Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,093 lượt

Nhà văn trẻ tâm huyết với sách thiếu nhi

Với vẻ mặt bên ngoài hiền lành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi Trương Huỳnh Như Trân (SN 1982) dễ chiếm cảm tình của mọi người khi giao tiếp. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hiền hiền ấy, Như Trân lại là một cô gái bản lĩnh, xông xáo không chỉ ở địa hạt viết văn mà cả ở mặt trận làm sách cho thiếu nhi.

 

 

Có duyên với lối rẽ bất ngờ

 

Theo Như Trân chia sẻ, văn chương không phải lựa chọn đầu tiên của chị. Thoạt tiên chị không định đến với văn chương. Chị học đại học với chuyên ngành du lịch nhưng khi ra trường, nghiệp viết cứ níu lấy chân. Chị khởi sự viết trong mông lung, tới khi xác định được mình thạo món gì và thích thứ gì, lúc đó mới quyết định đặt cả hai chân trên con đường viết lách.

 

Như Trân gốc miền Trung, sinh ra ở Bình Thuận, và lưu lạc nhiều nơi trước khi gắn bó với Sài Gòn. Máu thiên di chảy trong người cũng là nguồn cảm xúc để chị nuôi dưỡng văn chương. Cho tới nay, chị vẫn tự nhận mình đang từng bước thám hiểm con đường này với những hồi hộp bỡ ngỡ như những ngày đầu. Thật may là những bâng khuâng vẫn còn để nuôi nấng cho từng trang viết.

 

Chị đã cho ra mắt khá nhiều đầu sách và đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Bản thân Trân chưa bao giờ nghĩ về ý nghĩa của văn chương. Chị viết vì những mục đích khác nhau trong từng giai đoạn, chứ không nghĩ là mình đang dấn thân với văn chương.

 

Việc thành lập công ty cũng với mục đích cuối cùng là để viết, nên Trân luôn dành thời gian cho việc viết. Chị viết vào lúc sáng sớm, khi con còn ngủ và bản thân chưa bị cuốn vào một ngày mới với rất nhiều việc lớn nhỏ. Cũng có khi chị viết giữa lúc đang quay cuồng với công việc. Mệt quá, căng thẳng quá thì dừng viết. Nó khiến chị giải tỏa được nhiều ấm ách trong đầu, trong lòng, và cảm thấy cân bằng hơn.

 

Công ty Sapphire Media & Entertainment của Trân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, sách và phim. Thương hiệu sách mang tên Sapphire Books, với mong muốn mang đến thị trường những đầu sách hay cho thiếu nhi và các đầu sách đặc biệt khác. Sapphire Books có tham vọng thay đổi quan điểm hiện tại: “thiếu nhi không thích đọc sách, tác giả không thể làm giàu từ việc viết sách”. Quan điểm của Sapphire Books là thiếu nhi sẽ đọc sách nếu sách đúng gu, tác giả có thể sống được bằng nghề viết nếu tác phẩm của họ đủ hay, với sự hỗ trợ truyền thông đúng mức của nhà đầu tư.

 

Hứng khởi với đề tài thiếu nhi

 

Nói về cảm hứng khi viết văn, Như Trân từng chia sẻ: “Tôi chỉ viết một cách thoải mái và hứng khởi khi viết cho thiếu nhi. Khi bắt đầu viết, tuổi thơ tôi in dấu thật nhiều trong trang viết. Khi có con, những câu chuyện nho nhỏ, những bài học kỹ năng đầu đời cho con trẻ là đề tài tôi luôn có cảm hứng. Bây giờ, khi con đang chuẩn bị lớn, tôi bắt đầu nghĩ tới những câu chuyện phiêu lưu mới, để người viết là tôi, người đọc là con tôi và những bạn nhỏ như con luôn có được niềm hứng khởi mới, để từng chặng đường đời của mình luôn đầy những màu sắc ly kỳ”.

 

Nghé - con gái là người đồng hành với từng câu chuyện Trân viết, đồng thời là nguồn cảm hứng, là nhân vật, là nhà phê bình và tất nhiên là độc giả trung thành của mẹ. Trong tác phẩm của Trân, người đọc tinh ý có thể nhận ra tên nhân vật Nghé xuất hiện khá thường xuyên.

 

Những gì Trân và Sapphire Books đang làm có thể góp phần tạo dựng nên xu hướng đọc và viết tích cực trong nước, để người đọc có sách hay để đọc, người viết sống tốt bằng chính công việc viết lách của mình. Nghe có vẻ lớn lao, nhưng dù chỉ là một hạt muối bỏ bể, Trân cũng muốn thử để làm biển mặn mòi hơn.

 

Nỗi nhung nhớ về tuổi thơ vẫn được tái hiện trong nhiều tác phẩm của Trân. Kỷ niệm ấu thơ thành một sự thúc bách để chị bắt đầu viết cho thiếu nhi. Quyển sách đầu tay chính là một sự tái hiện những ngày êm đềm tuyệt diệu đó.

 

Tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng, với cào cào châu chấu, đã hình thành một đời sống tinh thần đặc biệt trong Trân. Trân yêu đồng ruộng, ánh mắt ngơ ngác của bầy nghé, những côn trùng len lỏi cỏ cây, thành ra không tha thiết những phồn hoa vẫn cứ thay đổi từng ngày. Trân tin con người như tin côn trùng, cây cỏ, tin ánh mắt thiệt thà của bầy nghé đó. Khi niềm tin đổ vỡ, cả khi tinh thần bị tấn công từ nhiều phía, chị vẫn tồn tại được vì biết rằng, mình còn đó một nơi chốn bình an, một chốn dung thân bất khả xâm phạm.

 

Ký ức tuổi thơ thuần khiết khiến Trân vẫn tin vào những tử tế trên đời, để tiếp tục viết về những điều mộng mơ. Có lẽ niềm tin yêu vào những điều tử tế và giọng văn giàu cảm xúc đã khiến những tác phẩm của Trân dù viết cho con nít vẫn hút hồn được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

 

 

Phỏng vấn ngắn cùng Như Trân

 

* Phụ nữ “dính” vào văn chương chữ nghĩa thường “khổ” vì quá lãng mạn, với Như Trân, điều này có đúng không?

- Đã là phụ nữ thì khổ rồi, không cứ gì là phụ nữ “dính” tới văn chương. Với tôi, khổ vì “dính” tới văn chương hay vì quá lãng mạn âu cũng là một đặc ân của ông trời, cho ta nhiều cảm xúc hơn để chấp nhận những “sầu khổ dịu dàng”(*). Tuy vậy, quan điểm của tôi trong cả đời sống lẫn văn chương là cứ hết lòng với mọi người, mọi việc, còn nhận lại gì cũng sẽ vui vì tâm thế luôn thanh thản.

 

* Tác phẩm chuẩn bị ra mắt của chị có là tập truyện thiếu nhi nữa không?

- Đó là 2 tập truyện thiếu nhi, một tập truyện ngắn và một truyện vừa.

 

* Mẹ Như Trân như thế nào trong mắt bé Nghé? Và giám đốc Như Trân như thế nào trong mắt nhân viên? Nhà văn Như Trân trong mắt đồng nghiệp, bè bạn?

- Trong mắt Nghé, mẹ vừa là thiên thần vừa là phù thủy, vừa ngọt ngào hết biết mà cũng lắm khi hét ra lửa. Nghé thấy mẹ viết truyện đồng thoại thì cũng sáng tạo ra một nhân vật mới: “Hổ lai Thỏ”, và kiên quyết bảo đó chính là mẹ.

Nghé thấy mẹ là một… bà mẹ với đầy đủ thịnh nộ và dịu dàng, nhưng may quá, Nghé cũng thấy có thể làm bạn với mẹ, cùng nhau đi mua sắm, xem phim, uống café, kể về những quyển sách và tâm sự mọi chuyện hằng ngày.

Với đồng nghiệp trong công ty, tôi chưa hỏi và cũng sẽ không hỏi, nên chẳng biết các bạn ấy nghĩ gì. Tôi mong muốn các bạn xem tôi là một cộng sự đắc lực. Vì người ta có thể tôn trọng sếp mà cũng có thể e ngại sếp. Chỉ với những người làm việc hợp ý, người ta mới có hứng thú mà làm việc hết mình. Với bạn viết trong nghề, tôi cũng không biết chính xác suy nghĩ của họ. Tôi chỉ chuyên chú thiết lập một hình ảnh: Tôi là một người viết nghiêm túc và đáng tin cậy.

 

* Điều gì làm nên hạnh phúc với chị?

- Sống thảnh thơi mỗi ngày.

 

* NXB Kim Đồng cũng như những nhà xuất bản khác đã đạt nhiều thành tựu làm sách thiếu nhi qua các thời kỳ, mang đến nhiều trang sách đẹp cho độc giả cả nước. Chen chân vào lĩnh vực thiếu nhi, là thành viên “mới toe” trong “mặt trận” này, chị có lo ngại gì không?

- Tất nhiên, tôi có nhiều nỗi lo khi khởi sự một công trình quan trọng. Nhưng tôi có niềm tin vào những gì mình làm. Tôi không nghĩ mình đang chen chân hay phải cạnh tranh với các đơn vị khác. Tôi xem công trình làm sách cho thiếu nhi là một công trình chung, và “đông tay thì vỗ nên kêu”. Tôi muốn góp một tay để khơi gợi lại dòng chảy trong trẻo trong tâm hồn các em. Tạo nên sự khác biệt, đó là cách để tôi có thể tồn tại trong tình hình nhà nhà làm sách, người người làm sách, nhưng không phải ai ai cũng đọc sách.

 

* Có một thực tế cho thấy, không nhiều đầu sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam được độc giả truy lùng, mà chủ yếu vẫn là dòng sách truyện tranh nước ngoài. Mặc dù gần đây, các NXB cũng in khá nhiều đầu sách của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có thương hiệu. Vậy theo chị, điều gì khiến cho độc giả Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến nhiều sách thiếu nhi?

- Vì các tác giả và người làm sách chưa gãi đúng chỗ ngứa, chưa nấu ra món ăn thật sự đúng với khẩu vị độc giả. Độc giả cũng rất mơ hồ với chính khẩu vị của mình, không biết mình muốn gì để yêu cầu “đầu bếp”. Do đó, chính các tác giả và những người làm sách cần nhạy cảm và tinh tế hơn, cần có những nghiên cứu công phu hơn nữa để tìm hiểu nhu cầu thật sự của độc giả. Tôi cho rằng việc nghiên cứu thị hiếu không kém quan trọng hơn việc sản xuất, cần được đầu tư kỹ càng. Truyện chữ vẫn có ưu thế riêng của nó, nếu như tác giả biết cách khai thác, biết cách đưa cái ly kỳ vào truyện của mình, cộng với sự hỗ trợ của các bản tranh minh họa đẹp, thì vẫn có vị trí đắt giá trên thị trường sách.

 

* Để khích lệ tinh thần của các em nhỏ, theo chị, các nhà văn, các cây bút nên có hướng viết như thế nào để các em nhỏ quan tâm đến sách của mình cũng như tạo được thêm một dấu ấn kiểu như Dế mèn Phiêu lưu ký?...

- Đề tài trinh thám, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm… vẫn đang là đề tài còn bỏ trống ở Việt Nam. Đó là mảnh đất màu mỡ để các tác giả viết cho thiếu nhi tung hoành ngòi bút của mình. Đây là đề tài luôn thu hút người đọc nhiều lứa tuổi, nên nếu viết hay, sẽ không sợ không có độc giả. Về cách làm sách, theo tôi nên có một sự chuyên nghiệp hơn mới mong có thể đi lâu dài được với độc giả. Người làm sách nên nghiên cứu kỹ tâm lý độc giả. Người viết sách nên liên kết lại với nhau để hình thành các nhóm viết. Đặc biệt những series truyện dài tập về các đề tài kể trên cần có sự hợp sức của nhiều tác giả thì câu chuyện mới phong phú, hấp dẫn và không bị đuối sức về sau.

___________

(*) Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng (Thơ Nguyễn Tất Nhiên)

VÕ THU HƯƠNG

Top