Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,905,660 lượt

Nhà văn có nên viết phê bình văn học?

Các nhà phê bình, nghiên cứu văn học cho rằng, trong trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, tuy bề mặt ngôn ngữ có “phũ phàng”, nhưng ẩn sau là cái đạo của người cầm bút.

 

Từ sau tập kịch bản chèo Vong bướm ra mắt năm 2012 tới nay, Nguyễn Huy Thiệp im ắng trên văn đàn. Sáng 8.9, nhà văn dành cho độc giả Hà Nội một bất ngờ. Nhân dịp Nhà xuất bản Trẻ tái bản tập phê bình Giăng lưới bắt chim, Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trong buổi trò chuyện ấm cúng với chủ đề “Nhà văn có nên viết phê bình văn học?”.

 

Giăng lưới bắt chim tập hợp 40 bài tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp về nghề viết, ra mắt lần đầu năm 2005, tái bản 2006. Năm 2010, NXB Thanh Niên in bổ sung. Lần này, NXB Trẻ tái bản, có bổ sung thêm một số bài viết mới. Cuốn sách được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải ở hạng mục Phê bình.

 

Trong nền văn học, những nhà văn viết phê bình như Nguyễn Huy Thiệp không hiếm. Những cái tên như Tolstoy hay Milan Kundera… đều là những nhà văn nổi tiếng, đồng thời viết phê bình thành công.

 

 

Các nhà văn viết phê bình thường được chia làm ba loại. Loại thứ nhất gọi là “thù tạc”, gồm các nhà văn đọc nhau, giao đãi với nhau bằng phê bình. Dạng thứ hai, các nhà văn trao đổi về chuyện của nghề, viết để trao đổi, truyền nghề với nhau, ở đây đã có tiếng nói phê bình. Nhưng loại thứ ba, là những bài viết phê bình không nhằm khen chê, xếp chiếu cao thấp các nhà văn, tác phẩm; ở dạng này, các bài viết trao đổi với nhau về cái đạo của người viết.

 

Ở Giăng lưới bắt chim có cả ba dạng bài phê bình như kể trên, nhưng đọng lại sau cùng là cái đạo của người viết.

 

Viết phê bình kiểu “khẩu xà tâm Phật”

 

Trong các bài phê bình của Nguyễn Huy Thiệp luôn có cái “phũ”. Sở dĩ Nguyễn Huy Thiệp gây sốc, tạo dư luận cũng bởi chữ “phũ” này. Ông phản ánh tình trạng vô đạo của đời sống trong sáng tác. Ở phê bình, ông cũng phản ánh sự vô đạo của người viết. Đó là việc người viết lao vào danh lợi, đánh mất đi lẽ sống lớn của văn chương.

 

Các bài viết của Nguyễn Huy Thiệp từ chối cách nói nương nhẹ, vuốt ve, mà nói thẳng thừng, huỵch toẹt, không kiêng dè. Bởi vậy, bề ngoài ngôn ngữ của Nguyễn Huy Thiệp có vẻ rất tàn nhẫn, gây hấn. Nhưng nếu chỉ có sự phũ phàng thì ngôn ngữ ấy phi thẩm mỹ, khó chấp nhận. Còn Nguyễn Huy Thiệp, đằng sau lớp ngôn từ phũ phàng là cái đạo. Chính cái thiết tha về đạo của Nguyễn Huy Thiệp làm nên tầm vóc của ông. Thậm chí, nhà phê bình Chu Văn Sơn còn đánh giá chữ “phũ” chính là phong cách của Nguyễn Huy Thiệp.

 

Nhà phê bình mổ xẻ: “Ngôn ngữ phũ từ chối lớp ngôn từ hàn lâm của phê bình, từ chối ngôn từ chính trị (giễu nhại), từ chối lớp ngôn từ đèm đẹp của văn hóa. Ngôn ngữ của Nguyễn Huy Thiệp là ngôn ngữ đời. Văn của ông là “khẩu xà tâm Phật”.

 

Nguyễn Huy Thiệp dùng ngôn từ có phần cay đắng như vậy để nói về văn chương, nhưng những người là đối tượng được hoặc bị phê bình không tỏ ra giận ông.

 

Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là một trong những nhà thơ thuộc đối tượng mà Nguyễn Huy Thiệp nhắc tới trong câu nói gây tranh cãi một thời: “Thể loại vua của văn học thời gian tới phải là tiểu thuyết..., văn học không phải là sân chơi của đám giặc già lăng nhăng thơ phú”.

 

Ấy vậy mà Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chữ “phũ” trong văn Nguyễn Huy Thiệp chính là thể hiện sự trung thực trong ngòi bút. Nguyễn Quang Thiều nói: “Tôi là một nhà thơ trong số đám nhà thơ anh Thiệp nói, và thấy chúng ta cần phải suy ngẫm lại bản thân mình. Tất cả những gì anh ấy nói ra rất đau đớn, nhưng cũng là sự đau đớn của anh ấy. Những lời ác khẩu của anh chứa đựng sự nhân văn, cao đẹp”.

 

Ở lĩnh vực phê bình, có lẽ chữ “phũ” đã tạo nên phong cách riêng cho Nguyễn Huy Thiệp. Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - đánh giá Nguyễn Huy Thiệp có một sự thu hút trong sáng tác. Còn ở phê bình, ông có một bản ngã.

 

Vượt qua những chuyện bếp núc văn chương, Nguyễn Huy Thiệp có cách kiến giải của riêng mình. Viện trưởng Viện Văn ví bài phê bình của Nguyễn Huy Thiệp như lưỡi dao lam: “Ông viết vừa mỏng, nhẹ mà sắc”.

 

 

Đạo viết của Nguyễn Huy Thiệp

 

Không chỉ nói lời cay đắng, phũ phàng ở phê bình, Nguyễn Huy Thiệp cũng thường nói lên những lời đau đớn trong sáng tác văn chương của ông.

 

Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn vào cuối bao cấp, ngay những năm trước đổi mới. Lúc đó xã hội xuống cấp trầm trọng, cần phải thay đổi, mới mẻ. Những băn khoăn về “đạo viết” của Nguyễn Huy Thiệp tràn ra cả kịch lẫn truyện ngắn.

 

“Đạo viết” của Nguyễn Huy Thiệp được nhà phê bình Chu Văn Sơn phân tích kỹ lưỡng. Ông nói “trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, pháp là đức hiếu sinh của đời sống. Nếu đức hiếu sinh được tôn vinh, sắp xếp lại đời sống này, thì đời sống trở về cái gốc yêu và thương”.

 

Nói về đạo viết, Nguyễn Huy Thiệp cho rằng nhà văn hay bất cứ ai đều đi tìm cái “đạo” cho riêng mình. Quá trình viết cũng là hành trình tác giả đi tìm đạo. Ông ví “đạo” như một kim tự tháp, ở dưới đáy có thể có rất nhiều lý tưởng, đạo lý… nhưng lên dần tới đỉnh, đạo chỉ còn một từ, đó là chữ “chân”.

 

Nguyễn Huy Thiệp bảo, không phải nhà văn nào viết cũng ra chân lý, cái quan trọng là phải đánh thức bạn đọc ý thức hướng về đạo.

HIỀN ĐỖ

Top