Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,979 lượt

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn: Niềm tin vào tương lai phía sau những lo toan thường ngày

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đã bước vào chặng cuối. Không chỉ thành công về mặt số lượng mà nội dung chủ đạo của các tác phẩm dự thi ở cả hai mảng truyện ngắn và tiểu thuyết đều vẽ lên bức tranh sinh động của đời sống, việc làm, tâm tư tình cảm của công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn và phía sau những lo toan, vất vả là niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.

Truyện ngắn: Những lát cắt sinh động, chân thực

Với hơn 400 truyện ngắn dự giải, nhà văn Y Ban – Chủ tịch Hội đồng sơ khảo đánh giá: “Dù là mảng đề tài khó nhưng hình ảnh của người lao động qua các tác phẩm dự thi rất sinh động và đầy chất liệu cuộc sống. Đặc biệt là những tác phẩm của người lao động. Đó là những trải nghiệm ở xóm trọ, nơi làm việc với những chi tiết, tình tiết đắt giá, sinh động mà ngay cả các nhà văn chuyên nghiệp cũng chưa chắc có được trải nghiệm ấy”.

 


Các sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn đăng trên Lao Động. Ảnh: Linh Anh

 

Trải nghiệm ấy được đúc rút từ chính công việc thường ngày. Tác giả Nguyễn Thanh Bình – một người đã từng có thời gian làm thợ mỏ ở Quảng Ninh đã viết về “Một gia đình thợ mỏ” được đánh giá là: Tác phẩm viết chân thực, sống động, nhiều chi tiết gây hồi hộp, lo lắng bởi tính hấp dẫn khi nhân vật đối mặt với hiểm nguy, cái chết trực chờ… Một mảng đời sống chân thực của người thợ mỏ hiển hiện, với những hành động quên mình cứu người, chia sẻ gian nan hiểm nguy thấm đẫm tình người đất mỏ.

Hay cũng về thợ mỏ, tác giả Vũ Tiến Luận với “Tình người thợ mỏ” lại đề cập đến chuyện ở một xưởng cơ khí mỏ than Quảng Ninh, công nhân thợ tiện bị lợi dụng đã tạo sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây tai nạn lao động, thiệt hại kinh tế cho nhà máy. Bài học về kỷ luật lao động luôn gắn với năng suất, chất lượng, gắn với đạo đức con người là ý nghĩa sống còn với nhà máy.

Một tác phẩm khác, “Chày đêm đập áo” của Bảo Thương có không gian truyện diễn ra ở một làng dưới chân núi trong gia đình nhân vật chính, tôi, tên Phương, với ba thế hệ trồng ma lương làm bánh. Khát khao thay đổi cuộc sống nghèo khó, vất vả của mình có từ thời ông của Phương, một người được học hành tử tế. Ông Phương có một bản thiết kế một nhà máy trên chính quê hương mình nhưng không thực hiện được, ước mơ ấy kéo dài qua thế hệ cha Phương nhưng cũng đành xếp vào một góc. Chỉ khi đến Phương, sau khi ra trường trở thành một kỹ sư, bản vẽ ấy mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Quá trình chuyển đổi, người lao động gặp không ít khó khăn nhưng họ luôn biết vươn lên, đó là “Nước mắt Mặc nưa” của Tống Phước Bảo. Bằng ngôn từ hình ảnh miền tây Nam bộ, tác giả khắc họa một vùng quê với những con người luôn da diết yêu quê hương, yêu làng nghề. Quyết tâm dựng lại nghề dệt đặc truyền độc đáo. Tác phẩm hấp dẫn bởi cách dẫn truyện. Từ nông dân họ trở thành những công nhân làng nghề, ý thức về giai cấp công nhân trưởng thành dần qua các mối quan hệ lao động sản xuất có máy móc tuy thô sơ, có tổ chức.

Trong nhóm tác phẩm dự thi, vai trò của tổ chức Công đoàn được thể hiện khá đậm nét. Tác giả Nguyễn Hồng Minh – chuyên viên Ban nghiên cứu phát triển, Cty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn khi gửi tập truyện ngắn dự thi với tựa đề “Cán bộ công đoàn” đã chia sẻ rằng: “Những tình tiết nhỏ nhưng đã vẽ lên bức tranh của người lao động, của các cán bộ Công đoàn khá đầy đủ trong việc hình thành tính cách cũng như thích ứng với thời đại mở rộng và công nghệ ngày nay.

Ở truyện ngắn “Thay đổi“, lướt qua một người công nhân quét rác sẵn sàng bù tiền lương của mình vào để vẫn giữ giá thu phí như trước với một số hộ còn khó khăn hơn mình để rồi công ty phát hiện. Để từ đó, cơ hội mang tới sự thay đổi cho một người khác, mà sau đó người ấy được bầu làm nhân viên chăm lo tinh thần cho người lao động cho dù đó là một thanh niên chưa từng làm việc đó. Đó là tâm tư và cách nhìn của một cán bộ Công đoàn về một con đường đã gắn liền với sự hình thành của một ngành mới trong thời đại phát triển của đất nước.

Người cán bộ Công đoàn ấy hiểu biết được lịch sử, hiểu được lòng dân, văn hóa và truyền thống của người dân và từ đó thấu hiểu được căn nguyên của người lao động bước ra, đi ra từ bản chất của người dân ấy để đi vào đêm ngày các ca làm việc trong một nhà máy lớn và hiện đại của đất nước. Chỉ là các tâm tư và chia sẻ trong truyện ngắn cán bộ Công đoàn thôi nhưng đó là sự gần gũi và sâu sắc để nối người với người, nối các yếu tố tinh thần, tâm linh tới với sự thành công.

Khi xã hội đang trong độ tuổi vàng với nhiều phần trăm con người là lao động thì muôn vàn góc cạnh của đời sống đang trình diễn trước mắt chúng ta. Những truyện ngắn này chỉ mang một chút góc nhìn nhưng hy vọng sẽ có hình ảnh của chính chúng ta, bạn bè chúng ta trong đó”.

Tiểu thuyết: Đan xen mạnh mẽ quá khứ – hiện tại, tương lai

Nhà văn Dương Hướng, thành viên Hội đồng Chung khảo cho rằng: “Tiểu thuyết là một thể loại khó đòi hỏi bút lực và sự kiên trì của người viết rất cao”. Tuy nhiên, 86 tiểu thuyết dự cuộc thi viết về công nhân, công đoàn cho thấy dòng văn học ở mảng này vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả.

Tác phẩm “Thời gian trong cõi tạm” của Hoàng Việt Hằng – từng là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo; Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội đã chuyển tải không gian tiểu thuyết kéo dài từ thời kỳ bao cấp đến giai đoạn hiện tại. Nhân vật chính là Nữ, một công nhân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có đam mê văn chương và viết văn. Xuyên suốt từ đầu đến cuối tiểu thuyết là phận đời những người lao động sống quanh Nữ ở cái Thủ đô nhỏ bé với đủ các nghề mưu sinh kiếm sống được khắc họa rõ nét, có hình hài. Chi tiết chân thực, sinh động. Đó là các nhân vật: ông Gàn liệm xác, bà Hợi lao công, anh Mình xích lô, bác sĩ Cổn, mẹ Thầm…

Người thợ xây Thà cả đời đi xây những công trình lớn, to đẹp, nhưng cuối đời lại không đủ điều kiện để xây cho mình một ngôi nhà tử tế. Anh thợ hàn bậc cao Ty khi đã có tuổi trở thành “Ty vít cổ cắt tóc” rồi người mẹ đơn thân tên Hạ… Họ có thể nghèo về vật chất, khốn khổ trong cuộc mưu sinh, nhưng tất cả đều là những triệu phú về tình người, sự ấm áp, chia sẻ. Họ sống chân thành, không giả dối, tử tế, không vụ lợi. Thông qua tiểu thuyết, tác giả muốn gửi gắm quan niệm cuộc đời này như cõi tạm, mọi vật chất đều là thứ phù du. Chỉ có tình người là vĩnh hằng. Dường như cuốn tiểu thuyết chính là tự truyện về một thời gian, không gian đã xa của tác giả.

Hay “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Anh Quốc – một kỹ sư điện nhưng là tác giả “có tiếng” trên văn đàn. Đó là “một tác phẩm khá thú vị viết về đội ngũ công nhân trên dàn khoan giữa biển Đông với những hoạt động lao động, những tiến trình thi công, những mối quan hệ khá hấp dẫn và thu hút người đọc đến trang cuối. Văn gọn, khúc triết, không màu mè. Nhiều hiểu biết về công việc dàn khoan. Đặc biệt là những câu chuyện thực thụ về người công nhân với những quyền lợi và trách nhiệm, những mâu thuẫn phát sinh và vai trò của tổ chức công nhân công đoàn…” như nhận xét của nhà văn Võ Thị Xuân Hà – thành viên Hội đồng sơ khảo.

18 tiểu thuyết được Hội đồng sơ khảo lựa chọn trình Hội đồng chung khảo đều là những tác phẩm công phu, tâm huyết và một lần nữa chứng minh văn học luôn đồng hành cùng cuộc sống, phản ánh chân thực cuộc sống và thể hiện những khát khao, niềm tin, sự lạc quan về tương lai tươi sáng.

“Đây là cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân và công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cho nên lực lượng tham gia sẽ có cả nhà văn chuyên nghiệp và những người làm việc trong lĩnh vực công đoàn, công ty, nhà máy, xí nghiệp… Lực lượng viết tham gia khác nhau cho nên chất lượng khác nhau; phần lớn bám sát đề tài công nhân và công đoàn; đi sâu phản ánh đời sống của người lao động trong thời điểm hiện nay” – Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

“Một cuộc thi cho đến thời điểm này thành công ở nhiều mặt. Hiện thực cuộc sống tràn đầy trong các tác phẩm” – Nhà văn Sương Nguyệt Minh.

LINH ANH/ Theo Lao Động Cuối Tuần

Top