Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,009 lượt

Du lịch văn học - hướng đi chờ khai mở

Những di tích/di sản liên quan đến văn nhân thi sĩ, các nhân vật lịch sử được tái hiện qua tác phẩm văn học đều có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, kể với du khách nhiều câu chuyện ẩn tàng từ lịch sử và thời đại văn hóa.

 

Từ tác phẩm đến di tích

Nhà văn Trần Thùy Mai vừa có buổi “book tour” trò chuyện về 2 bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu và Công chúa Đồng Xuân tại Hà Nội, Huế, TPHCM và Tiền Giang. Trong đó, Huế là bối cảnh chính của các tác phẩm. Những chuyến thăm các di tích, lăng mộ liên quan đến các nhân vật trong tác phẩm cũng được nhà làm sách tổ chức. 

 


Những hiện vật quý của các nhà văn nhiều thế hệ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam rất thu hút du khách tìm hiểu

 

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam - cho biết, lâu nay khi đến Huế, bà vẫn thường thăm những khu lăng mộ nổi tiếng như lăng các vua Tự Đức, Minh Mạng… Nhưng khi thực hiện bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân (2 tập), có dịp đến các di tích, lăng mộ của các nhân vật trong tác phẩm, bà đã vô cùng xúc động. Đó đều là những nơi ít người biết, không phải những địa danh phổ biến cho du khách tham quan. Những người nằm dưới mộ đều trải qua “một cuộc bể dâu” trong thời đại của họ.

Công chúa Đồng Xuân có nhân vật chính là công chúa Nguyễn Phúc Gia Phúc (con gái út của vua Thiệu Trị). Bối cảnh là 40 năm đầy biến động của Triều Nguyễn từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đại Nam (1847) đến lúc xảy ra biến cố thất thủ kinh đô vào năm 1885.

Cuộc đời của nàng công chúa gắn với một thời đoạn lịch sử tàn khốc, trải qua các đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Công chúa Đồng Xuân (là vợ phò mã Nguyễn Lâm - con trai đại thần Nguyễn Tri Phương) bị vướng vào vụ án loạn luân với anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Phúc Hồng Hưu - Gia Hưng vương. Cuộc đấu đá của các đại thần trong triều (2 phe chủ chiến và chủ hòa) đã gây nên bao cuộc tương tàn đẫm máu.

Tác phẩm văn học với những kiến giải từ góc nhìn của nhà văn cũng như có sự thấu hiểu về những nhân vật lịch sử cho người đọc rung động đặc biệt khi đứng trước những di tích/lăng mộ khiêm cung ngày nay.

Mộ Gia Hưng vương Hồng Hưu (tại làng Trúc Lâm, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), mộ công chúa Gia Phúc - an táng cùng phò mã Nguyễn Lâm (ở huyện Phong Điền, Huế), Bồi Lăng của vua Kiến Phúc, An Lăng - nơi an táng vua Dục Đức - hay một khu lăng mộ nhỏ bé nằm cách kinh thành Huế 7km - nơi an nghỉ của vua Hiệp Hòa… đều khiến lòng người bùi ngùi.

Thông tin về các di tích/lăng mộ có thể rất ngắn gọn, nhưng tác phẩm văn học đã kể với người đọc - du khách những số phận bi thương của lịch sử. Vua Dục Đức lên ngôi chỉ 3 ngày thì bị phế và bị quản thúc tại Thái y viện, cuối cùng chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên. Vua Hiệp Hòa bị ép lên ngôi, bị ép thoái vị rồi uống thuốc độc mà chết. Vua Kiến Phúc lên ngôi chỉ 8 tháng thì qua đời…

Trong dịp về miền Tây giới thiệu tác phẩm, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam cũng tổ chức chuyến đi Gò Công - về thăm quê hương của Từ Dụ thái hậu, viếng lăng quốc công Phạm Đăng Hưng - cha bà. Trong tác phẩm Từ Dụ thái hậu, cũng có một vụ án rúng động về hoàng thân Nguyễn Phúc Mỹ Đường - con trai của vua Gia Long…

 

Những bước đi đầu tiên

Du lịch văn học (Literary Tourism) là hình thức khám phá, tham quan các điểm đến gắn liền với các nhân vật, bối cảnh trong tác phẩm hoặc cuộc đời tác giả. Quê hương của đại văn hào Shakespeare, nhà văn J.K. Rowling, Ernest Hemingway hay Bảo tàng Sherlock Holmes, bối cảnh trong các tác phẩm Chuyện tình núi Brokeback, Đồi gió hú, Kafka bên bờ biển… đều trở thành những nơi nổi tiếng thu hút du khách.

 


Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (áo xanh) và đứng cạnh nhà thơ Lữ Mai làm người hướng dẫn cho tour du lịch văn học đầu tiên tại Bảo tàng Văn học Việt Nam 

 

Tại Việt Nam, đã có một số điểm đến được khai thác theo hình thức “du lịch văn học”: làng Vũ Đại (Hà Nam, trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao), nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên (Quảng Trị), khu di tích đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh), nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Nghệ An), khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê (Quảng Ngãi)…

Đầu năm 2023, tour du lịch văn học về đêm lần đầu được tổ chức tại Hà Nội, do Công ty Du lịch Bền vững (S.T.I.D) phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức. Kết cấu chương trình khá hấp dẫn cho du khách yêu văn học: khám phá không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, không gian của các nhà văn nổi tiếng Việt Nam thế kỷ XX… Khuôn khổ tour thuộc không gian Bảo tàng Văn học Việt Nam nhưng bước đầu đã trở thành tâm điểm thu hút du khách thập phương và sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều văn nhân, thi sĩ.

Trải dọc đất nước còn có rất nhiều địa danh, bối cảnh nổi tiếng từ tác phẩm văn học cũng như những nơi chốn liên quan đến cuộc đời các văn nhân thi sĩ, các nhân vật trong tác phẩm. Ngoài việc là chất xúc tác cảm xúc, giá trị từ “du lịch văn học” còn mang đến kiến thức bổ ích, ý nghĩa cho du khách. Đặc biệt, sự tiếp cận và tiếp nhận từ hướng du lịch và văn chương, lịch sử sẽ giúp du khách hiểu sâu, nhớ lâu về các di tích, nhân vật, sự kiện.

Dù chưa được phổ biến và trở thành những tour du lịch thường kỳ, “du lịch văn học” tại Việt Nam vẫn đầy tiềm năng. Gắn mã QR tại các điểm đến cho du khách tự do tìm hiểu thông tin, kiến thức về lịch sử - văn hóa cũng là một trong những cách rất nên làm - theo nhìn nhận của bà Khúc Thị Hoa Phượng.

LỤC DIỆP/ BÁO PHỤ NỮ TPHCM

Top