Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,682,097 lượt

Ra mắt tập thơ ‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những ghi nhận

Sáng ngày 4/9/2024, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPCM, Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ 'Lục bát chân mây' của nhà thơ Võ Miên Trường.

 


Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu và tặng hoa chúc mừng nhà thơ Võ Miên Trường

 

Đến dự buổi ra mắt, về phía lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM có nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cùng các Uỷ viên Ban Chấp hành Hội: Nhà thơ Bùi Phan Thảo, nhà thơ Nguyên Hùng, nhà thơ Phùng Hiệu.

Khách mời gồm các nhà thơ: Trúc Linh Lan, Chi hội trưởng Hội Nhà văn Việt Nam tại Cần Thơ, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Tp Cần Thơ; nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trưởng nhóm Thi sĩ thương yêu; nhà thơ Phan Đình Minh từ Hà Nội vào; nhà thơ Triệu Từ Truyền, nhà thơ Lê Thị Kim cùng đông đảo các nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ là bạn bè văn nghệ và đồng nghiệp của nhà thơ Miên Trường, đặc biệt là có sự tham dự từ những người thân trong gia đình chị.

 

 

 Nhà thơ Trần Mai Hường, Phó Ban nhà văn nữ cùng nhà thơ Lê Thị Kim, nhà văn Võ Thu Hương đại diện Ban Nhà văn nữ tặng hoa chúc mừng tác giả

 

Tập thơ Lục bát chân mây là tác phẩm thơ thứ 7 của nhà thơ Võ Miên Trường, được chị sáng tác trong khoảng 12 năm nay.

Có thể nói nhà thơ Võ Miên Trường đến với thơ khá muộn, mãi đến 55 tuổi, khi cuộc sống đã đi vào ổn định thì chị mới dành thời gian cho thi ca. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên khi ở môi trường làm thơ chuyên nghiệp thì chị nhanh chóng hòa nhập và thể hiện được tố chất văn chương từng ấp ủ trong suốt thời thanh xuân của chị. Và khi được tiếp cận với văn chương, với bạn bè đồng nghiệp, với không gian nghệ thuật vô tận thì ngòi bút của chị đã nhanh chóng phát huy, và những vần thơ cứ thế tuôn trào như không ngơi nghỉ.

7 tập thơ trong 12 năm đã chứng minh cho sự sáng tạo không ngừng với sức viết rất đều đặn và xuyên suốt. Với khả năng khám phá con chữ duy trì nguồn cảm hứng sáng tác, với những tác phẩm được xuất bản liên tục, năm 2019 chị được kết nạp vào Hội Nhà văn TPHCM.

Nhận xét về tập thơ chị, nhà thơ Bùi Phan Thảo viết ‘Với tập thơ mới nhất, ‘Lục bát chân mây”, một lần nữa Võ Miên Trường cho thấy chọn lối vào trái tim bạn đọc đông đảo thì lục bát là một phương tiện khả dĩ. Trên lối đi ấy, người sáng tạo dọn đường cho lục bát không chỉ hoa cỏ xôn xao mà cả mây trời lắng lại; những chiều hôm quạnh quẽ hành trình hay sớm tinh mơ bừng một niềm tin về một chân lý đã xác tín, một bổn phận đã hoàn thành hay sứ mạng phải mang vác... Nặng trĩu hoặc nhẹ tênh không còn quan trọng nữa, bởi vì lòng người đã an yên sau những tháng năm dài dấn mình vào đời sống’.

 


Quang cảnh buổi ra mắt

 

Với tác phẩm ‘Lục bát chân mây’, nhà thơ Võ Miên Trường đã chọn đúng sở trường của mình để khai thác thành công những góc lạ, độc đáo và đa chiều trong thể loại thơ lục bát. Đọc tập thơ ta nhận thấy rằng, chị rất có duyên và năng khiếu về lục bát, bởi ở đấy là sự cộng hưởng của ngôn ngữ, sự thức ngộ trong cuộc đời, đã được chị vận dụng vào thơ một cách rất tinh tế, làm cho người đọc nhận ra và có những đánh giá, nhận định một cách chính xác về thơ chị. 'Hơn mười năm quen biết rồi thân thiết, tôi hiểu chị Võ Miên Trường và trân quý nhân cách của một người hiểu đời, hiểu người, những ứng xử của chị với văn chương cũng thế, học hỏi, trầm tĩnh và lặng lẽ, bản lĩnh để lắng mình ấy cũng là phẩm chất của người cầm bút. Chị tín thác vào thơ và thơ dìu chị lần từng bước nhỏ. Chọn Lục bát để lập thân chữ nghĩa, ấy là con đường cực kỳ khó, và nhất là với một người đàn bà viết muộn như Võ Miên Trường đó là phép thử gian nan nhất’, nhà thơ Trần Mai Hường nhận định.

Đến với buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Phạm Ngọc Dũ - là nhà thơ có thể nói là người có công lớn trong việc động viên nhà thơ Võ Miên Trường từ những ngày đầu tiên bước vào thế giới thi ca: ‘Lục bát chân mây là tập thơ được Miên Trường viết một cách chậm rãi trong cung cách diễn đạt ngôn ngữ, suy niệm hơn, thấu hiểu thân phận người hơn trước cõi sống, vì vậy thái độ bình tĩnh và sâu sắc hơn bởi chị đã nhận chân lẽ vô thường dịch biến của tạo hóa’.

Nhà thơ Ngô Minh Oanh nhận định rằng: ‘Trong thơ Miên Trường, câu chữ, ngôn ngữ, hình tượng đều mang rất đẹp riêng ; những giọt thơ của người đàn bà đứng tuổi, những câu thơ chị viết cho riêng mình hay cho chung phận đàn bà, cam nhẫn nối nhau thành nốt lặng dài. Thơ như bình minh dắt chị đi qua những vực đêm hoang hoải, những vô minh thế gian…’.

Một nữ đồng nghiệp khác của chị, nhà thơ Trần Hà Yên cảm nhận: ‘Võ Miên Trường là một nữ thi sĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả bằng những vần thơ Lục bát vừa tinh tế, vừa giàu cảm xúc. Với phong cách sáng tác độc đáo và sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống, thơ chị đã chạm đến những tầng sâu nhất trong tâm hồn con người qua từng câu thơ. Những tác phẩm của Miên Trường không chỉ là những lời thơ mà còn là những bản tình ca dịu dàng về cuộc đời, về những khắc khoải, trăn trở của một tâm hồn nữ tính đầy nhạy cảm’.

Ta về theo gió rong chơi/ Thấy bồ đề giữa chợ đời vô minh/ Ta lần từng bước thương mình/ Cứ thập thõm giữa chênh vênh cợt đùa/ Về gom nỗi nhớ lên chùa/ Bàn tay đảnh lễ xin chừa sân si/ Ta bà sấp ngửa thị phi/ Thế gian còn lắm bấc chì… lạnh câm/ Chung trà rót tạ tri âm/ Áo nâu sồng mặc chờ tâm Niết bàn…’.

Đúng thế! Thơ mang đến cho chị một vẽ đẹp vi diệu, thơ cũng có thể cứu rỗi nhân loại và thơ như là ánh sáng, là con đường dìu dắt chị đi qua những vực đêm hoang hoải, những vô minh còn đang che lấp loài người.

Với thành công của Lục bát chân mây, tôi tin rằng nhà thơ Miên Trường sẽ còn tiến xa hơn nữa trong hành trình sáng tạo của chị.

PHÙNG HIỆU

Top