Chỉ những cuốn sách bán chạy có làm nên văn trẻ? Đâu là sứ mệnh của văn trẻ và người viết phải làm gì để chuyển tải được tinh thần thời đại đến người đọc? Rất nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra trong cuộc thảo luận về văn trẻ vào sáng 12-11 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM với sự có mặt của nhiều nhà phê bình, nhà nghiên cứu và cả các cây bút có sức hút cao nhất trong giới viết trẻ.
Thiếu tác phẩm có sức nặng
Nhà văn Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, cho rằng văn học trẻ hiện nay có số lượng ấn bản lớn, lên tới vài chục ngàn bản in mỗi cuốn nhưng chưa có tác phẩm hay. Nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban Văn trẻ Hội Nhà văn TP HCM, cũng cho rằng nhiều tác phẩm của người viết trẻ đọc cũng được không đọc cũng không sao. Những người viết trẻ đã đạt được số lượng ấn bản lớn thì cần ý thức rõ hơn về vai trò của mình.
Cây bút trẻ Anh Khang - người từng có nhiều đầu sách bán chạy, được cho là lên tới hàng trăm ngàn bản, như “Buồn làm sao buông”, “Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em”… - phân trần: “Thế hệ trẻ lớn lên trong thời đại thông tin, mọi thứ đều được cập nhật rất nhanh, thông tin bao trùm tất cả nên cách thể hiện, cách nghĩ, cách viết cũng khác. Ấn tượng xấu của độc giả về những cuốn sách “mì ăn liền” là không tránh khỏi và tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình viết ra những tác phẩm to tát, có giá trị lớn lao. Tôi muốn phản ánh không khí của thời mình đang sống và tôi nghĩ những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Thời gian sẽ sàng lọc và khẳng định giá trị”. Một sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH-NN) có mặt tại hội thảo thẳng thắn đặt ra vấn đề: “Sách của Anh Khang xuất bản số lượng nhiều nhưng sách đó là sách gì? Có chất lượng hay không? Có nâng tầm thị hiếu của độc giả hay không? Và giá trị thực sự của những cuốn sách đó là gì?”.
Nhà văn trẻ Anh Khang
Các sinh viên khoa VH-NN có mặt tại hội thảo cũng cho biết không đọc sách của những tác giả đang có sách bán chạy như Iris Cao, Hamlet Trương, Anh Khang... vì lý do họ không học hỏi được gì từ những cuốn sách này ngoài tính giải trí, đọc cho qua ngày.
Một giảng viên văn học cung cấp thêm thông tin qua khảo sát nhiều lứa học sinh, sinh viên, độc giả của nhóm tác giả văn trẻ có sách bán chạy lớn nhất hiện nay là các em độ tuổi THPT.
Nếu không lớn lên thì sẽ tự “chết”
Nhà phê bình Trần Hoài Anh cho rằng: “Người trẻ bị cuốn hút vào sứ mệnh của thời đại. Họ thể hiện những vấn đề của cha ông và quá khứ bằng cách nhìn của họ chứ không vay mượn từ những cảm xúc sử thi hoành tráng trong quá khứ. Đừng lo người trẻ không chạm tới những vấn đề chở đạo trong quá khứ. Và cũng không thể lấy tiêu chí của những người thuộc thế hệ đi trước để đo văn học trẻ. Còn sứ mệnh của văn học trẻ là gì thì các bạn viết trẻ phải tự trả lời”.
Cây bút trẻ Anh Khang than thở: “Xin đừng đặt hai chữ sứ mệnh lên vai những người viết trẻ. Người viết trẻ rất sợ gắn lên mình hai chữ nhà văn bởi vì danh nhà văn rất thiêng liêng, đã là nhà văn tức là phải có những tác phẩm có tầm giá trị. Đối với thế hệ trẻ chúng tôi, khoan hãy nói về hay dở, chỉ nói về số lượng thôi, thời gian gần đây, những cuốn sách bán chạy đã mang lại tín hiệu lạc quan cho các công ty sách, nhà phát hành và thị trường văn hóa đọc”.
Đúng là văn trẻ có công đưa ra thị trường nội địa những cuốn sách có lượng ấn bản lớn nhưng nếu chỉ thế thôi thì đã đủ chưa? Làm sao để khẳng định được tác phẩm của người viết trẻ khi chính người đọc trẻ còn đặt ra những dấu hỏi, nghi ngờ về giá trị của văn trẻ?
Nguyễn Phong Việt, từng có tập thơ “Đi qua thương nhớ”, được cho là bán tới 50.000 cuốn hồi năm 2012, nói rằng: “Tác giả trẻ thường có cảm xúc mới viết được nên có khi cả tháng không viết, đó là sự chưa chuyên nghiệp, chưa tự đặt ra lịch làm việc cho mình. Khi bán được nhiều lại là thách thức lớn cho tác giả trong những cuốn tiếp theo, viết gì đây để không “lừa” độc giả? Các tác giả trẻ như tôi, hay Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao... nếu không tự lớn lên thì sẽ đến ngày tự “chết” trong lòng độc giả”.
Nhà phê bình Trần Hoài Anh khẳng định nhà văn có quan tâm đến số phận con người hay không mới là điều quan trọng nhất.
Còn nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng: “Hãy lao động miệt mài, chuyên nghiệp, với kỷ luật thật sự thì mới tham gia được vào thị trường xuất bản. Nhiều người có tác phẩm còn rất lôm côm nhưng vào được đến Hội Nhà văn là đã coi như sứ mệnh nhà văn hoàn thành. Người viết không thể coi danh xưng nhà văn là thứ trang sức. Sứ mệnh của một nhà văn, hay nói khác đi là đạo đức của một nhà văn, là viết ra những tác phẩm hay. Còn hay như thế nào thì thời gian chính là thước đo tốt nhất”.
Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng: “Văn học trẻ cần sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía các nhà nghiên cứu hàn lâm. Cần xem đây là một bộ phận quan trọng của văn học quốc gia dù họ là đại chúng hay tinh hoa cũng cần phải nghiên cứu, cần trở thành những đề tài nghiên cứu ở nhiều mức độ vì những tác phẩm này phản ánh thời đại mà người trẻ đang sống”.
HÒA BÌNH