Nhà văn Nga thế kỷ 19 Tuốc-ghê-nhép từng nói: “Cái quan trọng của tài năng là tiếng nói riêng. Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo”. Vì vậy, sứ mệnh của mỗi nhà văn là anh ta buộc phải thêm vào cái kho vô tận của nhân loại tiếng nói riêng của mình.
Cũng ở nước Nga thế kỷ 19, rất nhiều người cầm bút trẻ tự đi tìm mua cho mình một chiếc mũ giống như chiếc mũ L.Tôn-xtôi đang đội. Mũ thì tìm mua được, nhưng cái đầu của nhà văn vĩ đại thì chỉ có một, không có hai. Mọi sự bắt chước đều thừa và không mang lại ích lợi gì, ngoài một chút ảo tưởng. Mà ảo tưởng thì không có bà con họ hàng gì với khát vọng sáng tạo. Bởi vậy, hơn ở đâu hết, văn chương nghệ thuật đòi hỏi một sự trung thực của lao động. Nhà văn có thể bị ảnh hưởng lẫn nhau, về văn phong, về cá tính. Thậm chí, đôi khi như vô thức viết ra những câu na ná như đã có ở đâu đó. Tế Hanh từng viết: “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”, là vì vậy.
Nhà văn trẻ bao giờ cũng có khát vọng nắm bắt những kiến thức của thời đại. Nhiều người khi đã cao tuổi nói rằng họ không dám viết phê bình nữa vì sức đọc không còn như xưa. Điều này có lẽ đúng. Nếu theo dõi những nhà phê bình trẻ hiện nay thì có thể thấy các trang viết của họ khá phong phú những kiến thức cập nhật của văn chương đây đó ở trong nước và thế giới. Lý giải và phân tích tác phẩm, tác giả, vì thế thuyết phục hơn, bớt đi những cách làm quen thuộc của phê bình văn học trước đây. Tuy vậy, đôi khi nhà phê bình trẻ làm người đọc như “vào rừng chẳng biết lối ra”. Có phải vì người đọc thiếu kiến thức, không theo kịp nhà phê bình? Có phải nhà phê bình trẻ thường hay mắc một căn bệnh của tuổi trẻ là thích phô diễn khi chưa nắm thật chắc điều mình nói, hoặc khi chưa thật cần thiết, phù hợp mà đã vội dẫn ra điều mình dẫn... Có lẽ tại cả hai.
Người đọc cũng cần nâng mình lên, người viết trẻ cũng cần tỉnh táo. “Tầm đón đợi” không chỉ đến từ một phía. Nhưng cũng cần nói rằng, có cái tưởng mới hóa ra đã cũ mèm, quá đát, thậm chí đã bị vượt qua lâu rồi của thiên hạ. Xin hãy đọc một trong rất nhiều thí dụ, cuốn Văn chương lâm nguy của Tô-đô-rốp do Trần Huyền Sâm dịch. Hóa ra, đi qua rất nhiều những ngộ nhận, văn chương lại trở về những nguyên lý muôn thuở của nó. Đó là nguyên lý chân - thiện - mỹ nằm trong hạt nhân của triết mỹ phương đông mà sinh thời Ta-go thực hành không mệt mỏi để chứng minh.
Ở văn hóa Việt Nam, đây cũng là một nguyên tắc truyền thống. Và cho dù thế giới có “phẳng” đến đâu thì những điều này vẫn không bị san phẳng, vì nó đã được thực tiễn bảo đảm, nói cách khác nó đã được lắng cất từ thực tiễn. Những nguyên tắc này nằm trong một liên kết của giá trị. Chỉ xa rời một trong các yếu tố này, văn chương nghệ thuật trở nên phiến diện và mất cân bằng trong tiếp nhận. Đó là tính chân thực nghệ thuật, K.Pau-tốp-xki, một nhà văn nước Nga, đặc biệt tài năng trong những tình huống tưởng tượng đầy chất thơ, từng nói, đối với ông chỉ một giọt bịa đặt thôi cũng không thể chấp nhận được. Chân thực để không dẫn người đọc đi chệch khỏi quỹ đạo của đời sống, để không bóp méo những gì đang diễn ra trong cuộc sống, để không đánh mất đi trong trang viết của mình điều cốt lõi của cuộc sống... Đó là tính nhân văn của văn chương nghệ thuật. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, văn chương nghệ thuật cũng mãi mãi vẫn là nơi con người tìm đến để làm vợi nhẹ nỗi đau không dứt của con người trên thế gian. Cho dù nhà văn dùng gam giọng nào thì điều cuối cùng còn lại trong tác phẩm vẫn là tình yêu con người...
Người viết trẻ hôm nay có rất nhiều cái khác so với các thế hệ trước. Chỉ lấy một việc in ấn dễ dàng như hiện tại cũng đủ thấy sự khác biệt. Ngày trước in ấn khó vô cùng. Hai, ba tác giả, dăm bảy năm mới được in một tập đã là may mắn rồi. Nay thì khác hẳn. Có thể một năm in một tập, nhất là thơ. Nhưng cái dễ này đã sinh ra cái khó. Nó có thể tạo ra sự chủ quan, dễ dãi, có thể tạo ra ngộ nhận rất đáng đề phòng của nghề bút mực. Ngày trước, Lưu Quang Vũ chỉ mới in có một nửa tập thơ Hương cây mà đã định hình một gương mặt tài năng. Ngày nay, có người đã in dăm ba tập thơ mà vẫn nhạt nhòa. Vậy nên, số lượng không phải là tiêu chí duy nhất của một nhà văn.
Ai bước vào con đường văn chương nghệ thuật đều đã lường hết khó khăn của nó. Đường xa vạn dặm, trăm năm không là gì, chỉ như một cái cựa mình của vũ trụ. Nhưng việc to lớn ấy đã có chiếc kim giây đồng hồ tíc tắc tíc tắc bé xíu kia lo. Cái khó khăn nhất của văn chương nghệ thuật đối với mỗi người cầm bút chúng ta, giản dị hơn, là làm sao đừng nhạt. Có thể mất một đời để chiến đấu với một chữ “nhạt”. Vậy mà nhiều người xoay xở mãi, gắng sức mãi vẫn không làm được. Hoặc được lúc này lại thua lúc khác. Đấy, thật là khó, một việc tưởng bé như vậy mà đã khó, huống chi những việc to lớn khác. Vì ai cũng biết rằng, không có loài cây nào hoa lá xanh tốt lại mọc trên đất cằn, không có ngọn lửa nào có thể cháy sáng trên cái phao cạn dầu, không có bài thơ hay nào cất lên từ một tâm hồn nghèo nàn. Để đừng nhạt, ngoài yếu tố hầu như không tu dưỡng được, đó là tài năng trời phú, còn một khả năng để bù lại đối với những người không may mắn được trời phú nhiều, đó là yếu tố không nhìn thấy được, ẩn nấp phía dưới những câu thơ tưởng như dễ dàng viết ra kia, tức là sự tích lũy vốn văn hóa và vốn sống hầu như vô tận, là sự cố gắng gần như cả cuộc đời…
Có người nói vui rằng, mọi cái đều thuộc về tuổi trẻ, cả tuổi già sớm muộn rồi cũng thuộc về những người hôm nay đang trẻ. Văn chương nghệ thuật là một cuộc chơi tự nguyện. Ai không còn đủ đam mê nữa, không còn sức lực nữa... thì việc chuyển sang công việc khác cũng là điều bình thường. Nhưng chừng nào trong mỗi người còn cháy lên những khát vọng sáng tạo thì không có một thí dụ nào cho những ai bỏ cuộc giữa chừng. Nói vậy để thấy văn chương nghiệt ngã, cho nên sự tiếp nối hôm nay giữa các thế hệ cầm bút đang làm nên một dòng chảy văn chương liên tục, trong đó sự đóng góp của mỗi người rồi sẽ tích hợp lại thành diện mạo chung của văn hóa dân tộc.
LÊ THÀNH NGHỊ