Tập thơ ‘Muôn lời thiên nhiên’ là tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Ngọc Khương vừa ra mắt tại hội trường B2 Trụ sở Liên hiệp Các Hội VHNT TPHCM vào sáng 22/9. Đây cũng là tác phẩm văn học thứ 17 của anh dành tặng cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu năm nay.
Đến dự buổi Tọa đàm và ra mắt có nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và 2 Phó Chủ tịch Bùi Anh Tấn, Trầm Hương cùng những đồng nghiệp văn chương; Trần Quốc Toàn, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Thái Sơn, Lê Thị Kim, Cao Chiến, Tố Hoài, Xuân Trường, Nguyên Hùng, Bùi Phan Thảo, Lê Luynh, Phùng Hiệu, Lê Thiếu Nhơn, Phương Huyền, Nguyễn Thánh Ngã, Phạm Phương Lan... đã tham dự tọa đàm về tập thơ và trân trọng sự đóng góp lặng lẽ của nhà thơ Ngọc Khương cho dòng thơ thiếu nhi.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu mở màn buổi ra mắt
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, nhà văn Bích Ngân đánh giá về tác phẩm và tác giả Ngọc Khương: “Phẩm chất nhà giáo thường trực trong tư cách nhà thơ, khiến Ngọc Khương xem công việc sáng tác cho các em nhỏ cũng là một trách nhiệm cao quý. Nói cách khác, nhà thơ Ngọc Khương chưa bao giờ bỏ rơi đối tượng thiếu nhi trên con đường cầm bút của mình. Có lẽ, chính từ tuổi thơ bơ vơ phải chấp nhận hoàn cảnh cách xa cha mẹ mà sống lủi thủi với bà nội, nhà thơ Ngọc Khương thấu hiểu giá trị nâng đỡ của thi ca trong quá trình nuôi dưỡng sự khôn lớn cho trẻ em… Thơ thiếu nhi chỉ là một mảng trong sự nghiệp của nhà thơ Ngọc Khương, thế nhưng, thơ thiếu nhi được ông gửi gắm nhiều tâm tư sâu lắng, như sứ mệnh bồi đắp nhân cách trưởng thành cho thế hệ tương lai”.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa chúc mừng tác giả
Còn nhà Lý luận Phê bình Lê Thiếu nhơn nhận xét: "Tập thơ “Muôn lời thiên nhiên” tiếp nối mạch nguồn yêu thương của nhà thơ Ngọc Khương dành cho thiếu nhi. Qua mỗi bài thơ, từng “lời thiên nhiên” cũng là lời thầy nói với trò, lời cha nói với con, lời ông nói với cháu. Thơ thiếu nhi của Ngọc Khương không giáo điều mà thủ thỉ, không rao giảng mà tâm tình, không răn dạy mà sẻ chia. Vì vậy, mỗi thông điệp, mỗi câu chuyện đều đi thẳng vào độc giả nhí một cách mềm mại. Điều đặc biệt là nhà thơ Ngọc Khương làm được cả 2 thể loại thơ, thơ thiếu nhi và thơ dành cho người lớn, trong khi rất ít nhà thơ có thể thực hiện được cùng lúc 2 thể loại song song như thế”.
Nhà thơ Ngọc Khương sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, nhà thơ Ngọc Khương có nhiều năm dạy học ở quê nhà trước khi chuyển vào TP.HCM định cư. Tính từ tập thơ đầu tay “Trăng nghiêng” xuất bản năm 1994 đến nay, nhà thơ Ngọc Khương đã có 30 năm tham gia trực tiếp với hoạt động sáng tác văn học tại đô thị phương Nam.
Nhà thơ Ngọc Khương chia sẻ về công việc sáng tác thơ thiếu nhi
17 tác phẩm đã xuất bản, không chỉ giúp công chúng và đồng nghiệp hình dung một nhà thơ Ngọc Khương luôn mang nặng ân tình và cháy bỏng với thi ca mà còn chứng minh một nhà thơ Ngọc Khương luôn nỗ lực gìn giữ tâm hồn trong trẻo để viết những câu thơ trìu mến cho thiếu nhi.
Quan niệm về thơ, nhà thơ Ngọc Khương chia sẻ: “Thơ là phần hồn, là tiếng nói tâm linh được phát sáng qua khoảnh khắc thăng hoa của cảm xúc, là tiếng vọng khẽ khàng của hạnh phúc và đắng cay. Thơ phải trong sáng, giản dị, chân thật và ngôn ngữ cần đạt tới sự lung linh, huyền ảo”.
PHÙNG HIỆU/ Theo Hội Nhà văn TP.HCM