Đơn vị đồng hành
Truy cập: 11,146,223 lượt

Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết công tác văn học năm 2024

Sáng 12.12.2024 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, một dấu mốc quan trọng để nhìn lại những thành tựu trong năm qua và định hướng cho năm 2025.

Sự kiện quy tụ nhiều đại biểu từ các ban ngành trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ trong Ban chấp hành và các hội đồng chuyên môn.

Trong báo cáo tổng kết hoạt động văn học năm 2024, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhấn mạnh đây là năm cuối của nhiệm kỳ X (2020-2025), gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Trong năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều hoạt động chuyên môn, bao gồm Ngày Thơ Việt Nam, Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V, các đại hội chi hội nhà văn tại địa phương, và trao giải thưởng văn học.

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu.

 

Công tác xét giải thưởng văn học và kết nạp hội viên trong năm được đánh giá cao về tính hiệu quả và trách nhiệm của các hội đồng chuyên môn. Nhà thơ Trần Hùng, Ủy viên Ban chấp hành, đại diện Ban Công tác Hội viên, cũng chia sẻ về những nỗ lực củng cố hệ thống chi hội và phát triển hội viên trẻ trong năm qua.

Trong báo cáo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nhận định nhiều tác phẩm nổi bật đã xuất hiện trong năm qua, nhưng ông cũng mong muốn những tác phẩm này có “sức sống dài hơn” và có thể được đánh giá lại qua thời gian. Nhiều giai đoạn văn học đã cho thấy các tác phẩm được giải của Hội Nhà văn có khả năng tạo dấu ấn sâu đậm và có sức sống bền lâu (ví dụ các tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” (Tác giả Bảo Ninh); “Bến không chồng” (Tác giả Dương Hướng))…, điều mà Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục hướng tới.

Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến hành các đại hội cơ sở để chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa XI dự kiến diễn ra vào tháng 4.2025. Ban Chấp hành cũng đã mở mục “Tiến tới đại hội” trên trang web chính thức của Hội, nhằm tiếp nhận ý kiến đóng góp từ hội viên. Theo dự kiến, Đại hội khóa XI sẽ là Đại hội toàn thể – một sự kiện lớn quy tụ hơn 1.000 hội viên tham gia, nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, kết thúc chiến tranh. Đây là dịp để Hội Nhà văn nhìn lại hành trình 50 năm phát triển văn học từ sau ngày đất nước thống nhất và chuẩn bị bước vào giai đoạn mới với những chiến lược và khát vọng lớn.

 

Ông Kiều Cao Chung – Ban tổ chức Trung ương phát biểu

 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh, đại hội không chỉ là dịp để nhìn lại 50 năm phát triển của văn học Việt Nam, mà còn là cơ hội xác lập vị thế mới và hướng tới những giá trị nổi bật hơn trong tương lai. Theo ông, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các đại hội cơ sở đã gợi mở những vấn đề cần giải quyết, đồng thời khơi nguồn cho các kế hoạch chiến lược của nhiệm kỳ mới.

Trong báo cáo tổng kết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đồng thời nhấn mạnh những thách thức của văn học trong bối cảnh hiện nay. Nói về nhịp độ phát triển của nền văn học, ông cho rằng có sự chậm trễ so với kỳ vọng của bạn đọc và nhu cầu phát triển của xã hội. Điều này đòi hỏi một sự chuyển mình mạnh mẽ hơn từ các nhà văn và các cơ quan quản lý văn học. Ông cũng bày tỏ khát vọng có nhiều nguồn lực đầu tư cho văn học, nhấn mạnh việc trẻ hóa đội ngũ nhà văn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

 

Nhà thơ Trần Hùng – Ủy viên Ban chấp hành, đại diện Ban công tác Hội viên, cũng chia sẻ về những nỗ lực củng cố hệ thống chi hội và phát triển hội viên trẻ trong năm qua. Ảnh Trương Anh Quốc

 

Báo cáo về công tác phát triển hội viên, nhà thơ Trần Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Tổ Chức hội viên cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, đã có 210 hội viên được kết nạp, nhưng tỷ lệ nhà văn trẻ vẫn còn ít. Hệ thống chi hội được mở rộng với 51 chi hội trên cả nước, nhưng vẫn có 17 tỉnh chưa có chi hội. Một số địa phương chưa đủ điều kiện để thành lập chi hội do thiếu nhân sự, trong đó có 10 tỉnh không đủ ba hội viên trở lên. Điều này phản ánh sự chênh lệch trong phát triển văn học ở các vùng miền.

Nhà thơ Trần Hùng cũng nhấn mạnh rằng vấn đề trẻ hóa đội ngũ ngoài việc kết nạp thêm hội viên trẻ còn cần đẩy mạnh bồi dưỡng tài năng qua các trại sáng tác, các lớp đào tạo chuyên môn và cơ hội hợp tác quốc tế.

 

Nhà thơ Hữu Việt – Ủy viên Ban chấp hành, đại diện Ban Đối ngoại, đã nêu bật những thành tựu trong việc hợp tác quốc tế. Ảnh Trương Anh Quốc

 

Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng. Nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành đại diện Ban Đối ngoại, đã nêu bật những thành tựu trong việc hợp tác quốc tế. Các hoạt động hợp tác với đại học Harvard về tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh hay thủ tục trao Huân chương Hữu nghị cho những nhà văn cựu binh Mỹ đã tạo được tiếng vang. Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam còn mở rộng quan hệ với các đối tác mới như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ và một số tổ chức ngoại giao văn hóa khác. Điều này khẳng định vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế và mở ra cơ hội để các nhà văn trẻ học hỏi và phát triển.

Nhà thơ Hữu Việt cũng nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, cần thêm các nguồn lực hỗ trợ để quảng bá các tác phẩm văn học chất lượng ra quốc tế. Ông đề xuất tổ chức thêm các trại sáng tác văn học và tăng cường cơ hội để các nhà văn trẻ được đi đào tạo, giao lưu văn hóa tại nước ngoài. Việc này giúp nâng cao năng lực sáng tác và tạo sự kết nối giữa văn học Việt Nam và thế giới.

 

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác văn học năm 2024

 

Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam đã đánh giá những thành tựu đã đạt được, nhắc lại những nhiệm vụ còn dang dở. Trong năm 2025, định hướng đổi mới, trẻ hóa đội ngũ nhà văn, và nhân rộng ảnh hưởng của văn học Việt Nam đang là những ưu tiên hàng đầu. Các hoạt động trong năm 2025, đặc biệt là Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề “Tổ quốc bay lên” kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sẽ là một điểm nhấn quan trọng. Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và xã hội để đưa văn học Việt Nam vươn xa hơn trong kỷ nguyên mới.

Hội nghị còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực về công tác chi hội, tư cách pháp nhân của chi hội, vấn đề xã hội hóa,….. của các nhà văn, chi hội trưởng đến từ các vùng miền khác nhau, nhà thơ Phan Hoàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Quý ở Quảng Trị, Lê Văn Thiềng ở Kon Tum, Viên Lan Anh ở Thanh Hóa, Lê Toán ở Quảng Ninh, Lê Đình Trường ở Cà Mau.

 


Nhà thơ Phan Hoàng - Uỷ viên Ban chấp hành - Giám đốc, chủ biên vanvn.vn phát biểu

 

Trong buổi chiều cùng ngày, các Hội đồng, Ban chuyên môn, sẽ tiến hành họp để xét giải thưởng, xét kết nạp hội viên, cũng như đề ra phương hướng hoạt động cho thời gian tới.

SK/ Theo vanvn.vn

Top