Vanvn- Ngày 15.02.2025, tại Hà Nội, Nhóm Nhân sĩ Hà Đông cùng với NXB Hội Nhà văn tổ chức ra mắt trường ca “Lò mổ” và trưng bày 18 bức tranh trong bộ tranh “Nguyện cầu” của nhà thơ, hoạ sĩ Nguyễn Quang Thiều.
Tác phẩm “Lò mổ” được hoàn thành vào Noel năm 2016, sau 9 năm bản thảo vẫn được giữ nguyên, không chỉnh sửa gì.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi ra mắt trường ca Lò Mổ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết rất nhiều thể loại: truyện ngắn, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu thuyết, tiểu luận, báo chí…, nhưng thơ với ông vẫn là sự mê đắm đặc biệt. Sau tác phẩm “Nhật ký người xem đồng hồ” xuất bản đầu năm 2024, ông tiếp tục ra mắt độc giả tập trường ca “Lò mổ’. Tập trường ca này không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại. Trường ca “Lò mổ” được hoàn thành vào năm 2016, với ý tưởng được lên từ rất sớm, khi ông cùng cha ghé vào một lò mổ ở ngoại ô Hà Đông.
Đến dự sự kiện đặc biệt này có Ngài Kohdayar Marri – Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Pakistan tại Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Xuân Phong, nhà thơ Thuận Hữu – Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, AH LLVT Trung tướng Nguyễn Đức Soát, các nhà thơ Trần Đăng Khoa; Trần Hùng, Phan Hoàng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hữu Việt, nhà thơ Bruce Weigl, người dịch trường ca ‘’Lò mổ” sang tiếng Anh, cùng rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bạn đọc yêu mến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Thay lời chào mừng, chúc mừng ban tổ chức dành tặng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bản nhạc AveMaria được nghệ sĩ Flute Lê Thư Hương và nghệ sĩ Piano Nguyễn Thành Chung (con trai nhà văn Trung Trung Đỉnh) trình bày.
Tại sự kiện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tinh thần mang theo trong “Lò mổ” là một câu hỏi: “Đời sống tôi đang sống có thực sự là một đời sống?”. Viết chỉ là một hành động mang tính cá nhân. Ngay cả khi những trang viết được công khai với bất cứ hình thức nào cũng chỉ là hành động của cá nhân. Tôi “cá nhân hoá” toàn bộ “Lò mổ”. Việc này đúng với tất cả các nhà thơ. Mỗi cá nhân nhà thơ đều tìm cách ” thi ca hoá” đời sống cá nhân mình. Đấy là Tự do. Đấy là sáng tạo. Và điều đó làm nên nghệ thuật.
“Lò mổ” là một hiện thực. Tôi đã đến cái lò mổ ấy trên một cánh đồng ngoại ô. Tôi đã nhìn thấy những cái đầu bò bị cắt, những con bò được xả thịt, những chum sành dựng tiết bò. Và một lần tôi nhìn thấy một đôi mắt bò vẫn mở trên cái đầu bị cắt. Lúc đó tôi chợt nhận ra một cái gì đó mà tôi chưa từng nhìn thấy, chưa từng xẩy ra trước đó.
Mỗi người bước vào lò mổ mang theo một cảm xúc và cảm giác hoặc ám ảnh của riêng mình: chủ lò mổ, người làm thuê, người gác cổng, kế toán viên, nhân viên vệ sinh, những người buôn bán lẻ…Mỗi người bước vào lò mổ nhìn thấy câu chuyện của riêng mình. Và thế giới của họ hiện ra.
Trường ca Lò Mổ được Nxb Hội Nhà văn phát hành với 1000 bản in màu đặc biệt đính kèm 18 bức tranh phụ bản – Postcad.
Và trong cơn ác mộng của mình, tôi lại bước vào lò mổ một lần nữa. Lần này tôi nhìn thấy những con bò xếp hàng, trò chuyện và bước tới để nhận cái chết, tôi nghe thấy tiếng những con bò rống vang khi bị chọc tiết, tôi nhìn thấy máu chảy xối xà, tôi nghe tiếng bầy ruồi đồng ca, tôi nhìn thấy linh hồn những con bò bay qua ô cửa sổ lò mổ về phía cánh đồng trên cao. Có gì đó đau đớn, bi thương, kỳ vĩ xuất hiện. Rồi tôi nhận ra đó là thi ca.
Và tôi ngồi xuống kể câu chuyện về những gì tôi chứng kiến trong đời sống, trong những đêm mộng mị và trong cả cơn bệnh tật tinh thần lúc nào đó của tôi. Tôi viết xong trường ca này năm 2016. Và tôi không sửa chữa bất cứ đoạn nào, chương nào cho đến tận bây giờ. Tôi không muốn ý chí can thiệp vào cơn ‘’mộng mị’’ của tôi khi tôi viết trường ca này. Tôi muốn tất cả những năm tháng đó của tôi được lưu giữ trong văn bản này. Đấy là mục đích của tôi. Và tôi không dám hy vọng tìm được cơ hội để chia sẻ câu chuyện này với một ai ngoài tôi.”
Mỗi chương trong “Lò mổ” được tượng trưng bằng một bức tranh và tất cả đều mang tên “Nguyện cầu”. Đây là một cách tôi thể hiện niềm mong mỏi của mình – mong rằng, trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Tôi muốn người đọc không chỉ nhìn tranh, mà còn cảm nhận được những suy tư mà tôi gửi gắm trong mỗi tác phẩm và hy vọng chúng sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật.
Tại ra mắt sách nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu: Đây là cuốn sách có sự chuẩn bị rất kỹ, trong cuốn sách có cả trình bày, vẽ tranh, biến những trang thơ thành bức tranh để cho chúng ta có tranh để ngắm, có chữ để đọc, có điều để suy nghĩ. Nhà thơ Mai Văn Phấn đánh giá trường ca “Lò mổ” là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Trường ca “Lò mổ” sẽ góp phần thay đổi tư duy của những người viết trường ca, đặc bệt là các nhà thơ trẻ.- Nhà thơ Phan Hoàng.
Nhà văn Phạm Lưu Vũ cảm nhận “Lò mổ” khiến người đọc phải định nghĩa lại khái niệm trường ca, đây là sự dũng cảm dấn thân và bứt phá. Lò mổ thách thức mọi độc giả, tất cả những khái niệm về thi pháp là không tiếp cận được. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl nhận xét Lò mổ là một kiệt tác của thi ca đương đại, một bản cáo trạng không khoan nhượng đối với những sai lầm của nhân loại.Trường ca này đại diện cho một cử chỉ thi ca can đảm vì nó tự lập về mặt tinh thần, nó từ chối đầu hàng những yêu cầu của truyền thống, và cho phép người đọc cảm nhận được thế giới trong hình thức gan góc nhất, sự thô sơ của sự thật thể hiện qua cách mà ta không thể bỏ qua.
Họa sĩ Đào Hải Phong cảm nhận được sự đồng cảm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông chia sẻ tranh của Nguyễn Quang Thiều rất giỏi trong việc bẻ không gian của mình, không còn tuân thủ theo luật xa gần, điều đó gợi cho người xem khai thác ở họ sự tưởng tượng, đó là một bản năng rất mạnh, một tinh thần học hỏi rất duy mỹ mới làm được những điều này.
Tại sự kiện còn nhận được rất nhiều góc nhìn đánh giá khác nhau về tập trường ca của nhà văn Văn Chinh, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Ngọc Tiến, họa sĩ Thành Chương….Sự kết hợp giữa thơ ca và hội họa, đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc, đầy triết lý và nhân văn có trong tập trường ca này.
Nguyện cầu, màu nước trên giấy Pháp, khổ 11 x 130cm, vẽ từ cảm hứng của chương 9 (Không được phép chạy trốn) trong trường ca “Lò mổ” – Chương này là cuộc trò chuyện giữa một người đàn bà và một người đàn ông về tình yêu, nỗi sợ hãi, niềm hy vọng trong thế gian họ đang sống.
Thay mặt ban tổ chức, nhà thơ Lương Tử Đức đã có một phần phóng tác tại chỗ bản “Opera Việt Nam” trên những áng thơ của Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Bruce Weigl chia sẻ quá trình dịch tác phẩm và đọc song ngữ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều một chương trong trường ca “Lò mổ”.
Nhà thơ Lữ Mai và Minh Cường đọc chương 9 (Không được phép chạy trốn) trong trường ca “Lò mổ” với nền nhạc ngẫu hứng của nghệ sỹ Viola Nguyệt Thu trong buổi ra mắt sách.
Chụp hình lưu niệm tại buổi ra mắt tập trường ca “Lò mổ”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam tặng hoa chúc mừng buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
THANH BÌNH/ Theo Vanvn.vn