Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,145 lượt

Báo Nhân dân: Ngày hội của những người yêu thơ

Ngày thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh năm nay được tổ chức vào hai ngày 14 và 15 tháng Giêng. Bên cạnh những hoạt động quen thuộc, ngày thơ năm nay, có thêm nhiều buổi tọa đàm, giao lưu nhằm tạo sự gần gũi giữa các nhà thơ và người yêu thơ.

 

Với chủ đề “Xuân - cội nguồn và sáng tạo”, trong ngày đầu diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh dành thời gian cho hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) thơ trong thành phố và sân chơi cho các tác giả trẻ. 20 CLB thơ của thành phố bắt đầu dựng lều thơ trong buổi sáng 1-3. Ðây là một trong những nét riêng trong Ngày thơ tại TP Hồ Chí Minh. Từ các lều thơ của CLB thơ đến từ các quận, huyện, trường đại học, trung học phổ thông, những người yêu thơ có dịp giao lưu, đấu thơ, trình diễn thơ… tạo nên một không khí đậm chất thơ ca đặc sắc.

 

Cùng thời gian này, tại sân khấu chính của Ngày thơ, buổi tọa đàm giới thiệu bộ sách gồm năm quyển về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được tổ chức. Ðây là những tác phẩm do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh phối hợp Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với mong muốn đưa đến bạn đọc nhiều góc nhìn về sự kiện này. Khán giả, bạn đọc đã có dịp tìm hiểu sâu hơn và có cái nhìn mới về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 qua bút ký văn học Chuyện năm 1968 của nhà văn Trầm Hương; trường ca Pháo dậy phố xuân của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu; tập bút ký Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân của nhà văn Ngô Bá Chính (Ðồng Ðen); tập kịch bản sân khấu Ký ức Mậu Thân ( gồm bốn tác giả Trần Văn Hưng, Ngọc Trúc, Bích Ngân, Ðăng Nhân) và cuốn phê bình văn học Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân của nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn. Mặc dù, được thể hiện bằng nhiều thể loại khác nhau, nhưng những tác phẩm văn học nói về Xuân Mậu Thân 1968 vẫn có điểm chung là ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường, lòng yêu nước của những chiến sĩ, đồng bào ta sẵn sàng hy sinh thân mình để làm nên bản hùng ca cho đất nước.

 

Ðiểm thu hút trong Ngày thơ tại TP Hồ Chí Minh là Sân chơi trẻ. Năm nay, Sân chơi trẻ tổ chức giao lưu, giới thiệu hai tập thơ mới của các tác giả thơ trẻ, đó là: Tập thơ Vị đàn bà của nhóm năm tác giả (Minh Ðan, Trần Mai Hường, Kiều Maily, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến) và Bật cúc đêm của tác giả trẻ Lương Cẩm Quyên.

 

Ngoài ra, chương trình tọa đàm “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ. Buổi tọa đàm đã mang đến cho khán giả những cái nhìn khác, hiểu rõ những góc khuất qua sự chia sẻ của các tác giả về con đường thi ca, cách khơi mở cảm xúc và sáng tạo để khẳng định mình trong sáng tác. Nhà thơ trẻ Minh Ðan cho biết, thời gian qua, Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ thơ trẻ nhằm hỗ trợ các nhà thơ trẻ gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện xuất bản tác phẩm đầu tay của mình. “Nhiều tác phẩm được Quỹ thơ trẻ hỗ trợ khi phát hành đã tạo dư luận tốt, trong đó có những tác phẩm đã đoạt giải của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh”, nhà thơ Minh Ðan cho biết.

 

Nhà thơ Minh Đan - Ủy viên Ban Nhà văn trẻ TP.HCM phát biểu tại Tọa đàm giao lưu "Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo" và tặng hoa cảm ơn đến Nhà thơ Trần Lê Khánh đã đồng hành với Quỹ Thơ trẻ 

 

Trong ngày chính, mọi chú ý đều tập trung vào nghi thức đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 diễn ra tại khuôn viên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố. Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức cho biết, Ngày thơ năm nay là dịp để ban tổ chức tôn vinh thế hệ những nhà thơ tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với những chương trình giao lưu, đọc thơ đầy cảm xúc, gợi nhớ về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

 

Ðưa vào nhiều hoạt động giao lưu, tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn Ngày thơ năm nay tại TP Hồ Chí Minh trở thành ngày hội của những người yêu thơ, là dịp để độc giả, người yêu thơ hiểu thêm về con đường sáng tác của những nhà thơ trẻ nói riêng và các nhà thơ thành phố nói chung.

 

Tuy nhiên, để Ngày thơ không phải là ngày hội chỉ diễn ra trong một, hai ngày lại là một câu chuyện khác. Nhiều vấn đề về tình hình thơ ca hiện nay như các tập thơ không bán được, chất lượng thơ chưa cao, chưa nhiều đột phá, công tác phê bình thơ kém hiệu quả…, đã làm cho hoạt động thơ trở nên kém sôi động. Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn từng chia sẻ, xuất bản một tập thơ để bán vất vả hơn nhiều so với một tập văn xuôi. Ðiều này làm cho những nhà thơ trẻ cũng giảm hào hứng trong việc in thơ. Xu hướng người người đăng thơ trên mạng xã hội hiện nay cũng tạo nên nhiều giá trị ảo, khiến thơ càng trở nên “mất giá” hơn, trong khi đó công tác phê bình thơ vẫn chưa thể tìm ra được những “hạt vàng” thật sự.

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh chia sẻ, điều quan trọng là nhà thơ phải viết ra những bài thơ hay, những tác phẩm có giá trị. Chương trình Ngày thơ Việt Nam hay những hoạt động của các tổ chức hội sẽ là chất xúc tác góp phần mang lại nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, để từ đó, độc giả tiếp tục hy vọng về những tác phẩm có giá trị sẽ ra đời trong tương lai không xa...

BẢO LINH

http://nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/35676602-ngay-hoi-cua-nhung-nguoi-yeu-tho.html

Top