TTO - Nhà văn Bích Ngân vừa được Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ VIII (2020-2025) tín nhiệm bầu làm chủ tịch, trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn thành phố.
Đại hội lần thứ VIII của Hội Nhà văn TP.HCM diễn ra trong hai ngày 14 và 15-1-2021 sau ba lần phải hoãn vì công tác nhân sự chưa bàn bạc xong.
Những chia rẽ gây tổn thất cho sinh hoạt văn chương
Phát biểu tại phiên đại hội trù bị hôm 14-1, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ VII Trần Văn Tuấn thừa nhận Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ ông làm chủ tịch đã trải qua nhiều khó khăn. Nổi bật là các vụ khiếu kiện, tố cáo cá nhân, sự chia rẽ mất đoàn kết... Có lúc hoạt động của Hội Nhà văn đã bị ảnh hưởng, thể hiện qua việc trang web chính thức của hội bị gián đoạn hoạt động và phải thay đổi tên miền (domain).
Ngay cả cụm từ "Văn Chương Phương Nam" (vanchuongphuongnam) trong tên gọi và tên miền của trang web Hội Nhà văn TP.HCM hiện tại cũng có ý kiến cho rằng như vậy chưa ổn. "Nếu trang web như là một kênh thông tin và nơi lưu trữ dữ liệu chính thức của hội thì nên mang tên là Hội Nhà văn TP.HCM thôi, khái niệm 'văn chương phương Nam' hàm nghĩa rộng và gây hiểu nhầm rằng website này đại diện cho các tỉnh thành khác nữa cùng ở khu vực phía Nam" - một nhà văn không nêu tên nêu nhận xét.
Hoạt động đáng ghi nhận cùa hội trong nhiệm kỳ vừa qua là đã thành lập 4 chi hội trực thuộc gồm: Chi hội Sài Gòn, Bến Nghé, Gia Định, Chợ Lớn. Đồng thời, hội cũng duy trì được giải thưởng hằng năm để ghi nhận thành quả sáng tác và tôn vinh các nhà văn trẻ và các nhà văn cao tuổi có nhiều đóng góp cho văn học thành phố.
Câu chuyện nhân sự của Hội Nhà văn TP.HCM trong nhiệm kỳ vừa qua và trong lúc chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ VIII có nhiều vấn đề, tựu trung chính là tinh thần thiếu đoàn kết khiến sinh hoạt văn chương đã bị tổn thất ít nhiều.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xin rút khỏi Ban chấp hành
Câu chuyện càng thêm kịch tính khi ra đại hội, 4 thành viên ban chấp hành cũ là nhà văn Phan Hoàng, nhà thơ Trương Nam Hương, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà văn Trần Nhã Thụy xin rút để không ứng cử vào ban chấp hành mới. Một chi tiết bất ngờ nữa là sau khi phiên trù bị bầu ra ban chấp hành mới gồm 11 người vào cuối ngày 14-1, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xin rút khỏi ban chấp hành dù phiếu bầu của ông khá cao. Đây là diễn biến ngoài dự liệu của mọi người, bởi nhà thơ Phạm Sỹ Sáu ngay từ đầu vẫn ở lại ứng cử khóa mới, số phiếu bầu được cao.
"Khi có kết quả bầu cử, tôi cảm thấy mình không phù hợp với ban chấp hành mới nữa nên xin rút" - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu phát biểu bên lề đại hội khi được hỏi tại sao ông không rút tên khi ứng cử mà khi đắc cử xong lại rút. Tại phiên chính thức của đại hội, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cũng chính thức thông báo xin rút khỏi ban chấp hành, và chúc ban chấp hành mới làm việc trong tinh thần đoàn kết, đồng thời bày tỏ hi vọng các hội viên tiếp tục đoàn kết với ban chấp hành khóa mới để xây dựng các hoạt động hội sắp tới hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Đại hội phiên chính thức sáng 15-1 đã biểu quyết đồng ý cho nhà thơ Phạm Sỹ Sáu rút khỏi ban chấp hành và đồng ý ban chấp hành mới của Hội Nhà văn TP.HCM gồm 10 người: Bích Ngân, Phan Trung Thành, Trầm Hương, Lê Thiếu Nhơn, Phùng Hiệu, Bùi Phan Thảo, Nguyên Hùng, Phương Huyền, Huệ Triệu, Bùi Anh Tấn.
Kỳ vọng vào chất lượng sáng tác
Sau khi ra mắt Ban chấp hành mới, nhà văn Bích Ngân - tân Chủ tịch hội, thay mặt phát biểu, đưa ra lời nhận định chương trình đại hội lần này thiếu hẳn không khí trao đổi bàn bạc văn chương, thiếu không khí gắn bó đoàn kết. "Có vẻ như các nhà văn nhà thơ đến với hội nhưng vẫn ở trong ngôi nhà văn thơ riêng của mình", nhà văn Bích Ngân nói, cho rằng điều này cũng đáng buồn.
Nhà văn Bích Ngân hi vọng ban chấp hành và hội sẽ xây dựng nhiều hoạt động thiết thực hơn, và quan trọng là tạo động lực hơn nữa để mỗi nhà văn có cảm hứng làm việc "một cách chân thành với trang viết của mình", đó chính là đóng góp quan trọng nhất của mỗi hội viên.
Điều này cũng phù hợp với phương hướng hoạt động của hội được đề ra trong nhiệm kỳ tới: Lấy chất lượng sáng tác làm trung tâm.
Đời sống văn học của TP.HCM sẽ phản ánh điều này, và công chúng yêu văn chương vẫn có chỗ để chờ đợi trong hi vọng.
LAM ĐIỀN