“Hơn hai chục năm, qua từng trang viết với bút danh Ba Thợ Tiện - cái bút danh đã làm thay đổi cuộc đời viết lách của tôi”, nhà báo Ba Thợ Tiện – tức Hoàng Thoại Châu đã thú nhận trong tự truyện của ông như vậy.
Có thể nói, trong làng báo Việt Nam, rất ít nhà báo mà bút danh gắn liền với một thể loại, thành công và bền lâu như Hoàng Thoại Châu. Bút danh Ba Thợ Tiện của ông được khai sinh cùng lúc với chuyên mục Nói hay đừng trên tờ Lao Động Chủ nhật cuối năm 1989.
Sau nhiều năm trụ vững với Nói hay đừng, ông Ba Thợ Tiện tiếp tục xuất hiện đều đặn ở các chuyên mục: Cực chẳng đã, Tréo cẳng ngỗng, Khe khẽ… khều, Chẳng đặng đừng, Giữa đường thấy chuyện, Nghịch lý, Bàn và tán… của hàng chục tờ báo khác. Đặc biệt, những tạp văn của ông xuất hiện thường xuyên trên tờ Làng Cười và Nông Thôn Ngày Nay luôn mang lại cho người đọc những nụ cười ý vị, châm biếm, đôi khi cay nghiệt mà sâu sắc tận cùng.
Nói về tác phẩm của ông, nhà văn Bùi Quang Huy nhận xét: “Đọc tạp văn Ba Thợ Tiện hẳn bạn nhiều lúc phát cười. Nhưng đó là cái cười ra nước mắt... Ba Thợ Tiện đứng giữa đời. Anh nhìn ngắm, săm soi, rồi lên tiếng, khi nhẹ nhàng, khi cao giọng, nhưng cũng có lúc gầm gừ - cách của một người đang muốn hét lên. Anh nói, anh chất vấn, anh hét bằng tâm trạng của mình”.
Mặc dù “đứng” trên được nhiều tờ báo, tên gọi chuyên mục có thể thay đổi, nhưng người đọc chỉ nhận thấy một phong cách, một con người Ba Thợ Tiện. Đó là con người đứng giữa đương đại, nhìn thẳng, không ngại đụng chạm. Ông chỉ ra mặt trái của một vấn đề, một sự kiện, chỉ ra những góc khuất đôi khi “tréo cẳng ngỗng” trong dòng chảy sôi động của cuộc sống.
Khởi đầu từ viết văn, làm thơ trong phong trào sinh viên học sinh đô thị Miền Nam trước 1975, sau đó cách mạng đưa ông đến với nghề báo. Nhưng Hoàng Thoại Châu không cho rằng mình lập thân với chữ nghĩa. Với ông, chữ nghĩa chỉ là phương tiện để chuyển tải cái nhìn, thái độ đối với cuộc đời. “Thời học sinh tôi làm thơ chủ yếu để tán gái. Thời sinh viên đại học thơ là phương tiện để đấu tranh, phản đối. Thời làm báo (sau 1975), viết để chuyển tải cuộc sống lao động của người dân, minh họa chính sách, soi rọi những vấn đề gai góc của xã hội...”, ông nói.
Hai tập sách dày hơn 1.000 trang Viết từ hồi ấy 1&2 (NXB Hội Nhà Văn) tập hợp tất cả những tạp văn của Hoàng Thoại Châu trong suốt hơn 20 năm làm báo không chỉ định hình một thể loại. Theo ông, với tạp văn châm biếm ngôn ngữ càng “ác” (sắc bén, cay nghiệt) càng tốt. Trong quá trình tác nghiệp, càng về sau ông càng nhận thấy đúng như thế: “Có nghĩa là viết không khoan nhượng, không thỏa hiệp. Viết biếm mà “sọc dưa” là không được!”.
Nhà văn Bùi Quang Huy thì cho rằng tạp văn của Ba Thợ Tiện đa phần như những cây kim đâm vào xương vào thịt, nhức nhối, thậm chí đau đớn, để người ta hoặc phải giật mình, hoặc phải thảng thốt, nhớ đời.
Hoàng Thoại Châu cho hay trong 2 tập sách này có những bài viết ông “phê thẳng” cánh nhà báo. “Nếu đường lối chính sách (của Đảng và Nhà nước) là “đạo”, thì báo chí là phương tiện để “tải đạo”. Nhà báo là người tác động lên phương tiện tải đạo mà “bá đạo” thì không còn gì để nói nữa!”, ông so sánh.
Từ sau tự truyện Sâu thẳm buồn vui (NXB Hội Nhà Văn) ra mắt năm 2015, Viết từ hồi ấy đã cho người đọc một hình dung rõ nét hơn về một con người luôn nhiệt tình, đứng giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang chỉ ra những khó khăn trái khoáy mà người ta phải vượt qua để “cuộc sống được tử tế hơn”.
Tác giả Ba Thợ Tiện sẽ cùng Công ty Phương Nam tổ chức buổi giao lưu ra mắt Viết từ hồi ấy 1&2, vào lúc lúc 9h thứ bảy 11.11 tại Đường sách TP.HCM.
Ba Thợ Tiện tên thật Huỳnh Thoại Châu, Huỳnh Tuyên. Sinh năm 1942 (CMND ghi 1947) tại xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Các tác phẩm của ông đã xuất bản: Áo trắng ngày xưa (Thơ - 1968), Tình biển nghĩa sông I (Thơ - 1969), Tình biển nghĩa sông II (Thơ - 1972). Tập truyện viết chung: Những trái tim hồng (1973). Biếm luận: Thả cửa (1992). Tạp văn (2006). Sâu thẳm buồn vui (Tự truyện – 2015). Viết từ hồi ấy 1&2 (Tạp văn – 2017). Sắp xuất bản: Cùng đi mấy nẻo (Bút ký đường xa)
NHƯ THUẦN/DÂN VIỆT