Chữ nghĩa trong trẻo của Thủ thỉ chuyện văn chương (Nhà xuất bản Trẻ, phát hành quí 2/2017) thôi thúc tôi ngồi vào trước bàn phím.
Tôi làm bạn với Nguyễn Thái Dương đã lâu rất lâu, chiều chiều hay ngồi thù tạc lai rai thủ thỉ với nhau, bàn với nhau đủ mọi vấn đề, từ việc trên trời xuống dưới đất, từ chuyện hậu trường chính trị đến chuyện bóng đá (thường xuyên là bóng đá Việt Nam), chuyện tiếu lâm ha há; và nhất là chuyện văn chương, nhưng không đề cập đến thi ca của bạn mình. Có phải khuynh hướng sáng tác thơ của tôi và Nguyễn Thái Dương khác nhau chăng? Tôi thì dữ dội bạo liệt, bạn thì nhẹ nhàng êm dịu. Tôi bị cho khó hiểu khó chịu, bạn dễ hiểu dễ cảm. Tôi và bạn hai khuynh hướng đối lập. Nhưng vì sao chúng tôi thân thiết, vì sao “hạp” nhau, vì sao gần gũi, có lẽ một trực giác khó giải thích được.
Tình thân như vậy nhưng không ai đề nghị bạn viết cho mình, đó là sự tự trọng cần thiết, chưa bao giờ tôi viết một dòng nào về thơ bạn, thơ về người lớn cũng chưa, thơ về trẻ nhỏ lại càng không (không thuộc “tạng” của tôi); hay là tôi mang ý nghĩ nhận định về thơ bạn khó khăn, dễ rơi vào chủ quan. Bây giờ là cha là ông tôi thấu hiểu lời ngộ nghĩnh con trẻ, có lần tôi nghe con tôi (lúc ấy khoảng 4 hay 5 năm tuổi) khi nhìn trời mưa lớn nó nói ba ơi mưa bự quá, hoặc khi nhìn tàu thủy chạy trên Sài Gòn thải nước ra nó lại nói tàu nó tè ba ơi. Vì vậy nên cầm Thủ thỉ chuyện văn chương tôi nghĩ ngay viết về bạn; tôi đồng cảm những gì bạn chuyển tải đến độc giả nhí.
Tác giả là một nhà thơ nhà báo nhà giáo nên hiểu tâm lý non nớt dễ thương của bọn nhỏ, thơ văn đi sâu vào những thắc mắc của chúng, dẫn dắt những nhà văn nhà thơ tương lai vào con đường văn chương khởi đầu bằng những bài viết bài trả lời dễ hiểu dễ cảm thụ và lôi cuốn; như khi giải thích Tứ thơ là gì?, anh trình bày rõ ràng & dễ dàng, gặp tôi nói về Tứ thơ cho trẻ nhỏ thông hiểu tôi sẽ ấp úng, sẽ giơ hai tay đầu hàng; hoặc khi nói Làm thơ lục bát dễ hay khó?, vấn đề này tôi cũng boăn khoăn, vì lục bát dễ gieo vần nên bắt đầu làm thơ ai cũng thường múa bút, lục bát dễ làm nhưng coi chừng rất khó hay, dễ biến thành vè; hay khi nói về bổ ngữ, tác giả trích: Hộp diêm của em. Đựng đầy tiếng dế, làm tôi liên tưởng đến phim Vị hoàng đế cuối cùng (1987) kể về hoàng đế Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của Trung Quốc (đoạt 9 giải Oscar), sau khi bị giam giữ được phóng thích, ông trở về ngai vàng đã thành khu du lịch, ông nghe tiếng dế gáy bên dưới ngai vàng và tìm thấy hộp đựng dế thời ấu chúa, một chi tiết cường điệu rất hay; thực tế làm sao tồn tại hộp đựng dế đã tắt tiếng từ lâu, đạo diễn đã đưa vào phim rất đắt.
Để tăng trọng lượng cho những cuộc trò chuyện, tác giả minh họa trích dẫn bài văn lời thơ câu hát của: Khương Hữu Dụng, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Vũ Tiềm, Phan Thị Thanh Nhàn, Thái Bá Tân, Hồ Thi Ca, Từ Nguyên Thạch, Nguyễn Danh Lam,… cùng với các học sinh.
Đối thoại thủ thỉ văn chương gặp nhiều điều thú vị và rất bổ ích, khoảng 35 đề mục gói gọn gang chỉ trong cuốn sách dày gần 150 trang, giúp học sinh cảm thụ văn chương và luyện kỹ năng viết.
Đọc Thủ thỉ văn chương tôi như đang mơ những giấc mơ bay, như lúc nhỏ ngang qua cầu tôi tưởng mình đang bay; tôi là người có tuổi bay bổng cùng tuổi thơ các em, có nghĩa sống lại tuổi thơ chính mình.
Cuốn sách đã gieo mở điều kiện cần cho những đối tượng nhỏ tuổi mộng mơ chuyện văn chương, nhưng muốn đủ, muốn trở thành người sáng tác còn là chuyện khác, phải thêm nhiều yếu tố: năng khiếu, đam mê, tưởng tượng… Dễ mà rất khó, nếu không có tâm hồn luôn muốn hướng về phía trước.
VŨ TRỌNG QUANG