Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,481,902 lượt

Một góc nhìn văn nhân Bình Định

Xưa nay, các nhà văn vẫn thường viết về nhau. Những bài viết của họ luôn là một kênh thông tin thú vị, giúp ích rất nhiều cho người đọc trong việc nắm bắt đặc điểm hoạt động sáng tạo, giá trị tác phẩm và bản sắc ngòi bút của nhà văn mà mình yêu thích. Giá trị cuốn sách của Lê Hoài Lương, trước hết, nằm trong tinh thần chung đó.

Tuy nhiên, đây là cuốn sách của một nhà văn Bình Định viết về những nhà văn Bình Định khác, sáng tạo và thành danh trong thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI này. Theo đó, có 52 văn nhân được tác giả lựa chọn giới thiệu, hầu hết đều sinh trưởng ở Bình Định, số ít còn lại từ nơi khác đến nhưng thành danh ở mảnh đất này. Cho nên, vượt lên cái ý nghĩa văn chương thông thường, cuốn sách của Lê Hoài Lương còn là tấm lòng của nhà văn với quê hương. Đọc cuốn sách, tôi thấy trên mỗi trang văn đều thấp thoáng niềm tự hào của tác giả về Bình Định, mảnh đất không chỉ nổi tiếng về truyền thống thượng võ mà còn là nơi sản sinh và hội tụ của nhiều văn tài.

 

Như vậy, Bình Định là “căn cước văn hoá” làm nên nét riêng của cuốn sách chân dung, tiểu luận phê bình đầu tiên này của nhà văn Lê Hoài Lương. Chính trên cơ sở đó, anh sẽ tạo lập điểm nhìn để tập hợp, xét đoán và bình luận về các văn nhân Bình Định. Lê Hoài Lương là người chịu đọc, giao tiếp rộng nên anh có vốn văn phong phú, kiến văn rộng mở. Nhờ thế, anh có nhiều thuận lợi khi dựng chân dung các nhà văn cũng như phê bình tác phẩm của họ.

Khác người làm nghiên cứu, Lê Hoài Lương không chịu để các lí thuyết phê bình văn học chi phối mà chọn lối viết tự nhiên, dựa vào các ấn tượng để kiến tạo sức mạnh cho từng lời văn. Chính điều đó đã tạo nên những điểm nhấn cần thiết để cho mỗi bức chân dung dù chỉ có vài nét vẽ vẫn toát lên được cái thần thái, cái đáng lưu giữ vào tâm trí bạn đọc. Có thể nói, mỗi một ấn tượng của Lê Hoài Lương đều ít nhiều làm toát lên được vẻ riêng của từng nhân vật, khiến cho họ không bị trộn lẫn giữa nhiều văn nhân thi sĩ khác. Làm được điều này không dễ, đòi hỏi người viết phải có kiến văn rộng và năng lực cảm thụ tinh tế. Thêm nữa, người cầm bút cũng cần có bản lĩnh, biết cách khen chê thiện chí để mọi giá trị được hiện ra một cách chân thực như nó vốn có.

Cá nhân tôi đánh giá cao Lê Hoài Lương về mặt này. Đọc anh, dù về bất cứ văn nhân nào, cũng đều bắt gặp những phát hiện độc đáo cả trong văn chương lẫn đời thường. Chẳng hạn, với thi sĩ Lê Văn Ngăn, anh thấy có một sự “đối nghịch” đến ngạc nhiên giữa con người đời thường “bé mọn”, “tẻ nhạt” với thi ca “lừng lững” đầy sức mạnh. Theo anh, “thơ Việt thế kỉ XX, nhất là trước năm 1975, chỉ vài người gây chấn động mạnh trong tôi đến nay như Lê Văn Ngăn” (tr.240). Khi nói về nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên, Lê Hoài Lương cũng cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa đời thường và thi ca. Có điều, đó là một quan hệ theo chiều thuận, hiện thực đời sống làm nảy sinh bản sắc thi ca. Cụ thể, việc làm thơ của thi sĩ họ Khổng này bị thôi thúc bởi, bị đoạ đày bởi nỗi ám ảnh tình – cơm. Và anh cũng lưu ý bạn đọc rằng, “Khổng ngông vì tình thế chứ không phải tính ngông, thích ngông”. Tôi nghĩ, đó là một lưu ý cần thiết, chứa đựng một thông điệp về cách nhìn nhận, đánh giá con người nghệ sĩ.

Đối với những văn nhân đã quá nổi tiếng như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử…, Lê Hoài Lương vẫn có được ý kiến của riêng mình. Ví như, khi viết về Chế Lan Viên, anh thể hiện thái độ trân trọng đối với những đóng góp của Chế vào thành tựu thi ca Bình Định. Anh ngưỡng mộ cái thông minh, trí tuệ của Chế Lan Viên nhưng cho rằng “không phải thông minh, trí tuệ bao giờ cũng có lợi cho thơ” (tr.62). Với Xuân Diệu, anh nói mạnh “không cảm thông, không xẻ chia gì cả” nhưng thấu hiểu nỗi “cô độc đến tận cùng”, “càng cố gắng càng cô độc” (tr.933)…

Văn nhân Bình Định một góc nhìn là một thành tựu mới của ngòi bút Lê Hoài Lương, cố nhiên, không phải ở lĩnh vực văn chương hình tượng mà là ở thể loại chân dung tiểu luận phê bình. Với phong cách nghệ sĩ – báo chí, tiểu luận phê bình của Lê Hoài Lương đã và đang được dư luận đánh giá cao.

Tôi cho rằng, đây là một công trình có giá trị về nhiều mặt, một kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của tác giả trong việc làm nổi bật vẻ đẹp văn chương của một vùng đất vốn xa xưa đã là nơi hội tụ của nhiều bậc kì tài, nơi phát sinh chữ quốc ngữ… Tấm lòng ấy, văn tài ấy thật đáng trân trọng!

Giá trị của Văn nhân Bình Định một góc nhìn, theo tôi, còn ở khả năng gợi mở, khuyến khích sáng tạo những công trình tương tự tiếp nối, hoặc do chính tác giả thực hiện, hoặc do các cá nhân khác hưởng ứng. Sở dĩ khẳng định như vậy là vì, cuốn sách tuy đã giới thiệu tới 52 gương mặt văn nhân Bình Định nhưng rõ ràng là chưa đầy đủ. Thứ nữa, cũng cần giới thuyết chặt chẽ hơn khái niệm “văn nhân Bình Định” để mọi nhân vật được lựa chọn đều thực sự xứng đáng, thực sự là niềm tự hào của nhân dân Bình Định.

Hầu hết các bài viết của Lê Hoài Lương trước khi đưa vào sách đều đã được đăng tải trên báo chí trung ương và địa phương. Vì thế, tính thời sự là một đặc điểm của các bài viết, đôi khi lại không còn phù hợp nữa khi đặt trong một hệ thống chung, quy mô hơn. Theo suy nghĩ đó, với trường hợp bài viết Tác giả "Sông côn mùa lũ" đã qua đời nên chăng cần được chỉnh sửa để câu chuyện về nhà văn Nguyễn Mộng Giác mang một sắc thái mới, phù hợp hơn với hoàn cảnh xuất bản của cuốn sách.

Tôi nghĩ tác giả Văn nhân Bình Định một góc nhìn cũng đã ý thức rõ về những điều đó. Và anh chắc cũng đã có kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung để những lần in sau, cuốn sách sẽ thực sự là một ấn phẩm hoàn toàn ưng ý.

TS.LÊ NHẬT KÝ

(Nhân đọc sách "Văn nhân Bình Định một góc nhìn của Lê Hoài Lương, NXB Hội Nhà văn 2015)

 

Top