Khó tìm tên tuổi “hot” như những kỳ hội nghị trước song không vì thế mà Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 27 đến 29.9, trở nên ảm đạm. Chưa khai mạc đã râm ran nhiều ý kiến về cách lựa chọn đại biểu tham dự hội nghị đến những băn khoăn về đóng góp thực sự của các cây viết được coi là trẻ hiện nay.
Bỏ qua “quyền trợ giúp”?
Ở nơi được coi là “thủ phủ” miền Trung vẫn có những nhân vật trong BCH Hội Nhà văn TP Đà Nẵng ngỡ ngàng khi biết Hội nghị những người viết văn trẻ sắp diễn ra tại Hà Nội. Nhà văn Bùi Tự Lực, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi cho biết: “Tôi rất bất ngờ, tối hôm trước tôi vô tình lang thang vào website của Hội Nhà văn Việt Nam, mới thấy có thông tin Hội nghị những người viết văn trẻ họp ở Hà Nội. Tôi tự hỏi: Chi lạ vậy?”. Phóng viên hỏi: “Còn vài ngày nữa, hội nghị khai mạc, anh có biết Đà Nẵng có bao nhiêu đại biểu tham dự hội nghị không?”. Bùi Tự Lực cười: “Chịu. Chắc không có rồi. Vì nếu có chắc ban chấp hành trung ương phải hội ý bọn tôi chứ, ít nhất cũng qua điện thoại hoặc email”.
Tương tự, hỏi nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, ông cũng ngạc nhiên không kém: “Như mấy năm trước có công văn giấy tờ ban chấp hành trao đổi với nhau, rồi thì rút ai, cử ai đều trao đổi. Năm nay không thấy ai gọi, ai nói, thậm chí tôi không biết gì về hội nghị đó nữa, đọc báo tôi mới biết thôi”. Ở vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm công nhận cách làm năm nay có khác mọi năm và ông cho rằng “cũng tốt”. Lí do được ông Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng đưa ra: Ban nhà văn trẻ theo dõi sát sao những hiện tượng văn học trẻ, việc Ban nhà văn trẻ đề xuất người dự hội nghị không có vấn đề gì. Nhưng nhà thơ cũng nói, giá như có trao đổi trước với địa phương thì mọi việc hay hơn. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phản ứng quyết liệt với cách làm mới của Trung ương Hội. Một trong những vị lãnh đạo Hội nói: “Cách làm của Hội Nhà văn Việt Nam như vậy không tôn trọng các Hội địa phương.
Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh không phải cấp dưới của Hội Nhà văn Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam làm vậy, tụi tôi không có trách nhiệm. Theo truyền thống, bao giờ Hội Nhà văn Việt Nam cũng đưa công văn về các hội, nếu như cần thì Hội Nhà văn Việt Nam sẽ bổ sung thêm, khi đó địa phương sẽ lo hết mọi thứ kinh phí. Lần này, tụi tôi chỉ nhận được cái công văn tuyên giáo thành phố đưa qua nhưng mục đích là để tham khảo thôi, không phải là phối hợp như trước.
Khi các bạn nhà văn trẻ hỏi, tụi tôi trả lời: Không biết về hội nghị, chứ biết trả lời sao? Sau đó, anh Hữu Thỉnh có gọi điện vô xin lỗi Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, mọi thứ đã lỡ rồi, bởi vì trong danh sách có nhiều bạn văn trẻ chính trong hội nhà văn thành phố cũng không biết. Anh Thỉnh cho mời thêm 5 người nữa do hội nhà văn thành phố cử, nâng đoàn nhà văn trẻ tham dự hội nghị lên tới 20 người. Thường thì đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh luôn đi đông nên trưởng ban nhà văn trẻ của hội sẽ dẫn đầu làm trưởng đoàn, kỳ này trưởng ban nhà văn trẻ cũng không biết gì, không có vai trò gì luôn”.
Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh An Giang cũng cho rằng: Nên rút kinh nghiệm, phối hợp với địa phương cùng chọn người. “Hội Nhà văn Việt Nam chọn cho An Giang 3 đại biểu. Chúng tôi thấy chưa thuyết phục nên đã làm văn bản đề nghị 3 người mới do địa phương tự chọn. Hội Nhà văn Việt Nam đồng ý và xin giữ lại một người do Hội Nhà văn Việt Nam chọn. Kết quả đoàn An Giang có 4 đại biểu tham dự Hội nghị”.
Ban tổ chức nói “không tự mình”
Đem phản ứng của Hội địa phương với người có trách nhiệm thì nhận được phản hồi: Về tiêu chí chọn người viết trẻ tham dự hội nghị đã được Hội Nhà văn Việt Nam thông báo rõ ràng. Vị có trách nhiệm (không muốn xuất hiện trên báo) trao đổi riêng với phóng viên về qui trình để tuyển chọn đại biểu như sau: Ban nhà văn trẻ lập một danh sách những nhà văn trẻ dự hội nghị, trình lên Ban tổ chức Hội nghị, có công văn hẳn hoi, rồi xin ý kiến của Ban tuyên giáo tỉnh và Hội văn học nghệ thuật tỉnh, chứ Hội nhà văn Việt Nam không tự mình chỉ định đại biểu. “Chúng tôi vừa đưa danh sách, vừa xin ý kiến của địa phương chứ không phải như một số địa phương phản ánh, thí dụ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh còn được bổ sung thêm 5 người. An Giang đề nghị thay, Hội nhà văn chấp nhận ngay. Cần Thơ cũng thay, chứ không phải không được tham khảo đâu, nói thế không chính xác”, vị này khẳng định.
Các hội địa phương có hào hứng với chiến thắng được tự đề cử thêm một số đại biểu hay không? Nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM đưa ra quan niệm: “Tôi quan niệm cởi mở, những người chưa từng dự hội nghị nên ưu tiên cho họ, những người đi nhiều rồi thì thôi. Tất nhiên đó phải là những người viết được, nói tới giới chuyên môn không thể không biết”. Theo Trần Nhã Thụy, danh sách 15 người được Hội Nhà văn Việt Nam chọn “đã nhiều, cần sự điều chỉnh cho hợp lí”. Một số nhà văn, nhà thơ khác cũng thấy xa lạ với nhiều người trong danh sách được Hội Nhà văn Việt Nam gửi xuống: “Nói ra thì tế nhị lắm, hình như thân thiết Hà Nội kiểu gì đó mới được mời”.
Kẹt chuyện kinh phí?
Nhà văn Trần Nhã Thụy nói mình không có vai trò gì trong Hội nghị nhà văn trẻ sắp diễn ra tại Hà Nội: “Tại sao Hội Nhà văn Việt Nam không để địa phương tổ chức sau đó cùng trao đổi, bàn bạc, tranh luận thậm chí gay gắt để cuối cùng có một cái danh sách tốt? Tại sao không dùng sự trợ giúp của địa phương mà phải tỏ rõ quyền lực của mình ghê gớm như vậy. Trong khi vấn đề tài chính anh vẫn để địa phương lo? ”. Cho đến ngày 23.9, theo nhà văn Trần Nhã Thụy, đoàn TP HCM vẫn chưa có một giọt kinh phí: “Tôi có cảm giác tổ chức luộm thuộm quá không phải nhà văn trẻ nào cũng có tiền sẵn trong túi đâu để tự thân vận động đâu? Đoàn nhà văn trẻ TPHCM ai sẽ đọc tham luận, đọc như thế nào, cũng không biết”.
Trần Võ Thành Văn (sinh năm 1986) được Hội Nhà văn Việt Nam chọn tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ, ở đoàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hơn mười ngày trước Trần Võ Thành Văn quyết định… từ chối vinh dự: “Lí do chính không tham dự hội nghị vì tôi thấy không có mục đích rõ ràng. Tôi đã tham dự hội nghị phải tham dự nghiêm túc, có tham luận… Tổ chức hội nghị khá tốn kém, lại dùng tiền ngân sách, đó là mồ hôi nước mắt của người dân. Nếu tôi thấy không có ích lợi về văn học, tốn tiền ngân sách thì tôi không đi. Nhiều người nhận được thư mời đều vui mừng, nhưng chưa từng thấy ai nói gì về trách nhiệm nhà văn, hay những vấn đề của văn học… Tôi ác cảm với chuyện đi dự hội nghị chỉ để đăng facebook.
Còn lí do nữa khiến tôi quyết định ở lại nhà vì khi còn đang hứng khởi tôi đã viết một email ra ban tổ chức, ghi rõ sẽ tự túc kinh phí, ban tổ chức không phải lo kinh phí cho tôi. Tôi nói với tinh thần tích cực, không phải tinh thần tiêu cực với hội nghị. Cuối thư, tôi viết, rất mong được hồi đáp, để tôi biết kế hoạch của hội nghị, còn tiện săn vé máy bay, cũng như chuẩn bị nơi ăn chốn ở. Và tôi chỉ nhận được một hồi đáp cụt: Đã đọc email, từ người của Ban tổ chức. Thế là tôi biết Ban tổ chức hội nghị thế nào rồi, tôi cảm thấy không được tôn trọng”.
Thế nào là trẻ?
Đã có ý kiến băn khoăn, có những người tuổi đời không trẻ nhưng tuổi nghề trẻ như Nguyễn Trí của “Bãi vàng, đá quí, trầm hương”, thì sao? Nhà phê bình Inrasara đã thẳng thắn đánh giá: “5 năm qua tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt trẻ độc đáo xuất hiện”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Anh Inrasara có quyền nhìn nhận như vậy về những người viết trẻ. Nhưng tôi thấy họ đã hiện lên với vấn đề mới mẻ, thi pháp mới, khó khăn mới. Họ mang đến cảm hứng đầy sáng tạo, dù sao họ cũng thuộc thế hệ 8x, 9x, cận 10x. Có những bạn trẻ đã từng làm tôi bất ngờ, có thể chỉ trong từng khoảnh khắc. Chúng ta có quyền hi vọng vào một nền văn học tốt đẹp cho tương lai”.
NÔNG HỒNG DIỆU