Ngày 12/2, Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ" trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025 đã được tổ chức tại Ninh Bình. Sự kiện thu hút đông đảo nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tham dự.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp đó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng và đưa con người hướng tới lý tưởng đó. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ".
Thế nào là thơ hay?
Nói về thi ca Việt Nam hiện đại, nhà thơ Đặng Huy Giang nhận định "thơ của ta có diện nhưng không có đỉnh". Ông cho rằng, khó có thể tìm ra một gương mặt mới, một hiện tượng mới, đa phần là các tác phẩm "vô thưởng, vô phạt".
"Những bài thơ không sạch nước cạn, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì "sao buổi sớm", "lá mùa thu"... Có vẻ như nguyên khí không còn mấy. Xu hướng "mủi lòng", "rên rỉ", "làm trò làm vè", "bế tắc"... ngày càng có xu hướng gia tăng" - nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ". (Ảnh: TT)
Với quan niệm về thơ hay, Đặng Huy Giang đánh giá: "Thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường". Thơ hay không chỉ là sự khéo léo trong việc tạo ra những hình ảnh đẹp mà còn là khả năng truyền tải những thông điệp sâu sắc, thể hiện cái nhìn khác biệt và phát hiện sự kỳ diệu trong cuộc sống bình thường. Chính vì vậy, như Chế Lan Viên từng nói: “Thơ hay như gái đẹp/ Ở đâu, ở đâu, cũng lấy được chồng/ Thơ dở không dịch được”, thơ hay sẽ tự nó tỏa sáng và được công nhận, dù thời gian có trôi qua".
Trong khi đó, nhà thơ Nguyên Như cho rằng: Mặc dù sách thơ ngày càng được in ấn với số lượng lớn, nhưng nhiều tác phẩm lại thiếu sự sáng tạo và không có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. Theo ông, hầu hết các tác giả đều tự túc tài chính để làm ra một cuốn sách nhưng cách thức thể hiện, từ hình thức đến nội dung thiếu sự chăm chút, dẫn đến sự "chết vô tri" của các tác phẩm: "Nếu đứng ở phương diện một công dân, tôi mong muốn được cầm một cuốn sách đẹp từ bên ngoài; được đọc những bài thơ có thể kiểm soát cái đẹp của ngôn ngữ, lạ về tứ, mới về cấu trúc và phải thấu cảm được chiều sâu tâm thức của cá nhân, của nhiều người, của thực tại" - ông thổ lộ.
Nhà thơ gạo cội Nguyễn Việt Chiến cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này: "Thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương".
Hình ảnh tại buổi Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ". (Ảnh: BTC)
"Thi ca đứng dậy bằng cái gì trong kỷ nguyên mới?"
Nói về khát vọng của thi sĩ, nhà thơ Nguyễn Như cho rằng, các tác giả đều có khát vọng riêng khi sáng tác. Mỗi nhà thơ đều gửi gắm vào thơ tâm thế và điều kiện của chính mình, và vì vậy có những khát vọng vượt ra ngoài giới hạn của bản thân, có thể là khát vọng khai sáng một thời đại, một nền văn hóa, hoặc đơn giản là giải tỏa những u uẩn cá nhân. Ông mong muốn thơ ca Việt Nam được cộng đồng lan tỏa và đón nhận rộng rãi.
Trong khi đó, nhà thơ Khuất Bình Nguyên đưa ra câu hỏi: "Thi ca đứng dậy bằng cái gì trong kỷ nguyên mới?". Ông nhận định: "Thế giới hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền văn hóa đang cắm cờ lên đất của nhau và trên những lá cờ ấy đều có ngôi sao hình con chíp. Bởi lẽ đó, phải chăng thi ca phải đứng dậy từ truyền thống để làm nên truyền thống mới – truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thấm đậm tình non nước trong sự vươn mình của dân tộc. Có lẽ chủ nghĩa lãng mạn cách mạng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo thi ca ở giai đoạn này.
Nhà thơ Hà Phạm Phú nhấn mạnh, thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. "Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi tiên phong và dự báo nó" - ông khẳng định.
YẾN THANH/ Theo Dân Việt