Em mong manh, em chỉ như chiếc lá
Biết nhặt tia sáng nào khi mặt trời lên
Tôi muốn bắt đầu về Lê Thị Kim bằng những bối rối thiếu nữ trong veo từ hai câu thơ vô tình đọc được ở tập Đóa quỳ hư ảo (xuất bản 1990).
Xuất hiện từ những cuối những năm 70 đầu những năm 80 ở TP. HCM, Lê Thị Kim cùng với các nhà thơ Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Phạm Sỹ Sáu, Phạm Thị Ngọc Liên, Thanh Nguyên... thực sự đã làm nên một thế hệ thơ ca dày dặn, để lại nhiều dấu ấn.
Ngoài nét hồn hậu, đằm thắm thường thấy trong thơ các nhà thơ nữ, có vẻ như những hồn nhiên, mong manh, dễ vỡ chính là “dấu ấn” mà Lê Thị Kim để lại nơi người đọc cùng với thơ mình... Tôi không biết đã từng có bao nhiêu trái tim phụ nữ đập những nhịp tim thành thật và hồi hộp cùng Lê Thị Kim: “Đừng nhìn em như thế/ Cháy lòng em còn gì (Đừng nhìn em như thế)”.
Xúc cảm của người phụ nữ, nhất là khi yêu, thật mong manh, dễ vỡ nhưng cũng nồng nàn khắc khoải biết bao! Mới đó làn gió nhẹ “Em một mình - cười hát vu vơ” khi “Chúng mình yêu nhau”, phút chốc đã hờn giận ngọt ngào: “Chỉ khi trái tim hờn dỗi/ Nhận được tín hiệu từ anh/ Sau lưng ghế lặng câm/ Dáng trầm như tiếng vạc/ Mưa mới tuôn ướt mi/ Cuốn nỗi hờn trôi đi... (Nỗi hờn).
Những trong trẻo ngọt ngào cảm xúc ấy chắn chắn luôn song hành cùng Lê Thị Kim trong suốt những năm tháng cuộc đời. Tôi đã thật cảm động khi đọc những dòng thơ yêu thương ấm áp chị viết dành tặng cho chồng, cho con, cũng từng thảng thốt tủi buồn cùng chị vì nhận ra “chiếc lá trời” hạnh phúc đâu dễ đậu xuống tay mình: “Tình xuân như chiếc cầu vồng Thoắt - bồng bềnh hiện, thoắt - bồng bềnh trôi Hạnh phúc Hạnh phúc như chiếc lá trời / Thích trêu ngươi - trước cuộc đời lặng trông (Lá trời).
Nhiều người đã viết về người đàn bà hồn nhiên Lê Thị Kim, tôi đồng ý với họ và muốn bổ sung vào cái nhìn ấy, một Lê Thị Kim nữa với khắc khoải nỗi niềm: “Đôi khi trong cõi thật/ Ta nói cười ước mơ/ Để giấu trong hư ảo/ Trái tim mình bơ vơ (Tự khúc trăng).
Tôi không có kiến thức về hội họa, vì thế không dám đưa ra nhận xét gì, chỉ cảm nhận rất rõ một điều: Lê Thị Kim đã đưa những đóa quỳ hư ảo vào cả trong tranh mình. Xem những bức tranh chị vẽ, cả những bức gần đây, tôi cứ thấy luôn hiện diện hai sắc màu cảm xúc: vừa nhẹ nhàng, hư ảo, vừa khắc khoải đến da diết, tái tê. Có phải thế không, mà sắc tím quyến rũ, lãng mạn mộng mơ hay đi cùng với những mảng xanh thật đậm như một nỗi niềm mãnh liệt nào hiện diện mà chưa được tỏ bày.
Y như trong thơ chị, luôn có tiếng “Con chuồn kim bờ dậu – Trong tình tôi thầm thì” khao khát cùng “Nửa vầng trăng không đầy”, đang khắc khoải ước ao “Khoảng trời xanh của tóc - quay về”... Hóa ra, đóa quỳ hư ảo mà chị gửi vào thơ một thời, vẫn cứ vàng rực ở một cõi thẳm sâu nhất trong tâm hồn chị. Dáng vẻ yêu kiều mềm mại thiếu nữ cùng những gam màu vừa dịu dàng vừa da diết trong những bức tranh chị (Em xưa, Đợi chờ, Hoài mong, Ngày xưa hoa tím, Sinh nhật em, Mái nhà xưa...) có phải là hình bóng chị, hay chính là “điệu hồn” chị, một lần nữa, rung ngân trong cung bậc của sắc màu hội họa?
Hư ảo trong thơ, hư ảo trong tranh, có phải là cách để người đàn bà thơ Lê Thị Kim giải thoát và hạnh phúc? Đắm vào hư ảo, để giấu đi phiền muộn cuộc đời đa sự, đa đoan, giấu vào những khát khao còn nguyên tươi trẻ, sống hết mình trong khát khao ấy... Tôi nghĩ mình đã chạm vào cái “khoảng sân sau” của Lê Thị Kim, để cùng chia sẻ: “Khi làm thơ, tôi vẫn cảm thấy như mình đang lạc vào chốn nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói của mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi...” (Lời nhà thơ Lê Thị Kim).
HUỆ TRIỆU