Ở một khía cạnh nào đó, chính sự không nổi tiếng của các tác gia đoạt giải Nobel đã làm gia tăng sự phong phú và đa dạng của văn học thế giới.
Các huy chương của giải Nobel -Ảnh TL
Mỗi năm đến kỳ trao giải Nobel Văn học, văn giới lại xôn xao. Người đọc lại có dịp cá cược với nhau xem nhà văn yêu thích của mình có đoạt giải hay không. Kế đó, hàng nghìn ý kiến, hàng trăm bài phàn nàn về việc ủy ban Nobel trao giải cho “mấy ông mà sao tôi không biết, nhà văn gì mà không nổi tiếng sao lại được trao”.
Đơn cử, Nobel Văn học 2021 được trao cho Abdulrazak Gurnah, tác giả mà hầu hết đều không ngờ tới. Tiểu thuyết gia người Tanzania hiện sống ở Vương quốc Anh không phải là một nhà văn được nhiều độc giả biết đến, mà ngay cả những nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp cũng chẳng mấy ai đọc ông. Bản dịch tiếng Việt không biết độc giả phải chờ đến bao giờ mới có được.
Tất nhiên, việc dịch và giới thiệu sách của nhà văn nước ngoài liên quan đến mức độ nổi tiếng của tác giả tác phẩm, và các nhà xuất bản sẽ cân nhắc theo giá trị tác phẩm, tên tuổi của tác giả mà lựa chọn.
Vì vậy, trong mắt nhiều độc giả, việc những người ít nổi tiếng đoạt giải Nobel Văn học rất khó chịu. Bên cạnh đó, nhiều độc giả lại thấy điều ấy thật sự thú vị, hấp dẫn và đáng để chờ đợi.
Nhà văn Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel năm 2021. Ảnh: Theguardian.
Tác giả không đại chúng vẫn được vinh danh
Theo một nghĩa nào đó, những người đoạt giải Nobel Văn học thường ít được công chúng biết đến, có rất ít tác giả nổi tiếng và có sách bán chạy trước khi giành được giải Nobel.
Tuy nhiên, chúng ta không thể nghĩ đơn giản rằng những người đoạt giải Nobel là những nhà văn không nổi tiếng, tác phẩm chẳng ai biết đến, nếu không giải Nobel đâu thể tồn tại đến bây giờ, và bao nhiêu nhà văn đều khao khát giải thưởng ấy.
Hầu hết nhà văn đều đã giành được một số giải thưởng văn học quan trọng, chẳng hạn như Giải thưởng Booker, Giải thưởng Kafka, Giải thưởng Goncourt… trước khi đoạt giải Nobel.
Ngày nay, người đọc và thưởng thức văn học thuần túy ngày càng ít đi, nhưng không có nghĩa là các nhà văn đoạt giải không có tên tuổi trong văn giới. Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn ai đoạt giải thường xem xét thành tích và tầm ảnh hưởng của nhà văn ấy trong lĩnh vực văn học, chứ không chọn bừa, hay quay số trúng thưởng.
Nhiều khi tác giả đã có bề dày thành tích và được giới chuyên môn ghi nhận, nhưng giới chuyên môn thường dự báo sai về giải Nobel Văn học. Còn công chúng đoán già đoán non về giải Nobel, nhưng năm nào cũng “trật khớp”.
Ngay cả trong danh sách những người đoạt giải Nobel, tầm ảnh hưởng của họ cũng khá khác biệt. Kể cả khi đã đoạt giải Nobel, nhà văn ấy chưa chắc đã trở thành nhân vật nổi tiếng trong lịch sử văn học, điều này không có nghĩa là trình độ của họ không cao.
Người đoạt giải Nobel Văn học có thể là nhà thơ, có thể là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết hoặc nhà văn chỉ viết truyện ngắn (thường tiểu thuyết phổ biến hơn truyện ngắn và hơn thơ). Ảnh hưởng của nhà văn sẽ tương ứng theo tính phổ biến của tác phẩm.
Ví dụ người đoạt giải Nobel năm 2011, Tomas Tranströmer, là một nhà thơ Thụy Điển và các giám khảo giải Nobel đã đánh giá: “Thông qua hình ảnh ngắn gọn và trong sáng của ông, chúng ta có một cái nhìn mới về thế giới thực”. Tuy nhiên, ngay cả sau khi chiến thắng giải thưởng của các giải thưởng, các tác phẩm của Tranströmer vẫn ở trong tình trạng chẳng mấy ai biết đến, (đến viết tên của ông tôi cũng phải copy). ]
Trong khi tiểu thuyết gia người Peru, Mario Vargas Llosa đoạt giải năm 2010 trước đó đã được phổ biến tác phẩm rộng rãi. Điều này nằm ở khả năng cảm thụ và tiếp nhận thơ của độc giả, nên không thể nói rằng trình độ của các nhà thơ đoạt giải kém hơn trình độ của các nhà văn.
Vì vậy, việc không biết đến tác giả, hay thất vọng về người đoạt giải Nobel trong trường hợp này không liên quan đến năng lực hay trình độ bản thân người viết.
Định hướng lý tưởng của văn học
Viện Hàn lâm Văn học Thụy Điển lựa chọn những nhà văn đoạt giải bởi họ coi trọng giá trị tác phẩm đối với sự phát triển của văn học.
Mỗi thời đại, văn học lại ghi những dấu ấn khác nhau, và mỗi thời đại người ta lại chuộng một phong cách, văn phong khác nhau. Ta không thể nói những câu như “Shakespear hay hơn Samuel Beckett” hay “văn học hiện đại hay hơn văn học hiện thực”, “truyện của Alice Munro không thể bằng được truyện của Maupassant”…
Trong một giai đoạn lịch sử văn học nhất định, luôn có một dấu ấn đổi mới, và dấu hiệu nhận biết một tác gia lớn, có ảnh hưởng là tác phẩm của người đó có thể có những đổi mới về ý tưởng và thủ pháp viết hay không. Rõ ràng, những nhà văn xuất sắc có thể dẫn đầu xu hướng văn học trong tương lai thì tác phẩm của họ sẽ không rơi vào lối mòn của những người đi trước.
Chính vì văn của nhiều người đoạt giải Nobel mang tính sáng tạo cao và hướng tới tương lai nên phần đông người đọc cảm thấy “khó đọc” “không thích” hoặc “xa lạ”, nhưng các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp có tầm nhìn độc đáo và khả năng phán đoán xuất sắc có thể lựa chọn các tác phẩm đại diện cho tương lai.
Nhìn lại lịch sử hơn 100 năm của giải Nobel, về cơ bản ban giám khảo không nhìn nhầm. Lọt vào tầm ngắm có thể là cái tên xa lạ, nhưng cũng có thể là cái tên kinh điển, nhưng một điểm không thể thay đổi là giá trị tác phẩm văn học. Bằng chứng là nhiều nhà văn đoạt giải Nobel đã trở thành đại diện cho trào lưu văn học mới.
Ví dụ, William Faulkner và Gabriel García Márquez là hai tác gia đoạt giải Nobel được nhiều người tâm phục khẩu phục, nhưng giải Nobel chưa hẳn đã là vinh quang văn học cao nhất của họ. Ngay cả khi không có giải Nobel, thì cũng không gì có thể làm lung lay địa vị của họ trong lịch sử văn học.
Kỹ thuật viết dòng ý thức của Faulkner đã trở thành mẫu mực của văn học. Trong khi những khám phá sáng tạo của García Márquez trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vẫn tiếp tục ảnh hưởng cho đến ngày nay. Thậm chí có thể nói rằng, họ chính là những nhà văn bậc thầy của văn học hiện đại đã tạo ra những thể loại văn học nhất định và ảnh hưởng đến xu hướng văn học đương đại.
Nhà văn Lev Tolstoy từng nói những người tiên phong cho lý tưởng mới không gặp gì khác ngoài sự chế giễu và đả kích. Khi văn học có một con đường mới, người ta sẽ thấy có vẻ kỳ quặc, thậm chí không thể chấp nhận được. Từ góc nhìn của công chúng, thì đây gọi là “không phổ biến”.
Một trong những nguyên nhân khiến các tác giả có sách bán chạy khó đoạt giải Nobel không chỉ vì tính thương mại quá mức của họ, mà còn do họ thiếu tính tiên phong trong việc tìm tòi sáng tạo văn học, khó có được sự ưu ái của ban giám khảo.
Vì vậy, đằng sau những người đoạt giải Nobel có vẻ không nổi tiếng là sự khác biệt giữa định hướng lý tưởng của văn học và tính chất đại chúng của văn học. Nhiều khi sự khác biệt còn thể hiện ở tiêu chuẩn đánh giá văn học theo quan điểm của dư luận và giới chuyên môn.
Nghệ sĩ Bob Dylan nhận giải Nobel Văn học 2016. Ảnh: Sky News.
Mở rộng ranh giới của văn học
Khi nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Mỹ – Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học năm 2016, nhiều người thốt lên rằng “ca sĩ cũng có thể đoạt giải thưởng Nobel Văn học”, ngay cả tiểu thuyết gia Jodi Picoult cũng phát biểu: “Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy ư?”.
Khi trao giải cho Bob Dylan, định nghĩa về văn học của giải Nobel đã được mở rộng, không chỉ giới hạn ở tiểu thuyết, thơ, kịch…
Trước hết, đây là sự mở rộng của các thể loại sáng tạo. Năm 1915, nhà văn Pháp Romain Rolland đoạt giải Nobel, ông nổi tiếng với những tác phẩm tiểu sử như Beethoven, Michelangelo, Tolstoy… Mặc dù chúng ta thường nghĩ rằng chính bộ tiểu thuyết Jean-Christophe đã giúp ông nhận được sự đánh giá cao của các giám khảo giải Nobel, trên thực tế, giải Nobel là sự công nhận thành tựu sáng tác suốt đời chứ không chỉ dựa trên một tác phẩm để lựa chọn. Sự công nhận Romain Rolland thực ra cũng là sự công nhận của giải Nobel về thể loại văn học tiểu sử.
Các tác phẩm lịch sử hoặc sáng tác hồi ký phi hư cấu cũng được đưa vào phạm vi của Giải Nobel. Năm 1953, Winston Churchill, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh, đã giành giải Nobel “vì những thành tích trong việc mô tả lịch sử và tiểu sử, cũng như những bài phát biểu xuất sắc của ông để bảo vệ các giá trị của những con người cao quý”. Việc trao giải Nobel cho một chính trị gia luôn gây tranh cãi trong các thế hệ sau này, nhưng những tác phẩm như “Thế chiến thứ hai” và “Khủng hoảng thế giới”… thể hiện một góc nhìn cá nhân đặc biệt về lịch sử và các vấn đề thế giới.
Điều đó cho thấy giải Nobel chủ yếu đánh giá các giá trị văn học thuần túy, nhưng hội đồng giám khảo hẳn cũng rất coi trọng dòng văn học theo sát với thời đại.
Ngay cả khi trao giải cho các tác phẩm mang tính triết học, thì định hướng tư tưởng duy tâm của giải Nobel vẫn không bị phá bỏ. Ví dụ, hai nhà triết học Henri Bergson và Jean-Paul Sartre đều đã đoạt giải Nobel Văn học. Đánh giá về lý do được giải của họ, các giám khảo giải Nobel quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh tinh thần của sự thể hiện hơn là thủ pháp văn học.
Bergson được trao “bởi vì tư tưởng phong phú và quan trọng của ông ấy, cùng kỹ năng tuyệt vời mà ông ấy đã thể hiện”, còn Sartre là “bởi vì các tác phẩm của ông ấy có tư tưởng tự do và tìm kiếm sự thật, ảnh hưởng sâu sắc đến thời đại của chúng ta”.
Hai triết gia được Viện hàn lâm tôn vinh khá giống nhau, sự tìm tòi sâu sắc về tư tưởng, rõ ràng ở đây, giải Nobel nhìn vào chiều sâu khám phá của nhà văn, trong khi những nhà văn bị chính trị chi phối hoặc bị hào quang truyền thông bao phủ khó mà giành được giải Nobel. Quan trọng hơn, việc mở rộng ranh giới văn học của Giải Nobel nằm ở sự đổi mới trong phong cách sáng tác của nhà văn và tính linh hoạt triển khai các ý tưởng.
Ở một khía cạnh nào đó, chính sự không phổ biến của các tác gia đoạt giải Nobel đã làm gia tăng sự phong phú và đa dạng của văn học thế giới. Theo thời gian, giải Nobel sẽ tiếp tục mở rộng ranh giới của văn học và có thể xuất hiện thêm nhiều hiện tượng không được lòng công chúng hoặc xa lạ hoặc kỳ khôi, khó đọc, khó tiếp cận và độc giả đại chúng nói chung không cần quá quan tâm xem tại sao tác giả yêu thích của mình không được trao giải Nobel, thật ra các giám khảo của Viện hàn lâm Thụy Điển cũng có sở thích đọc riêng của họ mà thôi, hãy xem đây chính là dịp thú vị để người đọc chúng ta biết thêm những tác giả mới, một cơ hội để mở mang kiến thức văn chương.
TỐ AN/ZING