Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,200 lượt

Đoàn Nhà văn Việt Nam đến với đất nước Palestine

Nhận lời mời của nhà thơ Murad Sudani, Chủ tịch Hội Nhà văn Palestine (liên minh hoạt động với hơn 1.700 hội viên là các nhà văn Palestine đang sống và làm việc tại Palestine, Jordan, Israel, Liban…) và ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban đối ngoại Trung ương và thực hiện kế hoạch công tác đối ngoại nhằm quảng bá và giới thiệu văn học Việt Nam với nước ngoài.

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã cử đoàn nhà văn gồm những thành viên: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hai Phó chủ tịch Hội là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban chấp hành, Phó trưởng Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và hai thành viên khác là Trung tướng nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng biên tập Báo Công An nhân dân Việt Nam và Nguyễn Thúy Hằng, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi xuất bản nhiều ấn phẩm văn chương Palestine được chuyển ngữ sang tiếng Việt theo lời mời riêng của Đại sứ Palestine tại Việt Nam và cùng tham gia đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đoàn nhà văn Việt Nam lên đường đến Palestine, một quốc gia có 35 năm (1988 - 2023) thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam trên nền tảng tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, sự tin cậy với những bước tiến triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, an ninh, quốc phòng.

Chủ tịch Hội nhà văn Palestine, nhà thơ Murad Sudani cùng nhiều đồng sự đã đến sân bay sân bay Queen Alia, sân bay quốc tế tại Jordan đón (cũng như tiễn đưa đoàn tạm biệt Palestine) đoàn nhà văn Việt Nam đến Palestine.

Trong 9 ngày (từ ngày 29 táng 5 đến ngày 6 tháng 6 năm 2023) đến với đất nước Palestine, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với cường độ cao và mật độ tiếp xúc, giao lưu dày đặc.

Trung bình đoàn làm việc từ 9 giờ sáng cho tới 9 giờ đêm (khoảng 1 giờ đêm Việt Nam). Suốt thời gian ấy, hai tiếng "Việt Nam" được vang lên bất cứ nơi nào đoàn nhà văn Việt Nam đặt chân đến...

 

Đoàn nhà văn Việt Nam viếng lăng mộ cố Tổng thống Yasser Arafat

Thủ tướng Palestine với đoàn nhà văn Việt Nam

Thủ tướng Palestine Mohamed Shtayyeh tặng Huân chương cao quý của nhà nước Palestine cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam


Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Thủ tướng Palestine tập Truyện Kiều của Nguyễn Du với bản in đặc biệt bằng tiếng Anh

 

Vòng hoa của đoàn nhà văn Việt Nam ghi vòng chữ “Hội Nhà văn Việt Nam tưởng nhớ cố Tổng thống Yasser Arafat” đặt bên lăng mộ cố Tổng thống Yasser Arafat trong khu tưởng niệm cạnh bảo tàng Arafat tại Ramallah, là thủ phủ của Palestine. Cố tổng thống Yasser Arafat, một lãnh đạo Palestine, người được trao Giải Nobel hòa bình 1994 vì những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Hòa bình Oslo nhằm mang lại tương lai hòa bình cho khu vực Trung Đông. Yasser Arafat là chủ tịch tổ chức Giải phóng Palestine, tổng thống chính quyền quốc gia Palestine, và lãnh đạo của đảng chính trị Fatah do ông thành lập năm 1959. Arafat dành trọn cuộc đời mình đấu tranh chống lại ngoại xâm, đòi quyền tự quyết và độc lập tự do cho người dân Palestine.

Ông từng vô cùng tiếc nuối vì khi đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1970 lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần nên ông đã không thể gặp được người. Cố tổng thống Arafat có 9 lần tới thăm chính thức Việt Nam. Sinh thời, tổng thống Arafat luôn coi cuộc Cách mạng giành độc lập tự do của Việt Nam là chân lý và là hình ảnh mẫu mực cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Palestine.

 

Lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Palestine tiếp đoàn

Bộ trưởng Bộ Phụ nữ tặng chiếc khăn mang tên Arafat cho từng thành viên đoàn nhà văn Việt Nam


Đoàn Nhà văn Việt Nam làm việc tại đài truyền hình Palestine

 

Ngay sau buổi viếng lăng mộ cố tổng thống Yasser Arafat, Bộ Thông tin Palestine tổ chức cuộc họp báo về sự kiện đoàn nhà văn Việt Nam đến, lưu lại hơn một tuần làm việc tại Palestine. Sự kiện này được truyền thông, người dân, lãnh đạo Palestine coi là đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, đoàn nhà văn Việt Nam đến với đất nước Palestine, một quốc gia Trung Đông trong khối Ả Rập, vẫn đang tiếp tục con đường đấu tranh giành lại lãnh thổ và quyền độc lập tự do cho dân tộc mình.

Trong 7 ngày tiếp theo, đoàn nhà văn Việt Nam gặp gỡ nhiều nhận vật là những trí thức nhân sĩ yêu nước từng là nạn nhân và là tù nhân nhiều năm trong nhiều trại tù của Israel; đến trường Đại học Birzit ở Ramallah, tham dự buổi tưởng niệm sinh viên Fadi Washa của trường bị lính Israel giết vì đấu tranh đòi giải phóng dân tộc; thăm thư viện Palestine và làm việc với tiến sĩ Issa Qara, giám đốc thư viện, ông còn là một nhà thơ từng bị Israel cầm tù 14 năm; thăm bảo tàng Mamoud Darwish, nơi lưu giữ bản thảo, tác phẩm, kỷ vật nhà thơ Mamoud Darwish, một nhà lớn không chỉ của của Palestine, người đấu tranh đến hơi thở cuối cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và khi ông mất, nhà nước Palestine đã tiến hành quốc tang trong 3 ngày; làm việc với Hội nhà văn, Hội nhà báo Palestine, Đài truyền hình Palestine, và nhiều cơ quan thông tấn khác tại Palestine, gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhiều nhân vật cấp cao của phong trào giải phóng dân tôc Palestine, gặp nhiều bộ trưởng, trong đó Bộ trưởng Bộ Phụ nữ đang có chuyến làm việc tại dải Gaza cũng thu xếp về Ramallah để gặp gỡ, làm việc với đoàn… Đoàn cũng lần lượt được tiếp xúc với các vị lãnh đạo nhà nước Palestine: Phó chủ tịch quốc hội, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Palestine.

 

Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận quà lựu niệm của Hội Nhà văn Palestine


 

Nhà văn Bích Ngân nhận thẻ Hội viên danh dự của Hội Nhà văn Palestine


Thủ tướng Palestine trao quyển lịch sử đất nước Palestine cho Phó giám đốc Nxb Hội nhà văn Việt Nam, với mong muốn được in bằng tiếng Việt phục vụ đông đảo người Việt


Đoàn Nhà văn Việt Nam trước thư viện quốc gia Palestine


Nhà văn Nguyễn Bình Phương với những cô gái làm việc tại Bảo tàng quốc gia Palestine

 

Tại văn phòng chính phủ, trong buổi tiếp đoàn nhà văn Việt Nam và trao Huân chương cao quý (huân chương do Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ký tặng cho những trí thức & văn nghệ sĩ có đóng góp mang lại ý nghĩa sâu sắc về hoạt động văn hóa, khoa học, hòa bình và tình hữu nghị giữa Palestine với các quốc gia, các dân tộc) cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, đặc biệt là chuyến công tác của đoàn nhà văn Việt Nam đến với đất nước Palestine với nhiều hoạt động mang lại nhiều y nghĩa, đã nối tiếp thành quả nối kết nhiều hoạt động của hai Hội nhà văn trước nay và ký kết hợp tác hoạt động giữa hai hội nhà văn Việt Nam và Palestine trong thời gian tới, Thủ tưởng Palestine cầm tờ giấy trăng lên và nói "Chúng tôi chưa bao giờ vẫy lá cờ trắng" rồi ông chỉ vào lá cờ của dân tộc mình: "Lá cờ của chúng tôi có 4 màu. Màu trắng nói lên thiện chí và khát vọng hòa bình. Màu đỏ là máu chúng tôi sẵn sẵn đổ máu vì độc lập tự do của dân tộc. Màu xanh là màu cây trái và sự sống phủ lên đất đai. Màu đen là bóng đêm nhấn chìm quân xâm lược... Và trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do cho nhân dân Palestine, chúng tôi luôn lấy Việt Nam làm tấm gương soi sáng…".

Đáp lại lời Thủ tướng Mohamed Shtayyeh khi nhận huân chương cao quý cũng như khi trả lời phỏng vấn của báo giới Palestine, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn, khẳng định: “Đây là Huân chương của Tổng thống Palestine trao cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước, trong đó có các nhà văn Việt Nam ở nhiều thế hệ mà tôi là người đại diện nhận tấm Huân chương cao quý này. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ của nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh của mình chống đế quốc Mỹ cho nền hòa bình của dân tộc tôi. Chúng tôi ủng hộ tiếng nói chính đáng của nhân dân Palestine cho độc lập, tự do của đất nước mình”.

Chiều 12/6/2023

TRỊNH BÍCH

Top