Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,589 lượt

Kết quả Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc

Vừa qua, tại Trường Đại học Văn Lang, đã tổ chức buổi trao giải “Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc” do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc - Trường Đại học Văn Lang tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc cùng sự đồng hành của Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Trẻ.

 

Đây là cơ hội để độc giả trên khắp cả nước thể hiện tài năng viết lách và sức sáng tạo của mình thông qua các bài viết cảm nhận hoặc video clip giới thiệu sách về tác phẩm văn học Hàn Quốc đã dịch sang tiếng Việt.

Thành viên Ban giám khảo cuộc thi gồm: Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Trẻ và dịch giả Nguyễn Kim Thoa, BTV Báo tuổi Trẻ và là thành viên Hội đồng văn học dịch thuộc Hội Nhà văn TP.HCM.

Sau hơn một tháng phát động (10/7/2022 đến 318/2022), cuộc thi “Cuộc thi review tác phẩm văn học Hàn Quốc” đã nhận trên 300 bài dư thi và 90 video clip rieview 3 tác phẩm văn học Hàn Quốc: tiểu thuyết Truyện nàng Suk -hyang - Truyện nàng thiếu phụ Suk-yeong, bản tiếng Việt của Hiền Nguyễn; Em thấy chúng ta trong một mùa hè, tập truyện ngắn của KIm Ae- Ran và Nụ cười của Shoko, tập truyện ngắn của Choi eun - Young. Người tham gia với tuổi đời từ 17 đến 30.

Có 12 thí sinh và 2 tập thể đoạt giải về bài viết và 8 thí sinh đoạt giải về video clip với hai giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 4 giải được yêu thích do khán giả bình chọn và hai giải tập thể có nhiều thí sinh tham dự nhiều nhất. Văn chương TP.HCM giới thiệu dưới đây bài viết đoạt giải nhất của Ngô Thuận Phát, sinh viên Đại học Bách Khoa với bài viết “Truyện nàng Suk - hyang - Truyện nàng thiếu phụ Suk-yeong và video clip “Em thấy chúng ta trong một mùa hè” đoạt giải nhất của Nguyễn Vân Khanh (học sinh cấp 3 ở Hải Dương).

Bài viết đoạt giải nhất của Ngô Thuận Phát, sinh viên Đại học Bách Khoa:

NHÌN LẠI TRUYỆN CỔ HÀN QUỐC QUA HAI NHÂN VẬT SUK-HYANG VÀ SUK-YEONG

Truyện cổ là “viên ngọc quý” của bất kỳ một quốc gia nào. Có người từng nói, để hiểu một nền văn hóa, thì trước tiên nhất hãy đọc truyện cổ của đất nước đó. Từ truyện cổ của người Do Thái cho đến Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc hay cả Việt Nam; chúng ta đều thấy giá trị nhân văn cũng như những gì là đặc sắc nhất tạo nên con người của quốc gia đó. Như vậy có thể thấy rằng, truyện cổ chính là hồn cốt dân tộc, là nền móng, là cột trụ… để từ đó con người lớn lên, hoàn thiện và hiến dâng những gì có ích. Theo dòng chủ lưu đó, trong những năm qua, Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc (LTI Korea) đã rất nỗ lực để mang những truyện cổ hay đến gần hơn nữa với độc giả Việt Nam. Đó là Dung Trai tùng thoại, Giấc mơ chín tầng mây hay Truyện nàng Suk-hyang – Truyện nàng thiếu phụ Suk-yeong. Trong các tác phẩm kể trên, câu chuyện về nàng Suk-hyang và Suk-yeong có thể nói là rất gần gũi với người Việt Nam. Chính từ những nỗ lực trên, mà nền văn chương Hàn Quốc cổ xưa đã được phục dựng bên cạnh những sản phẩm phim ảnh, âm nhạc… về một đất nước hiện đại ngày nay. Đọc truyện cổ là bước vào một thế giới sống động và rất khác lạ. Đó là nơi của những phép màu, của những niềm vui – nỗi buồn được phản ánh ý nhị mà cũng khát khao trong những mong muốn thoát truyền thống, để hướng đến một thế giới nhân văn hơn, tốt đẹp hơn và cũng chan hòa hơn.

CÁC TUYẾN NHÂN VẬT ĐẶC BIỆT

Được sáng tác vào triều đại Joseon cực thịnh, có thể thấy tác phẩm này chứa đựng rất nhiều vẻ đẹp, từ dung mạo cho đến hồn cốt, từ hành động cho đến số phận của các nhân vật. Dễ thấy, truyện cổ thường lấy nhân vật là những tiên quan, tiên nữ giáng trần – người từng thuộc về Thiên đình nhưng phạm tội lỗi nào đó và đành phải chịu hạ xuống dương gian. Nói theo văn hóa Tây phương, họ là những “á thần” – những người pha trộn hai dòng máu riêng: một là Thần thánh và phía bên kia là những người phàm. Do đó, Suk-hyang hay Nguyệt Cung Tiên có một nhân dáng vô cùng tuyệt vời. Như những ghi chép đã được ghi lại, nàng có “cốt cách nhật nguyệt, mặt xinh như ngọc, giọng nói thánh thót”; mà phẩm hạnh, nhân cách, tài trí cũng vượt trội người. Nhận tinh khí của Hằng Nga nên nàng thông minh, tài năng xuất chúng và không một ai có thể sánh bằng. Tương truyền nàng là tiên nữ ở Nguyệt cung, nhưng do một lần lấy trộm duyên đan cho Thái Ất tiên sinh mà phải chịu cảnh lưu đày xuống kiếp hạ giới. Không chỉ những nhân vật nữ, mà Yi Seon hay Thái Ất cũng được mô tả giống hệt như trên. Do đó với các tác giả dưới thời Joseon, Thần thánh là đấng tối cao vô cùng toàn bích, họ sở hữu vẻ đẹp và có được mọi tài năng ở trên đời này. Việc cho các vị Thần hạ giới không chút khó khăn, hay cả giả trang sống như người thường cũng đã cho thấy một lòng mộ đạo cũng như trung thành tuyệt đối của con người thời ấy. Và hẳn nhiên, “hồng nhan” thì thường “bạc mệnh”, nên hành trình của những vị Thần cũng không dễ dàng. Mà để tổng hợp, có thể nói truyện cổ Hàn Quốc cũng có chứa đựng đặc tính sử thi. TÍNH SỬ THI Nếu Hercules trong Thần thoại Hy Lạp đã phải trả qua 12 thử thách để mà tồn tại, Odyssey phải thoát khỏi tiếng hát người cá để về với vợ trong Iliad, thì các nhân vật trong truyện cổ Hàn Quốc cũng phải chịu đựng thách thức tương tự. Một điều có thể thấy rõ, là ở đây, các thử thách của văn hóa Đông phương không mang quá nhiều tính chất “hành động” như của Tây Phương. Điều này chắc hẳn bắt nguồn một phần từ trong bối cảnh “bế quan tỏa cảng” dưới thời Joseon, khi đất nước đóng cửa từ chối giao thương, dẫn đến tâm tư tình cảm đều hướng vào trong nội tâm mà không bộc phát ra phía bên ngoài. Đầu tiên trong Truyện nàng Suk-hyang, nhân vật chính từ khi sinh ra đã phải xa nhà trong cơn biến loạn, và được “tiên tri” phải qua tận 5 kiếp nạn mới được sống đời giàu sang. Từ cảnh chia ly cho đến vu oan rồi bị thiêu cháy, giam hãm… có thể thấy rằng những khó khăn đó không cần sức lực theo kiểu “cơ bắp”. Điều cần thiết nhất là sự mạnh mẽ, và đó cũng là mong ước luôn nằm sâu trong tiềm thức của người dưới thời Joseon, và được phản ánh qua tác phẩm này. Suk-hyang trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng không khó khăn nào lớn hơn là bị hãm hại cũng như hàm oan. Khi bị Sa-hyang hãm hại ở nhà Jang là cha mẹ nuôi, nàng đã dự định trầm mình xuống dòng Phổ Trấn nhưng rồi lại được Long nữ cứu giúp. Trong khi đó, thiếu phụ Suk-yeong cũng bị Mae Wol hàm oan cho tội gian thông dẫn đến cái chết. Có thể nói tuy không mang tính “sử thi” về mặt “hành động” như trường hợp Hercules, Odyssey, nhưng những nhân vật trong truyện cổ họ đều tổn thương cũng như đau đớn vì sự trong sạch đã bị hủy hoại. Từ đó cho thấy nhân nghĩa, đạo đức cũng như đạo làm người luôn được xem trọng ở văn hóa Á đông, và một khi mất thì con người không còn một chỗ đứng nào. Tuy nhiên nói thế cũng không có nghĩa truyện cổ Hàn Quốc chỉ toàn hướng về bên trong với những lưỡng đề đạo đức. Nếu như những người phụ nữ cần phải chứng minh tiết hạnh, phẩm giá; thì hầu như nam giới trong đây sẽ bị thách thức bởi chính sức mạnh và lòng can đảm. Không ít lần Yi-seon hay Thái Ất phải đi rất nhiều vòng lặp để rồi biết rằng Suk-hyang không hề tàn tật hay là dị dạng, mà cô chỉ đang ở trước mắt mình. Không dừng ở đó, nam tính cũng được chứng minh trong câu chuyện này bằng cách cất công nghìn lý đi tìm những loại thuốc quý ở Tam thần sơn, Bát phương Tứ hải để cho thấy được bầy tôi trung thành. Con số 12 trong hình trình đi cùng Long Tử của Yi-seon để tìm thuốc cho Hoàng Thái Hậu cũng có phần nào tương tự Hercules trải qua 12 thử thách để hoàn thiện mình. Trong tác phẩm này, Yiseon đi tìm Khai ngôn thảo ở Bồng Lai sơn, nấm Tịch nhĩ nhung ở Thiên Thai sơn và Khải nhãn châu của Long Vương Tây hải. Thoạt nghe là những thách thức không thể vượt qua, nhưng bằng phẩm chất nghìn đời của những con người cao quý cũng như vận mệnh sắp đặt… mà hầu hết anh đã dễ vượt qua, giúp bản thân mình được công nhận.

PHẨM CHẤT TỐT CỦA MỘT CON NGƯỜI

Sáng tác trong thời Joseon, nên “tam cương ngũ thường” cũng là một nền móng chính để các nhân vật được xây dựng nên, từ đó định hình tính cách của họ. Đó là lòng hiếu thảo, tôn trọng tổ tiên từ trong Nho giáo, mà ta có thể thấy không ít lần Suk-hyang đã phải khóc than trước sự chia ly với cha mẹ mình, với phu nhân Jang hay với bà lão ở Hoa Lê Đình. Đó còn là sự tận trung với các vị vua trị vì đất nước mà Yi-seon không tiếc thân mình để đi tìm thuốc. Đây là những phẩm chất tốt vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay, nhưng sát sao nhất và gần gũi nhất đã được thể hiện trong các truyện cổ. Cách đối nhân xử thế cũng được nhấn mạnh trong tác phẩm này. Ở đó sự đền ơn trả nghĩa, cưu mang giúp đỡ đã khiến cho những quý nhân kịp thời phù trợ vào lúc cần thiết. Chẳng phải do cha của Suk-hyang đã cứu Long nữ dưới dáng hình của một con rùa để rồi sau này chính nàng cũng được vị ấy cứu? Và cũng chẳng phải vì được nhà Jang giúp đỡ mà con đường vượt qua “bể khổ” của nàng mới dễ dàng hơn? Thông qua những câu chuyện này, các nhà văn Hàn Quốc cũng đã truyền đạt được một bài học luôn luôn cần thiết, dẫu cho bây giờ hay ngàn đời trước, thì đó vẫn là các yếu tố cần phải giữ gìn. Ngoài những trách nhiệm với vua chúa, cha mẹ, thì trong quan hệ vợ chồng, sự chung thủy cũng như tính đồng điệu cũng là yếu tố rất được chú ý trong các truyện cổ. Dẫu biết khi đã đỗ đạt Trạng nguyên trở thành Quan trạng thì có thể có đến hai người vợ, nhưng dễ thấy cả Yi-seon hay Dương Thiếu Du trong Giấc mơ chín tầng mây đều không lợi dụng điều đó chỉ để thỏa mãn sắc dục. Với Yi-seon, chàng biết Suk-hyang là người duy nhất mình được kết duyên, và mặc cho cha đã hứa hôn với Tương Vương, nhưng anh một lòng không muốn nàng phải khổ tâm. Chỉ khi được biết Mai Trung Tuyết cũng là vị tiên vì mình mà chịu đày ải, anh mới mở lòng và đón nhận cô. Trong khi đó, Dương Thiếu Dụ dù phải đứng trước lưỡi gươm cái chết cũng như nhiều năm giam cầm, nhưng không bao giờ muốn lấy ai khác ngoài Trịnh Tiểu tư. Hẳn nhiên có nhiều yếu tố sau này của duyên định mệnh khiến 8 nàng tiên trên núi Liên Hoa kết thân cùng anh, nhưng “tam cương” vẫn được những người vợ này gìn giữ vẹn tròn. Đó là mặc cho lấy thêm tì – thiếp, Suk-hyang và Mai Trung Tuyết vẫn quý mến nhau. Hay cho hai nàng công chúa và 6 nàng thiếp của Giấc mơ chín tầng mây, thì họ một lòng trợ giúp tể tướng. Có thể thấy rằng họ đã giữ trọn những đức tính tốt của con người thời ấy, và là lời răn cho đến ngày nay, mặc cho có những khuôn khổ pháp luật đã được định ra, nhưng cách đối nhân xử thế để đến với nhau thật là hòa hợp vẫn được coi trọng.

TÁI HIỆN THỜI ĐOẠN XÃ HỘI

Truyện cổ cũng là một loại hình văn chương, nên một trong những đặc điểm có phần quan trọng của nó là tái hiện xã hội. Được viết dưới thời Joseon, ít nhiều các tác phẩm này đã cho thấy những đặc điểm rất độc đáo về bối cảnh thời đó. Hướng về Hoàng triều, có thể thấy rằng bấy giờ nội tình trong nước yên ổn, dân cư chí thú làm ăn, triều đình hiền hòa, chú trọng vào việc thưởng nguyệt – làm thơ, từ đó làm nên một nền thi phú đa dạng. Giặc ngoài vẫn thường xâm chiếm, nhưng nhìn chung là dễ giảng hòa cũng như khuyên nhủ, đứng trước Hoàng triều rộng lớn và có bề dày lịch sử lâu đời. Thực tế là triều Joseon đã mở ra thời kỳ cực thịnh trên các mặt trận: chính trị, xã hội cũng như văn hóa. Họ sáng tạo ra bảng chữ cái Hangeul, các phát kiến khoa học – công nghệ cũng được chú trọng, các lĩnh vực khí tượng, thiên văn, trắc địa… cũng như nhiều ngành nghiên cứu khác có một vị trí vô cùng quan trọng. Có lẽ truyện thần tiên cũng được khởi phát từ bối cảnh này, với các ý chí giao hòa giữa địa cầu này và vũ trụ bao la. Ngoài ra tài năng của các nhân vật nữ cũng cho thấy sự độc đáo của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cũng như các loại hình giải trí đàn hát, ca múa, ngâm thơ lên đến cực thịnh. Nói về tôn giáo, thì lúc bấy giờ Phật Giáo đã nhường vị trí độc tôn cho Nho giáo, nhưng nó vẫn giữ vai trò quan trọng. Đó là ý niệm tin vào các việc xem tướng, điềm lành cũng như tin vào duyên định cũng như định mệnh. Họ phục tùng một cách tuyệt đối những gì Thần linh mách bảo qua người xem tướng, từ đó không thể làm trái. Và các tác giả cũng thể hiện sự tin tưởng này bằng cách “mách trước” thử thách sẽ đến, và rồi trùng khớp với lời tiên tri. Thông qua văn chương, cả một bối cảnh xã hội cũng như đời sống tín ngưỡng – tâm linh đã được hiện lên. Nhưng không chỉ phản ánh, họ còn thể hiện nỗi niềm cũng như khát khao có phần thầm kín bấy giờ của mình.

THỂ HIỆN MONG MUỐN, PHẢN KHÁNG

Giống như tính cách của người Á Đông, những phản kháng của người xưa cũ đã được đặt để một cách ngấm ngầm vô cùng tài tình, không “đao to búa lớn” nhưng đầy sức gợi. Như thể trong truyện về Suk-hyang hay Suk-yeong, ta đều thấy được mong muốn tỏ bày sức mạnh của người phụ nữ, cũng như hướng đến trạng thái tự do tự mình quyết định cho số phận mình, không còn đàn áp, không còn cảnh tình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Như thể trong chuyện về nàng Suk-hyang, ta thấy Yi-seon mặc cho những sự phản đối của cha mẹ mình, vẫn hỏi cưới Suk-hyang qua sự giúp đỡ của Yeo phu nhân, cũng là người cô đã được báo mộng. Với tình yêu bất diệt cũng như những sự dẫn đường chỉ lối đã được định sẵn, những người trẻ tuổi quyết định đi theo tiếng gọi thật bản năng nhất, để từ đó họ nắm thế chủ động trong việc hôn nhân hay lời hẹn ước. Tính nữ chủ động cũng là ước vọng được nhắn đến nhiều trong tác phẩm này. Chẳng phải thiếu phụ Suk-yeong mới là người quyết định hôn nhân của mình với Seon-gun đó sao, mặc cho sau đó là trái duyên mệnh và đón đợi họ là những bi kịch. Cái kết thúc ấy có thể buồn tủi, nhưng lại truyền được một niềm cổ vũ về hôn nhân tự do, về việc ta được có quyền để làm những gì mình muốn, dẫu cho còn nhiều khó khăn vẫn đang ngáng trở, định kiến vẫn còn tồn tại. Cũng như nhân vật Tần Thái Phượng trong Giấc mơ chín tầng mây đã tự bảo vệ hạnh phúc của mình, mặc cho có thể “cọc đi tìm trâu”. Trong một đoạn dẫn, cô nói: "Con gái theo chồng là việc lớn suốt đời, có liên quan đến sướng khổ vinh nhục của cả cuộc đời […] Nay ta là thiếu nữ, tuy không thể tránh khỏi nỗi hiềm nghi tự mình mai mối nhưng không hại gì đến tiết hạnh của phụ nữ […] Đây là việc lớn suốt đời của tôi, bà phải cẩn thận chớ có sơ suất". Từ đó có thể thấy rằng mong muốn từ do vẫn luôn tồn tại và là khát khao họ muốn vươn tới dẫu cho muôn đời vẫn còn kềm kẹp và bị đàn áp. Một khía cạnh khác cũng được đề cập trong Truyện nàng Suk-hyang là sự phản kháng trật tự đương thời, mà thể hiện rõ nhất là khác biệt giai tầng. Sinh ra trong cảnh khá giả nhưng rồi chiến loạn làm cô mồ côi có phần hèn kém, việc vươn tới một người ở tầng lớp cao như Yi-seon là không thể tưởng. Và cũng chính ý định đó, cô gần như phải nhận đến cái chết trong thử thách cuối cùng của mình vì là tiện dân mà dám mơ mộng đến tầng lớp quý tộc. Nhưng cuối cùng chính bằng tình yêu, tài năng cũng như quyết tâm to lớn, họ đã đến được với nhau và bên nhau mãi mãi. Từ đó cho thấy một phần nào đó những giới hạn vẫn còn tồn tại, và con người ta luôn muốn vươn lên khỏi “vũng bùn” đó.

HÌNH THỨC ĐẶC TRƯNG

Với những đặc điểm kể trên, có thể thấy rằng truyện cổ Hàn Quốc truyền tải được rất nhiều thông điệp một cách tỉ mỉ và đầy hàm ý. Trong số đó, nghệ thuật “dẫn hồn vào mộng” là một đặc trưng rất đáng chú ý, khi vừa mang vào được tính chất kỳ ảo mà cũng đồng thời là lời giải đáp cho cách mà cõi thần tiên tồn tại song song cùng với đời sống thường dân. Tuy được viết rất lâu về trước, nhưng nghệ thuật này lại khớp một cách hoàn hảo với việc giải mã giấc mơ sau này của Freud, với những tiên tri, dự đoán cũng như các ý nghĩa khác trong những giấc mơ. Đây là phát kiến vô cùng sáng tạo và cũng rất hay của truyện cổ Hàn Quốc, mà qua nó ý đồ của những câu chuyện đã được hiện ra vô cùng rõ ràng và đầy chuẩn xác, không chỉ về mặt hiện thực mà còn ở đó là sự kỳ ảo vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, văn phong của những truyện này cũng rất đặc sắc. Có thể thấy được vẻ đẹp thi tính trong bất cứ mô tả nào của cảnh trí trần gian hay Hội Dao yến của Tây vương Thánh mẫu. Chỉ nói về việc gãy vỡ của mối quan hệ vợ chồng thôi, mà những “mỹ từ” như thể “chim loan đang hòa đôi thì lại ly biệt”, “cầu Ô Thước gãy đôi” hay “sắc cầm đã thôi hòa hợp” lại đẹp và đầy cổ điển một cách không ngờ. Còn nói về việc chia ly, câu từ không chỉ đơn giản mang nghĩa rời xa, mà đó còn là một bầu tâm trạng vô cùng đớn đau: “Nhân duyên như đá vàng đã đổi thay trở thành cơn gió. Đóa hoa ngát hương thơm đành hóa thành đất đá trong ngục Lạc Dương.”

TẠM KẾT

Có thể thấy rằng truyện cổ đóng một vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong những phông nền văn hóa của đất nước đó, mà thông qua đó, những tâm tư tình cảm cũng như thực tế cuộc sống cũng được phản ánh. Truyện nàng Suk-hyang –Truyện nàng thiếu phụ Suk-yeong có thể nói là hai áng văn có vẻ đẹp thi tính lai láng, trong lớp ngôn ngữ cũng như văn chương vô cùng ý nghĩa, từ đó thể hiện mong muốn thế gian công bằng, thịnh vượng và nhân văn hơn. Đây chính là những nền móng cũng như trụ cột làm nên con người, từ đó khiến thế giới này ngày càng tươi đẹp và sáng bừng hơn. Một tác phẩm độc đáo và rất đáng đọc.

Top