Theo số liệu vừa được công bố bởi Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), với 6 nhà sáng tác ở các địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng trên cả nước là Đại Lải (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu, chỉ tính riêng trong năm 2016 đã có tới 66 trại sáng tác văn học nghệ thuật được tổ chức (thông thường mỗi trại được tổ chức 15 ngày với 15 "trại viên").
Tổng số tác giả tham gia trại viết là 995 người với số ngày tác giả dự trại là 14.052 ngày và số tác phẩm được "báo cáo" là 2.726 tác phẩm, thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật. Dự kiến trong năm 2017 này, khi nhà sáng tác Đà Nẵng mới được khánh thành đi vào hoạt động, sẽ có 74 trại sáng tác được tổ chức với sự tham gia của từ 1.000 đến 1.200 tác giả!
Và sắp tới, sẽ có những trại viết dành cho các tác giả được lựa chọn để "đầu tư chiều sâu" với thời gian dự trại không phải 15 ngày nữa mà có thể lên tới... 3 tháng! Đây quả là con số khiến nhiều người... giật mình! Bởi lẽ, gần 3.000 tác phẩm văn học nghệ thuật được công bố là ra đời tại đây, thế nhưng từ tác phẩm được thai nghén, đến việc số tác phẩm được công chúng biết đến quả là đếm trên đầu ngón tay.
Hơn nữa, có bao nhiêu % số tác phẩm ấy được xuất bản, được dàn dựng hay đem lại các giá trị nghệ thuật khác phục vụ đời sống thì không ai thống kê được. Và vì thế, nếu đem so sánh với số tiền lớn mà Nhà nước đã bỏ ra đầu tư cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật tại các nhà sáng tác với hiệu quả của nó thì thấy có quá nhiều việc phải bàn.
Bởi lẽ, nếu chỉ tính riêng tiền Nhà nước đầu tư để duy trì 6 nhà sáng tác này nhằm phục vụ hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ (chưa tính tiền đầu tư cơ bản ban đầu, sửa chữa, duy tu...), mỗi năm Nhà nước đã phải đầu tư trên 10 tỉ đồng.
Đến năm 2019 tới đây, sẽ có một dấu mốc quan trọng đối với hoạt động của các nhà sáng tác văn học nghệ thuật, đó là kỷ niệm 40 năm ngày ra đời Nhà sáng tác Đại Lải - cũng là nhà sáng tác đầu tiên. Phải ghi nhận rằng, trong gần 40 năm qua, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã ít nhiều có những đóng góp nhất định trong việc hỗ trợ cho lực lượng văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo tác phẩm của mình.
Vì thế, các nhà sáng tác được ví von là các "bà đỡ", là nơi khuyến khích sự sáng tạo, nơi giao lưu, học hỏi nghề nghiệp, nơi hâm nóng nhiệt tình sáng tác, nơi nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở về đời, về nghề... của các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật và các Hội Văn học nghệ thuật đến nay vẫn chưa thực sự coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu là "đề cương tác phẩm" - vốn là điều kiện để cho phép một văn nghệ sĩ trở thành "trại viên".
Đồng thời, cũng không quan tâm hoặc xem nhẹ việc tổng hợp, đánh giá chất lượng các tác phẩm tiêu biểu, có giá trị qua các đợt hay các năm sáng tác. Chính vì thế, đã có nhiều nhận định cho rằng, công tác tổ chức các trại sáng tác còn mang tính đại trà, lạc hậu, là tàn dư của thời kỳ bao cấp!
Một số ý kiến khác cho rằng, các trại sáng tác này cũng chỉ thu hút được các văn nghệ sĩ đã già, đã nghỉ hưu, chỉ dành cho người “rỗi việc” tham gia với mục đích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tán gẫu... là chính. Vì thế, có nhiều người còn ví von sâu cay rằng: "Trại sáng tác gì mà cứ như trại dưỡng lão! Hành trang "đi trại" chủ yếu là... thuốc, các câu chuyện chủ yếu xoay xung quanh chủ đề "bệnh và thuốc" thì đòi hỏi gì được?!?". Tuy không phải là đa số, song thực trạng này cũng là câu chuyện đáng... báo động, đáng phải xem xét lại ở công tác tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Cách đây ít lâu, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật cũng đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới và nâng cao hiệu quả sáng tác của các văn nghệ sĩ tại các Nhà sáng tác" và cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục, đổi mới để hoạt động này sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Song, xem ra những hi vọng này vẫn còn... mông lung lắm!
VNCA