưu tiên biểu diễn trong chương trình chính diễn ra vào tối cùng ngày.
Song song với các gian thơ, năm nay sân thơ trẻ cũng được đầu tư mạnh với nhiều hoạt động mang đậm tinh thần của người trẻ như cuộc tọa đàm giữa các nhà thơ trẻ và sinh viên, học sinh với chủ đề TPHCM trong mắt nhà thơ Trẻ. Tại đây, cả nhà thơ lẫn người yêu thơ sẽ tự do trao đổi kinh nghiệm làm thơ, những vấn đề liên quan đến thơ hiện nay.
Sau 2 năm vắng bóng, thì năm nay Sân thơ trẻ lại tiếp tục in poster thơ trẻ, nhằm giới thiệu những gương mặt thơ mới có năm sinh từ 1982-1990 và là những cây bút nhiều triển vọng cho văn học TP hiện nay như Hồ Huy Sơn, Ngô Thúy Nga, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Đăng Thanh, Du Nguyên, Lê Hòa, Kiều Maily, Sâm Cầm, Nguyễn Kiên Giang… Tiếp nối thành công từ Nguyên tiêu 2016, năm nay Ban Nhà văn Trẻ tiếp tục mời các họa sĩ tham gia hí họa chân dung thơ trẻ và bạn đọc trẻ, góp phần tạo nên không khí sôi động cho ngày thơ.
Vài năm gần đây, trong Ngày thơ Việt Nam, các nhà thơ trẻ TP đã tạo được dấu ấn riêng với các chương trình kịch thơ đầy độc đáo, nội dung đa dạng về người lính đảo, về phiên chợ xuân… Kịch thơ năm nay sẽ có chủ đề Vòng tay mùa xuân với các hoạt cảnh gắn với những bài thơ về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu nhân loại do 3 gương mặt thơ trẻ Minh Đan, Tiểu Quyên và Nguyễn Đăng Thanh trình diễn. Tiết mục này sẽ được biểu diễn trong đêm 11-2 sau lễ khai mạc chính thức Ngày thơ.
Năm nay, lễ khai mạc và đánh trống khai hội Ngày thơ sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 11-2 tại sân khấu chính (lầu 2) trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP. Ngoài phần kịch thơ của các nhà thơ trẻ, đêm thơ còn có gần 15 tiết mục trình diễn, ngâm thơ, trong đó điểm nhấn là phần liên khúc thơ theo chủ đề do các nhà thơ tên tuổi quen thuộc của TP trình bày: Hoài Vũ, Lê Tú Lệ, Trúc Phương, Sơn Ý, Nguyên Cân… Phụ họa sẽ có 2 NSƯT Đức Đình (đệm sáo) và nghệ sĩ Chí Bình (đệm đàn bầu), riêng nghệ sĩ Chí Bình là người nổi tiếng với cây đàn bầu tự chế làm bằng 1 khúc tre.
MAI AN - TƯỜNG VY
http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/net-moi-ngay-tho-o-ha-noi-tphcm.html