Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,488,019 lượt

Bác sĩ trẻ giành cú đúp Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM

Bác sĩ Trần Văn Thiên đã giành cú đúp Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ 2 năm 2023, với giải nhất ở thể loại truyện ngắn và giải nhì tản văn.

 


Nhà văn Trịnh Bích Ngân phát biểu tại lễ trao giải Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ 2 năm 2023

 

Buổi lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ 2 năm 2023 diễn ra chiều 9-1, tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Những cây bút trẻ tràn đầy ý tưởng sáng tạo

Giải thưởng Văn học trẻ năm 2023 với chủ đề "Khởi nghiệp văn chương" nhằm lan tỏa tình yêu văn chương và đam mê sáng tác, đã nhận được 619 tác phẩm dự thi từ 357 cá nhân là sinh viên, học sinh từ 70 trường đại học, 60 trường THPT trên cả nước.

Đại diện Hội đồng giám khảo khởi nghiệp văn chương, nhà văn Trịnh Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - cho biết sau Giải thưởng Văn học trẻ lần 1 với nhiều ngỡ ngàng và hy vọng, giải thưởng lần thứ 2 tiếp tục với sự háo hức và sự dè dặt của một sân chơi không còn xa lạ với công chúng trẻ.

"Ngoài những cây bút đã đoạt giải, ở lần 2 vẫn tràn đầy ý tưởng sáng tạo, giải thưởng lần này đã xuất hiện thêm những cây bút đầy hứa hẹn. Trong 24 tác giả được vinh danh, tác giả nhiều tuổi nhất sinh năm 1995, còn tác giả ít tuổi nhất sinh năm 2007. Nghĩa là, Giải thưởng Văn học trẻ đã thực sự trở thành vườn ươm văn chương học trò, văn chương của độ tuổi đẹp nhất đời người" - bà Ngân nói.

Ở giải thưởng lần 2, có thể nói các tác phẩm tản văn rất đa dạng góc độ soi chiếu cuộc sống. Những buồn vui riêng tư được tương tác trực diện với nhịp điệu cộng đồng mà hiển lộ những bâng khuâng, những trìu mến, những ước vọng của giới trẻ hôm nay.

"Giải thưởng lần 2 có sự thành công nhất định, khi cuộc thi này đã nghe được những tiếng nói mới mẻ và chân thành về sự bền bỉ của lương tri trên hành trình vượt nhọc nhằn chông gai đi tới ngày mai" - bà Ngân nhận định.

Bác sĩ trẻ hai lần dự thi đều đoạt giải

Cũng theo nhà văn Bích Ngân, xét về tương quan giữa Giải thưởng Văn học trẻ lần 1 và lần 2, có thể nhận ra sự mạnh dạn tìm tòi của một số cây bút trẻ.

Đặc biệt Trần Văn Thiên vừa tốt nghiệp bác sĩ răng hàm mặt Trường đại học Y Dược TP.HCM dự thi Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần thứ 2 đoạt giải nhất ở thể loại truyện ngắn và giải nhì tản văn.

Tác giả Trần Văn Thiên ở lần 1 đã gây ấn tượng với chùm thơ ba bài "Soi mình lên nước mắt", "Giữa lòng đêm" và "Bay trên đồi dương liễu", thì ở lần 2 lại chinh phục bằng truyện ngắn "Cánh từ bi lặng im".

Nếu trong thơ, Trần Văn Thiên khắc khoải "Nơi đôi mắt làng chỉ một ô cửa còn thức / Đóa hoa nở nghẹn từng cánh phù dung" thì trong truyện ngắn lại phác thảo một không gian ám ảnh về kiếp người nổi trôi.

Truyện ngắn "Cánh từ bi lặng im" đưa người đọc vào một miền ngổn ngang của những dằn vặt, những bịn rịn và những lưu luyến. Quá trình chuyển đổi giới tính từ Văn Hạo sang Út Đào và những ruổi rong của gánh hát Hồng Hạc đã phơi bày bao nhiêu nghẹn đắng của kiếp người. Hình ảnh bông từ bi ẩn hiện trong tác phẩm, không chỉ nâng đỡ những thân phận bất hạnh, mà còn che chắn cho vẻ đẹp trường tồn của sự lương thiện và sự nhân ái.

 


PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải nhất Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần 2, năm 2023. Bác sĩ Trần Văn Thiên đứng hàng đầu, bìa phải

 

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi hơn 200 triệu đồng cho ba thể loại truyện ngắn, tản văn, thơ.

Kết quả Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TP.HCM lần 2, năm 2023 gồm có: 3 giải nhất trị giá 30 triệu đồng/giải, 3 giải nhì trị giá 20 triệu đồng/giải, 7 giải ba trị giá 5 triệu đồng/giải và 12 giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải.

THỂ LOẠI TẢN VĂN

- GIẢI NHẤT:  Tác phẩm “Những đường thẳng không người kẻ” – Trần Trọng Đoàn (Thuỵ Khải), sinh năm 2004, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh)

- GIẢI NHÌ: Tác phẩm “Rễ của sông” – Trần Văn Thiên, sinh năm 1999, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh)

- GIẢI BA:

+ Tác phẩm “Rau sam còn mọc trên đồng” – Nguyễn Văn Đức Anh, sinh năm 2007, Trường THPT Trần Văn Kỷ (Thừa Thiên Huế)

+ Tác phẩm “Tử tế vang bóng?” – Lê Thị Thùy Khánh (Gió Lạc), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh)

+ Tác phẩm “Chờn vờn sương sớm” – Võ Thị Hồng Hảo, sinh năm 2003, Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định)

- GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

+ Tác phẩm “Điểm tựa” – Đỗ Hoàng Nam (May), sinh năm 2002, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Ngày mai của ba” – Huỳnh Nguyễn Bảo Duy (Di), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Đừng bao giờ bỏ rơi chính mình” – Phan Thị Kim Uyên (Uyển Vãn), sinh năm 2006, Trường THPT Phan Văn Trị (Bến Tre).

+ Tác phẩm “Tôi và văn” – Ngô Thị Thanh Huyền, sinh năm 2002, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Khi cảm xúc lớn lên” – Lại Bích Phượng (A Mộng), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

 

THỂ LOẠI THƠ

- GIẢI NHẤT: Tác phẩm “Người lạ” – Lương Phan Huy Bảo (Phương Vỹ), sinh năm 2004, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

- GIẢI NHÌ: Tác phẩm “Gặt rừng” – Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Kình), sinh năm 2002, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Hà Nội).

- GIẢI BA:

+ Tác phẩm “Cơm Việt” – Đặng Quốc Triệu (Đặng Quốc Triệu), sinh năm 2005, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Mưa: giáng thế và đối thoại” – Trần Trọng Đoàn (Thuỵ Khải), sinh năm 2004, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “John Steinbeck độc thoại, vào một ngày tháng Bảy, kẻ mạo danh đứng trước mặt ông.” – Trần Thị Lan Anh (Cẩm tú cầu), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

- GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

+ Tác phẩm “Một bữa về nhà” – Võ Đăng Khoa, sinh năm 2001, Học viện Cảnh sát nhân dân (Hà Nội).

+ Tác phẩm “Không tựa” – Trần Duy Bảo Khang (Vĩ Hạ), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Bay lên vì sao cuối cùng” – Nguyễn Minh Hoàng (Thần Ánh Sáng), sinh năm 1995, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh)

+ Tác phẩm “Hồng tô thủ” – Vũ Ngọc Đan Linh (Vũ Ngọc Đan Linh), sinh năm 2006, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Hà Nội).

+ Tác phẩm “Cái bóng” – Lương Quỳnh Bảo Ngọc (Huyền Cầm), sinh năm 2004, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

 

THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN

- GIẢI NHẤT: Tác phẩm “Cánh từ bi lặng im” – Trần Văn Thiên, sinh năm 1999, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

- GIẢI NHÌ: Tác phẩm “Sắc xanh” – Trần Minh Tâm (Mộng Xanh), sinh năm 2002, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh).

- GIẢI BA: Tác phẩm “(16+)” – Nguyễn Ngọc Minh Châu (Minh Châu), sinh năm 2002, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

- GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

+ Tác phẩm “Vòng vèo hay chùng chình” – Lê Ngọc Vương Triệu (khung thương), sinh năm 2002, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

+ Tác phẩm “Tiếng đàn violin của cô gái trên sân thượng” – Nguyễn Ngọc Khánh Nguyên (Bạc hà bé nhỏ), sinh năm 2004, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh).

TRẦN HUỲNH/ Theo Tuổi Trẻ

Top