Lâu nay ta quen với thơ có vần điệu niêm luật trắc bằng êm tai. Chữ đi liền với nghĩa dễ hiểu, dễ thuộc, gần với nhạc nên có nhiều bài thơ được phổ ra nhạc thật là hay. Bước vào thời hiện đại khoa học kỹ thuật phát triển, cuộc sống trình độ văn hóa được nâng lên, tư tưởng suy nghĩ của người không giống trước, thơ theo đó cũng thay đổi.
Sự xuất hiện của những cây bút trẻ nhất là miền Tây phong trào viết lách có vẻ trầm lắng bỗng được bạn đọc trong nước chú ý. Những tay viết trẻ như ở Long An có Võ Mạnh Hảo, ở Trà Vinh có Văn Triều và ở An Giang có hàng loạt khuôn mặt mới như Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh nhất là Nguyễn Đức Phú Thọ, Đông Triều v.v… Sự xuất hiện của các bạn nói lên thời đại nào có người của thời đại đó…
Thế nhưng tôi cũng nghe rất nhiều người kêu lên… Nhạc ngày nay tiết tấu trúc trắc không êm tai rất là khó nghe, khó hát. Thơ cũng vậy đọc không vô nói gì tới nhớ, nó giống như văn xuôi chẳng có vần điệu câu dài câu ngắn đan xen. Chữ lại không gắn với nghĩa. Thí dụ như thơ Võ Mạnh Hảo với Trôi “có một sáng – cánh tay biến mất – nhìn quanh quanh chỉ gặp xác trăng - thấy trôi - những lá thư mùa cũ”, thơ Đông Triều với bài Mơ hồ sự sống khó hơn “nghe tin lửa đã xém đôi cánh chim chiều mang tới – Em đã đi hấp hối cuộc tìm mình – Chiều đã rơi trên nóc rừng nguyên sinh”. Ta không biết tác giả muốn nói điều gì, giống như câu đố chờ tác giả cắt nghĩa giùm nhưng họ như bất cần. Ai hiểu ai chơi với em, em cám ơn, không thì thôi. Nói vậy thì có vẻ oan vì cuộc sống thay đổi nhưng không có nghĩa là thay hết những gì người đã quen thuộc, nhất là những thứ đã trở thành truyền thống. Ai muốn chơi bên nào thì chơi. Nhạc bolero bên cạnh nhạc trẻ. Thơ tự do trở thành xu hướng nhưng vẫn còn mãi thơ lục bát. Nói các cây viết trẻ như khiêu khích làm cho bạn đọc phải động não tò mò thì đúng hơn.
Chuyện đọc hóa ra là nhu cầu của chính mình qua đó để hiểu thêm thực tại, cuộc sống hằng ngày đang diễn ra trước mắt mình. Niềm vui của cái nhìn phát hiện từ trong cuộc sống những điều mới mẻ thú vị và cộng hưởng với cuộc sống hoàn toàn khác với cái nhìn thờ ơ khi gió chuyển mùa. Cây thay lá, nụ hoa trổ âm thầm lúc nào không hay để chừng hoa nở rộ men chân tới. Rồi nghe hoa chê anh đã già (một bài thơ Đường tôi đọc đã lâu không nhớ nguyên văn nhưng cái ý như vậy). Hóa ra chuyện đọc là nhu cầu của chính mình. Già ở đâu không phải vì sống lâu năm già mặt già mũi là già ở tâm hồn vũ như cẩn, vẫn như cũ nhìn ngày hôm nay vẫn như ngày hôm qua.
Bấy lâu quen với ba loại cảm xúc. Một ở ngoài da. Hai cảm xúc đi sâu vào trong thịt da. Ba cảm xúc đi lên tới đỉnh đầu gọi là lý trí. Bước vào ngày hôm nay, cuộc sống phát triển rồi con người phức tạp hơn như đã biết. Thiện ác khó phân biệt rạch ròi không dễ đoán điều gì sẽ xảy ra. Ngoài thế giới thực khoa học kỹ thuật mang tới cho người thế giới ảo. Trừ những ai sống ẩn cư cắt đứt mọi mối quan hệ điện thoại, internet mới trở lại bộ mặt thật của mình. Thực tại ngày hôm nay là thực tại được nhìn qua gương soi. Vì thế nó mang tới một cảm xúc thứ tư vượt ra ngoài lý trí. Đấy là cảm xúc thuộc về không gian trừu tượng siêu hình. Nó bao trùm thực tại nhưng không minh họa bởi vì thực tại không còn là chung nhất mà mỗi người nhìn nó với những cái nhìn khác nhau. Nó không minh họa nhưng nó mô tả, nó vẻ thực tại qua những cái chớp mắt, những lát cắt, qua đó để người nhận ra từng khía cạnh của chân thiện mỹ. Giống như ta ngắm tranh của Picasso hoàn toàn không hiểu gì hết những đường nét ngang dọc không cân xứng như khiêu khích người xem tới gần, lùi ra xa. Bụng rủa thầm “đồ điên chắc là điên theo”. Không xem nữa nhưng mấy ngày sau đem ra ngắm lại cả thế giới huyền ảo hiện ra.
Thơ hiện đại, thơ của các cây viết trẻ miền Tây ngày nay giống như vậy, những hình ảnh những lát cắt vụt hiện, đồng hiện được đưa ra chẳng cần quy luật thời gian. Phải thú nhận đọc qua một lần, chẳng có cộng hưởng với người viết ta không hiểu gì hết. Thí dụ như Đông Triều với Tiếng cuốc gọi “như có ai quay chiếc vòng lửa – tàn bay vút mãi về phía mình - nhảy tựa lên đồng huơ miếng vỏ - Dội từng tiếng gọi ngỡ đêm tan - Căn gác buồn xa khuất đã vạn năm - Tiếng cuộc gọi ngỡ cầm mành chỉ đỏ - Ngỡ nổi niềm cầm mặc bến sông ”. Bạn đọc qua một lần hiểu lờ mờ hoặc không hiểu gì hết thế nhưng trong bài thơ lại có một đôi câu “trong bóng tối nghe như từng hoa sim nở - Như tiếng quốc kỳ, như hơi thở non sông”. Nó giải mã những hình ảnh, cái nhìn của tác giả. Câu “tiếng cuốc gọi ngỡ cầm mành chỉ đỏ” lần đầu đọc không hiểu, giờ trở thành thú vị. Rất độc đáo. Một tác giả trẻ khác với một bài thơ khá dài có tâm trạng giằng co bức phá ban đầu đọc không hiểu bạn muốn nói lên điều gì với xã hội, đến chừng nửa bài tôi bỗng bật ngửa ra với câu “Tôi chỉ còn tin vào mục khúc cương” tự nhiên tôi cười thú vị, đúng sự thật nó là như vậy.
Kinh nghiệm thứ hai để tiếp cận thơ hiện đại, theo tôi nó như câu đố kích thích lý trí, tưởng tượng của bạn đọc. Nhưng khác câu đố chìa khóa giải mã đáp án nằm ở ngay tựa đề bài thơ. Thí dụ như Êxinhin một nhà thơ Nga có bài thơ rất cảm động viết về mẹ nhưng bài thơ toàn là hình ảnh không có chữ nào nói tới mẹ “yên lặng sẽ còn yên lặng nữa. Lá cờ vô tích sự hạ rồi - Chiều nay thôi hết quay trong gió. Gà trống chị ơi gáy lên em”. Nếu đưa bài thơ cho người khác đọc dấu cái tựa đề đi sẽ không hiểu cảm xúc nhà thơ. Nhưng qua tựa đề mẹ, bài thơ trở nên sống động trong mắt bạn đọc hình ảnh bà mẹ già vừa nhắm mắt qua đời. Gà trống chỉ món đồ chơi của con nít được mẹ mua cho cũng cất tiếng gáy được. Tiếng gáy đó là tiếng khóc của người con.
Cũng như vậy khi đọc thơ các cây viết trẻ miền Tây, ta thấy họ như đánh đố, khiêu khích ta. Thật ra họ mời ta đi cùng với họ đi một chuyến tới vùng đất xa lạ ngay từ cái tựa của bài thơ. Thí dụ như Võ Mạnh Hảo với những bài thơ mang tựa Trôi, Đường về nhà, Sáng, loài người và con mèo chết. Đông Triều với những bài có tựa Trên lưng ngựa chạy đi, Tiếng cuốc gọi, Đã già hơn sự tưởng tượng, Những đám mây hiện hình…
Tóm lại thực tại đời sống ngày hôm nay không còn dễ hiểu như ngày xưa người ta suy nghĩ gì, bụng dạ người ta chứa đựng điều gì, ngay cả pháp luật cũng bó tay. Chỉ có văn học nghệ thuật với nhiều thủ pháp chạm sâu tới chỗ tù mù ấy. Thơ hiện đại, thơ các nhà văn trẻ đọc rất mệt nhưng thú vị - Họ bất cần đời ta bỏ qua hóa ra ta đã già đứng bên lề cuộc sống sao.
NGÔ KHẮC TÀI