Đó là nội dung được trao đổi nhiều nhất trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” của nhà văn Thu Trân được tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân đã mang hoa đến chúc mừng và phát biểu tại buổi ra mắt sách.
Cùng đến tham dự event sách này với nhà văn Thu Trân còn có nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ là đồng nghiệp và bạn bè của tác giả.
Tiểu thuyết “Người đi tìm bóng núi” được viết vào bối cảnh Việt Nam sắp kết thúc cuộc chiến 1954-1975 và chuỗi ngày hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam tiếp sau đó. Những lát cắt đớn đau trong chiến tranh cũng như những sai lầm trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam đã tạo ra một bức tranh đa sắc trong việc từng bước ổn định xã hội.
Phát biểu nhận định về nội dung tác phẩm “Người đi tìm bóng núi” của các nhà văn Tô Hoàng, Trịnh Bích Ngân, Trầm Hương, Lại Văn Long, Hoài Hương, Kim Quyên, Lê Thị Kim… hầu hết đều nhấn vào vòng xoáy của cuộc chiến 1954-1975 và chỉ ra nhiều khó khăn buộc phải khắc phục lâu dài để tìm ra tiếng nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh. Đó là việc bỏ qua quá khứ để hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt là vấn đề hoà giải dân tộc. Những vấn đề chiến lược phải được đặt trên tinh thần vì lợi ích chung của toàn dân.
Có ý kiến cho rằng, “Người đi tìm bóng núi” là tiểu thuyết tự thuật của nhà văn Thu Trân. Tuy nhiên, nhà văn cho rằng, hoàn cảnh của mỗi nhân vật, mỗi gia đình trong tiểu thuyết đều là những khái quát điển hình. Thời chiến tranh 1954-1975 khi miền Nam là tuyến lửa thì sự đau thương mất mát của nhà nào cũng như nhau. Đặc biệt tình trạng nhà nào cũng có “bên địch bên ta” thì vấn đề nhân văn nhất được đặt ra chỉ có thể là hoà giải dân tộc. Mà cuộc chiến đi qua sắp 50 năm rồi, vấn đề đặt ra có là “quá xưa” và “quá muộn” không? Không hề, khi nhiều vết thương chưa được chữa lành và đang còn nhức nhối…
NGỌC THU