Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,461,015 lượt

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký ra mắt tập thơ về kỹ năng sống

79 bài thơ trong tập 'Lời vàng trao con' của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký là những bài học kỹ năng sống giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ với các em nhỏ. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký là nhân vật quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam.

 

Nhiều thế hệ trẻ Việt Nam đã được nuôi dưỡng và tiếp lửa ước mơ bởi tập hồi ký Những năm tháng không quên (sau này đổi thành Tôi đi học) của người thầy giáo viết bằng hai chân Nguyễn Ngọc Ký. Cuốn sách ra đời từ năm 1970, đến nay vẫn là cuốn sách gối đầu giường của nhiều độc giả, là cuốn cẩm nang sống mạnh mẽ và không ngừng khát vọng bất chấp nghịch cảnh cuộc đời.

 

Nhà sách Tân Việt và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội vừa cho ra mắt cuốn Lời vàng trao con của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Tác phẩm gồm 79 bài thơ được chia làm 7 chương: Biết yêu thương mọi người; Biết yêu thiên nhiên, đất nước; Biết học tập tốt, lao động tốt; Biết rèn các đức tính tốt; Biết giữ vệ sinh, an toàn, nền nếp, kỷ cương; Biết tránh xa thói xấu và Biết giao tiếp ứng xử. Phần lớn các bài thơ được viết theo lối lục bát hoặc thơ 5 chữ, với lời thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ và dễ ứng dụng trong trường học ở các lứa tuổi mầm non và thiếu niên nhi đồng.

 

 

Với kinh nghiệm của một nhà giáo đã có 1.493 buổi thuyết trình về lẽ sống với thanh thiếu niên, thầy Nguyễn Ngọc Ký có một lối trò chuyện rất riêng trong tập sách này. Đó là những lời thơ gần gũi như lời tỉ tê, vừa có sự dí dỏm chiêm nghiệm của một người thầy 70 tuổi, vừa có sự trong trẻo hồn nhiên và tươi trẻ đến lạ thường. Sự trong trẻo hồn nhiên ấy khiến từng bài học không bị biến thành câu chữ giáo điều nặng tính dạy dỗ bề trên mà nhẹ nhàng thủ thỉ kiểu bạn bè rỉ tai nhau.

 

Trong 79 bài thơ của Lời vàng trao con, phần nhiều là những cuộc trò chuyện tỉ tê như thế, với thông điệp được giấu đi khéo léo nhưng vẫn dễ dàng cảm nhận thấy sau lớp vỏ ngôn từ dung dị. Bởi thế mà càng đọc càng thấy thích thú. Người đọc cũng không thấy “vấp”, thấy “sượng”, thấy khiên cưỡng khi tiếp nhận thông điệp ấy. Mà dạy bảo trẻ con, khó nhất chính là làm thế nào để chúng tiếp nhận bài học một cách tự nhiên, hay đúng hơn là để chúng tự tìm ra bài học sau những cuộc chuyện trò.

 

 

Bài Quả chuối nhỏ được viết ở thể thơ ba chữ nhịp nhàng như đồng dao dưới đây là một ví dụ như thế: “Quả chuối nhỏ/ Bé bóc vỏ/ Mời bố xơi/ Bố mỉm cười/ Nhường phần mẹ/ Mẹ lặng lẽ/ Đưa biếu bà/ Bà cười xòa/ Dành tặng bé/ Ồ, lạ thế/ Quả chuối thôi/ Cả nhà vui/ Ăn chẳng hết

 

Những cuộc trò chuyện tâm tình như thế này có thể dễ dàng tìm thấy trong 7 chương của Lời vàng trao con. Dù là những vấn đề khó nói một cách lọt tai với những đứa trẻ tuổi ẩm ương, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn tìm được lối khơi gợi tỉ tê thích hợp để trẻ chuyển từ tâm lý “phải nghe” sang “lắng nghe”, từ khiên cưỡng vâng dạ đến chủ động tiếp nhận. Đó là cái nghề của một người thầy đã dành cả đời đứng trên bục giảng và bục thuyết trình để truyền lửa cho thế hệ trẻ, giúp họ nhận diện cuộc sống, chia sẻ với họ về cách sống, tiếp cho họ nghị lực sống.

 

 

Hơn 4 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Ký không còn khỏe mạnh. Mỗi tuần thầy đều đặn vào viện chạy thận 3 lần. Ấy vậy mà thầy vẫn lạc quan, vẫn viết sách, vẫn đi giao lưu diễn thuyết. Mọi chướng ngại, trắc trở, khó khăn của cuộc sống với thầy chỉ như là lửa thử vàng mà thôi. Bởi có “chất sống vàng mười ấy”, mà khi nói về kỹ năng sống, những lời của thầy Nguyễn Ngọc Ký không bị rơi vào sáo rỗng.

MAI ANH

Top