“Trải qua mấy nhiệm kỳ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai mới lại tổ chức một số hoạt động để khơi dậy phong trào sáng tác, xây dựng lực lượng kế cận. Đây là tín hiệu vui, tác động tích cực để văn học trẻ, văn học dân tộc thiểu số (DTTS) được đánh thức”- đó là lời phát biểu của nhà văn Thu Loan tại buổi tọa đàm chủ đề “Văn học trẻ-Văn học DTTS Tây Nguyên-những điều cần suy ngẫm”.
Chương trình do Hội VHNT 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum phối hợp tổ chức sáng 23.7, với sự tham gia của nhà văn Cao Duy Sơn-Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam; lãnh đạo Hội VHNT 2 tỉnh, đông đảo hội viên Chi hội Văn học và các học viên lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học DTTS”.
Khoảng trống trong sáng tạo văn chương
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều chung nhận định: Văn học trẻ ở Tây Nguyên đang có một khoảng hẫng nhất định về đội ngũ kế thừa. Và, dù Tây Nguyên được xem là miền đất màu mỡ về đề tài DTTS nhưng suốt một thời gian dài vẫn thiếu những tác phẩm xứng tầm.
Nhà văn Cao Duy Sơn nêu thực trạng: Số người DTTS làm văn ở dải đất Tây Nguyên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoại trừ một số tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong thời kháng chiến, đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào đủ lớn, “chưa chạm được vào cái mạch, cái lõi của Tây Nguyên”.
Còn nhà văn Thu Loan thì cho rằng: Hiện nay ở Tây Nguyên, tác giả người DTTS rất ít. Số tác giả người Kinh thì bị hạn chế về ngôn ngữ, vốn sống… Do vậy, trong văn chương Tây Nguyên, đề tài DTTS cũng chỉ là thoáng qua. Nhiều nhất cũng chỉ thể hiện trong thơ với những hình ảnh quen thuộc về buôn làng cùng nét sinh hoạt văn hóa dân gian. Nhìn chung, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm chuyên sâu, chất lượng về đề tài này, chưa tạo được những hình tượng điển hình và làm nổi bật những vấn đề nóng trong đời sống của vùng DTTS hôm nay.
Nhà văn Cao Duy Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Duyên
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Ngọc Hân-Phó Chủ tịch Hội VHNT Kon Tum-thông tin: Hội có hơn 140 hội viên, trong đó, hội viên chuyên ngành Văn học chiếm hơn 1/3. “Đội ngũ đông như thế nhưng lực lượng trẻ rất mỏng, lại khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới. Tác giả trẻ tham gia sáng tạo văn học đã hiếm, tác giả trẻ người DTTS lại càng hiếm hơn. Đấy là chưa nói, thành công trong sáng tạo VHNT bao giờ cũng khắt khe”-Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Ngọc Hân cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT Kon Tum, là vùng đất hội tụ 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa dạng trong biểu đạt văn hóa cao, song Kon Tum đang có khoảng trống rất lớn trong sáng tạo văn chương.
“Gia cố” nội lực của người viết
Được mời đứng lớp trao đổi kinh nghiệm về nghề viết cho các học viên lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học DTTS” (khai mạc trước buổi tọa đàm 3 ngày), nhà văn Hồ Huy Sơn (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định: Hội VHNT Gia Lai mở lớp bồi dưỡng là hoạt động thiết thực nhằm truyền lửa cho thế hệ viết trẻ. Ngoài năng khiếu, đam mê và sự tự trui rèn của mỗi cây bút, nếu Hội tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần thì sẽ tạo không khí văn chương thêm sôi nổi.
“Dù nói gì, dù mình là ai, ở đâu, quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm. Hãy mạnh dạn viết, chắc chắn có những độc giả đang chờ đón tác phẩm của các bạn”-nhà văn Hồ Huy Sơn gửi lời động viên học viên lớp bồi dưỡng.
Tương tự, nhà văn Thu Loan đề xuất các Hội VHNT tiếp tục tổ chức thêm nhiều trại sáng tác trẻ, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ, tổ chức các chuyến đi thực tế và các cuộc thi để những cây viết trẻ có điều kiện thử sức và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, để có được tác phẩm hay, nhà văn Thu Loan nhấn mạnh sự “gia cố” nội lực của từng tác giả: “Mình sống ở Tây Nguyên mà không phản ánh cuộc sống ở Tây Nguyên thì còn ai phản ánh thay cho mình? Mình yêu quý Tây Nguyên, yêu quý nơi mình sống thì dễ tìm được cảm hứng hơn khi dấn thân vào đề tài này. Muốn làm được điều đó bản thân mỗi tác giả phải tự nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, trau dồi vốn văn hóa cần có, trải nghiệm cuộc sống ở buôn làng, chuẩn bị kỹ kiến thức, ngôn ngữ, sự hiểu biết, từng trải”.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm ngày 23.7 Ảnh: Phương Duyên
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân không quên nhắc nhở các tác giả trẻ viết về đề tài DTTS chú trọng trau dồi kiến thức về văn hóa Tây Nguyên. “Ví dụ, viết về đời sống người Jrai ở huyện Krông Pa mà bảo ở đó có ngôi nhà rông rất cao là hỏng rồi. Vì trong 5 nhóm dân tộc Jrai ở Tây Nguyên thì nhóm dân tộc ở Krông Pa không có nhà rông. Riêng dân tộc Bahnar thì cũng có đến 5 nhóm khác nhau. Văn học có quyền hư cấu nhưng nếu viết về đề tài DTTS thì vẫn phải dựa trên nền kiến thức cơ bản về văn hóa bản địa. Chỉ cần sai vài chi tiết là sẽ làm giảm giá trị tác phẩm”-Tiến sĩ Vân chia sẻ.
Nhà thơ Phạm Đức Long nêu quan điểm tương đồng: Văn hóa Tây Nguyên có rất nhiều huyền thoại, nhiều điều kỳ ảo, là kho “tài nguyên” đối với người viết. Trong văn hóa, cái gì càng độc đáo, càng đặc sắc thì càng dễ đi vào đại chúng, nhưng mong manh dễ mất. Để phản ánh những đặc trưng ấy thì “trong 1 nhà văn phải có bóng dáng của nhà văn hóa”-ông nói.
Rất quan tâm đến việc tiếp lửa, phát triển đội ngũ văn trẻ, nhà văn Cao Duy Sơn cho hay: Văn chương là sáng tạo cá nhân, không thể chỉ dạy là được, nhưng những lớp bồi dưỡng vẫn có tác dụng nhất định, mở ra góc nhìn mới, kinh nghiệm của người này có thể là cách gợi mở cho người khác.
Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam cũng gợi ý: Ở Tây Nguyên, vấn đề về đất đai, rừng, văn hóa… đều là máu thịt, cần được quan tâm mổ xẻ, phân tích. Nhưng trước hết cần sự gắn bó, xả thân, hòa đồng với con người, vùng đất. Cần tìm đến như một người bạn với một người bạn, một người yêu với một người yêu. Từ những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội VHNT Gia Lai-vui mừng cho rằng, buổi tọa đàm là “bước chạy đà” cho văn nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo. Trong vai trò đồng tổ chức, Phó Chủ tịch Hội VHNT cho hay: “Chúng tôi tiếp thu những ý kiến, những cách làm hay để nghiên cứu giải pháp bồi dưỡng, xây dựng, phát triển số lượng cũng như chất lượng tác giả, để từ đó có nhiều tác phẩm hay, mang hơi thở cuộc sống, sắc thái văn hóa địa phương”.
PHƯƠNG DUYÊN/GLO