Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,481,773 lượt

Báo Đại Đoàn Kết: Nhà thơ Minh Đan "Cốt cách Sài Gòn như dòng chảy nhân ái"

Nhà thơ Minh Đan sinh năm 1979 tại Quy Nhơn. Hiện chị đang sống, sáng tác, làm truyền thông và tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại Sài Gòn.

 

PV: Chị đến với Sài Gòn trong thời gian, hoàn cảnh nào?

- Chuyến đi Sài Gòn đầu tiên của tôi là vào năm tôi đạt Á khoa kỳ thi chuyển cấp lên lớp 6, đó là món quà ba mẹ tặng thưởng cho tôi vì thành tích tốt trong học tập. Sài Gòn những năm 90 trong ký ức tôi rất nên thơ, bình dị, đường phố chưa đông đúc như ngày nay, ô tô cổ là phương tiện rất phổ biến. Thời đó, cậu Năm tôi có một chiếc Vespa khá ấn tượng, chiều nào cũng di chuyển từ Đầm Sen về Thị Nghè, chở bọn trẻ con chúng tôi dạo ngắm phố phường, tôi bị mê hoặc bởi các cô gái trẻ diện áo dài làm duyên trên phố. Ba tuần rong chơi “miền đất lạ” đủ sức gieo vào lòng tôi cái ước mơ bước chân vào giảng đường đại học tại nơi phồn hoa đô hội này, để tìm kiếm cơ hội và tương lai cho mình. Năm 1998, tôi đã “bén duyên” với Sài Gòn như một sự lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ thời đó.

 

PV: Thời gian đầu tiên sống tại đây đã diễn ra với chị thế nào?

- Là một người con tỉnh lẻ tha hương nơi đất khách, tôi cũng gặp phải những khó khăn về môi trường sống, rào cản vùng miền, đặc biệt là vách ngăn tâm lý tự ti mình là con bé nhà quê, hiểu biết hạn chế. Nhưng, “cơn địa chấn” đầu tiên nhanh chóng qua đi khi tôi may mắn có người thân bên cạnh động viên, chăm sóc, dìu dắt từng điều một. Vậy là chỉ sau một năm bỡ ngỡ, tập quen với mọi thứ từ việc nhớ tên đường, con phố, chợ búa, các món ăn,… tôi đã dần thích nghi với nhịp sống sôi động nơi đây và quyết tâm vượt qua sự sợ hãi của bản thân. Tôi bắt đầu mạnh dạn bước ra ngoài khám phá nhiều hơn, tích cực tham gia giao lưu văn nghệ tại các câu lạc bộ của Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung văn hóa lao động; làm gia sư, bán hàng theo giờ cho shop thời trang;… nỗ lực vừa học vừa làm để có thể chủ động chi tiêu trong cuộc sống, đồng thời đỡ đần phần nào gánh nặng cơm áo cho người thân. Từ những trải nghiệm thực tế đó, tôi đã từng bước hòa nhập vào người Sài Gòn lúc nào không hay.

 

Nhà thơ Minh Đan

 

PV: Xa quê, ở nơi phố lạ, điều gì đã làm chị dần có sự gắn kết với Sài Gòn và quyết định sống tại nơi đây?

- Hiếm có thành phố nào mà những con người từ nơi khác đến, ở lại và chọn làm quê hương thân thuộc như chính tâm hồn mình như với Sài Gòn. Tôi cũng vậy, luôn ấm lòng với nghĩa khí của người Sài Gòn, luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ họ như đứa con đi xa tìm được về nhà bằng nụ cười niềm nở, thân thiện và chân thành. Tình người vun đầy trên “miền đất hứa” rộng mở, hào phóng, sự giúp đỡ vô tư từ những người không quen biết nhau. Chỉ cần ở đâu đó có người đang gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, ngay tức thì xuất hiện “những ông bụt, bà tiên” tốt bụng. Cốt cách Sài Gòn ấy tự nguyện dung chứa mọi số phận không phân biệt ranh giới giàu nghèo, hộ khẩu, thậm chí là quốc tịch, họ cứ âm thầm lan tỏa trong cộng đồng cái tình người ấm áp, chan hòa, như một dòng chảy nhân ái chuyển động mải miết không ngừng lại. Người ta nói đó là “văn hóa người Sài Gòn” thương còn hổng hết là vậy! Chính cái đặc tính dễ thương, dễ mến của người Sài Gòn đã níu giữ trái tim tôi ở lại. Tôi chắc thế!

 

PV: Sài Gòn là một miền đất bao dung như thế nào, đối với chị?

- Những ai sống ở Sài Gòn rồi mới hiểu Sài Gòn dễ thương dường nào. Với riêng tôi, Sài Gòn còn là thanh xuân, là nơi dạy mình trưởng thành. Tôi nhớ cái thời mình còn là sinh viên, vào những ngày cuối tháng hết tiền thường nấu mì gói ăn lót dạ, cô chủ nhà trọ thương xót nên bữa nào cũng để dành một phần cơm có thịt kèm lời nhắn nhủ “ăn cho có sức mới học tốt được cháu gái”. Những quan tâm nhỏ vậy mà khiến mình nhớ và biết ơn mãi. Hay như khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi ứng tuyển vào tòa soạn báo để được sống chết với công việc của một phóng viên. Vì là dân “tay ngang” không qua trường lớp đào tạo, nên khi được phỏng vấn và yêu cầu viết, tôi cứ thích gì viết đấy, chẳng cần khuôn mẫu nào cả, viết như thể muốn giải bày hết những điều ấp ủ, trăn trở lên trang giấy. May mắn, tôi gặp được chú Tổng biên tập hiền lành, tốt bụng, đã mạnh dạn trao cho tôi một cơ hội dù có thể khi ấy tôi chưa phải là ứng viên xuất sắc nhất để chọn. Một dịp tình cờ khác, tôi gặp được một nữ doanh nhân có trái tim ấm áp và hoài bão lớn trong một chuyến thiện nguyện chị dành cho trẻ mồ côi, qua trao đổi tôi bị cuốn hút vào thần thái con người chị và quyết định về làm việc cùng chị đến nay cũng đã tròn 12 năm. Có lẽ sự bao dung Sài Gòn dành cho mình không gì ấm áp bằng những kỷ niệm đẹp như thế, luôn chân thành, đáng yêu và nhân văn.

 

PV: Sự bao dung rộng mở này có tác động đến tính cách và suy nghĩ của chị không?

- Tôi luôn xem mình là một “đứa con” của Sài Gòn. Trong tâm thế đó, nhiều năm qua, tôi vẫn âm thầm dành tâm huyết giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học bổng cho sinh viên đồng hương tại Sài Gòn, kết nối các tổ chức từ thiện với trẻ em đường phố; Hỗ trợ và tiếp sức các cây bút trẻ có đam mê viết lách cơ hội xuất bản tác phẩm đầu tay; Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện – xã hội;… Những việc làm bé nhỏ ấy khiến cuộc sống của mình có giá trị hơn, giàu có hơn và ý nghĩa hơn.

Điều may mắn là tôi có một công việc ổn định, phù hợp năng lực chuyên môn, có nguồn thu nhập tốt và tôi cũng được bù đắp cái thú đam mê văn chương bằng những niềm vui nho nhỏ. Tuy nhiên, chức vụ, danh vọng tôi chỉ xem nó như là phong vị của cuộc sống, chứ không phải lẽ sống. Tôi xác định cuộc đời này vô thường lắm thì mình phải sống làm sao để khi chết không là hạt cát vô nghĩa. Vậy nên đầu năm 2019, tôi đã chủ động đăng ký hiến mô hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi qua đời với sự ủng hộ của người thân, để bản thân có cơ hội được cứu người, tiếp tục duy trì sự sống của những con người có số phận kém may mắn hơn.

VIỆT QUỲNH (thực hiện)

http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-tho-minh-dan-cot-cach-sai-gon-nhu-dong-chay-nhan-ai-tintuc465070

Top