Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,904,949 lượt

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Người tốt là liều thuốc giảm đau cho xã hội

“Người tốt có lẽ cần quay trở lại trong vị trí trung tâm của văn học. Vì người tốt ở góc cạnh nào đó là liều thuốc giảm đau cho xã hội trong tình thế hết sức chông gai và bão tố của con người hiện nay’.

Phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – tại buổi khai mạc trại sáng tác cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 5 giai đoạn 2022 – 2025 diễn ra chiều 8.4 tại Quảng Ninh.

Trại sáng tác do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, dành cho 35 nhà văn phần lớn ở khu vực phía Bắc, thuộc nhiều thế hệ. Sau đó sẽ có các trại sáng tác dành cho nhà văn khu vực phía Nam.

 

Nhà văn Nguyễn Bình Phương

 

Viết về người tốt thì văn chương không sang trọng?

Phát biểu về việc thiếu vắng những nhân vật người tốt, trong khi cái xấu, cái ác, cái tiêu cực đang lấn át trong các tác phẩm văn học, theo ông Phương, đây là vấn đề ban chấp hành Hội Nhà văn thấy cần phải lưu ý.

“Văn học của chúng ta giai đoạn trước dù có thế này thế kia, có những hạn chế về phương pháp sáng tác, về quan điểm, nhưng rõ ràng người tốt chiếm thế thượng phong trong các tác phẩm văn học.

Họ đấu tranh với cái xấu, kẻ ác để kiềm chế chúng và có thể khiến cái ác phải xấu hổ, cái xấu chùn bước.

Nhưng bây giờ họ vắng bóng dần. Nếu có thì nhân vật người tốt dường như trở thành nạn nhân, trở thành cái nền cho cái xấu, cái ác, cái tiêu cực thi triển kỹ thuật của mình”, ông Phương nói.

Thử giải đáp hiện tượng này, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đặt câu hỏi phải chăng một bộ phận nhà văn nghĩ rằng chỉ màu đen mới là hấp lực khiến người đọc chú tâm? Nhân vật văn học phải phức tạp, ngoắt ngoéo thì mới là văn chương hay?

Hay viết về người tốt thuần túy, tốt từ ý nghĩ đến hành động, thì văn học không sang trọng nữa mà thành văn bản tuyên truyền người tốt việc tốt.

Khẳng định không cùng suy nghĩ này, theo ông, lịch sử văn học cả Việt Nam và thế giới có rất nhiều nhân vật người tốt.

Dẫn ví dụ Đông Ki Sốt, ông nói: “Một ông hiệp sĩ dở điên chuyên đi chiến đấu chống lại những kẻ thù do ông tưởng tượng ra để bảo vệ người tốt.

Trong suốt cuộc đời Đông Ki Sốt không thắng trận nào, từ cái cối xay gió đến con lợn. Nhưng hành trình thua của ông lại là sự chiến thắng của lòng tốt.

Nhân vật này khiến người ta tin rằng đâu đó giữa thế gian vẫn có một Đông Ki Sốt sẵn sàng bảo vệ họ”. Và nhân vật này tồn tại gần như vĩnh cửu ngang với những nhân vật phức tạp nhất của Goethe.

 

Khi chiến sĩ công an là “người tốt hoàn hảo”

Nói câu chuyện cần đưa nhân vật người tốt trở lại vị trí trung tâm của văn học, ông Phương muốn khẳng định cuộc thi viết về những gương sáng hy sinh vì bình yên cuộc sống trong lực lượng công an hoàn toàn có thể có được những tác phẩm xuất sắc chứ không phải chỉ là những viết lách giản đơn tuyên truyền người tốt việc tốt.

Tất nhiên nghiêng về phía nào là tùy vào tài năng của các nhà văn.

Nhưng ông khẳng định, các chiến sĩ công an dù chẳng phải là ông Bụt hay siêu nhân, nhưng do tính chất nghề nghiệp họ đôi khi phải hy sinh hạnh phúc cá nhân phục vụ cho hạnh phúc cộng đồng trước. Đôi khi vì trách nhiệm công việc mà họ phải đánh đổi sự an toàn cuộc sống của mình lấy sự an toàn cho cộng đồng mình.

Và đó là sự hy sinh hết sức cao cả.

“Đấy là trách nhiệm nhưng khi trách nhiệm thực hiện triệt để, thành tâm đến mức dùng cả tính mạng mình ra để thực hiện thì trách nhiệm ấy chuyển hóa thành lương tri, đạo đức. Khi nghĩa vụ trách nhiệm biến thành lương tri, đạo đức thì đấy là một người tốt hoàn hảo trong xã hội. Văn học cần phải soi sáng ở góc cạnh này của người chiến sĩ”, ông Phương nói.

TTO

Top