Theo thói quen lần nào về Huế tôi cũng rẽ qua quán cà phê Gác Trịnh, ở 203/19 Nguyễn Trường Tộ. Đây là căn hộ gia đình Trịnh Công Sơn dọn về ở từ năm 1962 đến khoảng 1978. Thật tình cờ tôi gặp được nhạc công trẻ Hà Tuyên, anh là người quản lý và tổ chức các hoạt động âm nhạc ở Cà phê Gác Trịnh từ ngày thành lập (1-4-2013). Anh tiếp tôi trong giai điệu Ru em từng ngón xuân nồng. Du dương. Ấm áp.
Ngôi nhà mang tên “Diễm Xưa” Ngay từ sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất (1-4-2001), căn phòng tầng hai này đã được gắn biển ghi dấu nơi ông sinh sống và cho ra đời hàng chục bản tình ca tuyệt vời, được nhiều người yêu thích. Hiện ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng hai người đã dành quyền sử dụng cho ban tổ chức dựng phòng lưu niệm Trịnh Công Sơn và tổ chức sinh hoạt cho những người yêu thích nhạc của ông. Thực ra trước kia, người dân Huế mỗi khi qua đây vẫn ngước nhìn căn phòng; họ nhớ tới ông với sự ngưỡng mộ và tình yêu thương không bao giờ vơi cạn. Nhiều người còn đặt cho ngôi nhà đó cái tên hết sức thân quen là “Diễm Xưa”.
Sinh thời, mỗi lần về Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường trở lại nơi đây với nhiều ký ức nóng bỏng và da diết. Bởi từ căn gác nhỏ này, trong 16 năm ông đã viết những bản tình ca nổi tiếng trước năm 1975. Nhất là khi nhắc đến tình khúc Diễm xưa là sáng tác nổi tiếng đầu tiên ở căn gác hai này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng ghi lại hình ảnh của người nữ sinh Đồng Khánh, một nhan sắc đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho mình, ông viết: “Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy tên là Diễm của những ngày xưa” (Thế Giới Âm Nhạc, tháng 3-1997). Và cho dù đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh của “Diễm xưa” đã thuộc về mọi người yêu mến ông. Đôi khi “Diễm xưa” còn trở thành ngạn ngữ trong đời sống, để an ủi những điều gì đã lỡ làng trôi qua trong cuộc đời.
Những cuộc tình lỡ làng. Nhưng phận tình chưa tới và cả một đời hò hẹn đúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quan niệm về tình ái rằng: “hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì, và rằng trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến đi mất”. Một thân phận liêu trai Trịnh Công Sơn sinh thành ra những cảm xúc mong manh và sâu thẳm những đoạn nỗi của mọi cuộc tình trắc trở. Âm nhạc ông là sức mạnh của liêu trai, ám ảnh lòng người.
Chính vì thế mà tình khúc Diễm xưa không bao giờ thiếu trong các chương trình của Cà phê Gác Trịnh. Đặc biệt là khi các nữ sinh Đồng Khánh đến sinh hoạt định kỳ ở căn gác này đều có người mở màn với lời ca: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ...”. Nhất là vào lúc Huế mưa thì ai cũng rơi nước mắt khi cất lời: “Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...”. Nhạc công Hà Tuyên còn cho biết, có những ca sĩ người nước ngoài đã đến đây vài ngày liền chỉ để nghe nhạc Trịnh và học cho thuộc bài Diễm xưa. Ai đến đây, từ cô đan len đến những sinh viên, đều muốn ngồi xuống chiếc ghế của Trịnh Công Sơn để nhìn qua lan can xuống đường, ngắm người qua lại và ngóng một hình bóng Diễm xưa năm nào. Vì họ đã thấm cảm xúc liêu trai của Trịnh Công Sơn và ai cũng muốn hát cùng ông để chia sẻ cõi lòng. Bởi không ít người cũng đã từng xót xa như ông và đều nhớ: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Bất ngờ giai điệu ru mùa xuân bỗng bừng lên trong căn phòng. Hà Tuyên nở một nụ cười tươi và nhắc cho tôi biết rằng, trong cõi liêu trai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn luôn ánh lên những nét xuân ấm áp và si mê đến kỳ lạ. Hà Tuyên vớ lấy cây sáo trúc tấu lên nhạc điệu Hoa xuân ca cho tôi nghe. Đúng là tôi bị mê hoặc với sắc xuân trong âm nhạc Trịnh một cách bất ngờ. Cây sáo của Hà Tuyên thánh thót kể chuyện với tôi...
“Góp lá mùa xuân”
Đó là tên một bài hát về mùa xuân trong hàng chục ca khúc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đề cập đến đề tài này. Trong nét khắc khoải của những tình khúc liêu trai, nhạc của ông còn bật lên nguồn sáng của nắng xuân. Những niềm vui lấp lánh khỏa lấp nỗi trống trải cô lẻ của nhạc sĩ. Nhất là tổ khúc Đóa hoa vô thường, theo như Hà Tuyên, rất có thể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc này trên chính căn gác này. Nó không hụt hẫng cõi lòng mà Đóa hoa vô thường đã khỏa lấp với niềm say đắm và tràn ngập hy vọng cho một cuộc tình. Hà Tuyên nói rồi bất ngờ hát cho tôi nghe mấy câu hết sức ấn tượng: “Từ nay tôi có người. Có em đi đứng bên đời líu lo. Từ nay tôi đã có tình. Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa...”. Hà Tuyên hát đến độ đam mê làm tôi cuốn hút theo cõi tình của Trịnh: “Từ nay anh đã có nàng. Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca. Mùa xuân trên những mái nhà. Có con chim hót tên là ái ân”. Hình như anh nghẹn ngào không thể hát tiếp và đứng dậy bật luôn video cho tôi nghe ca sĩ Khánh Ly hát bài này. Niềm vui rộn ràng cũng làm người ta rơi nước mắt cũng là chuyện thường. Hà Tuyên còn nói, đây là một trường ca về tình yêu thì đúng hơn. Có nhiều chuyển đoạn cảm xúc và tràn ngập nỗi niềm suy tư xen lẫn hồn nhiên, về những lời tình trối trăn của một thời yêu dấu đã qua. Bởi như nhạc sĩ đã kết: “Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh. Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường”.
Niềm vui chỉ kết thúc là đêm, là đóa hoa vô thường nhưng nét hân hoan vẫn còn đó lưu dấu một tình yêu. Trong nhiều ca khúc khác của Trịnh Công Sơn luôn vui với xuân và lại buồn với xuân, nhưng bao giờ cũng chan chứa tình đời. Hà Tuyên nhắc cho tôi nhớ một loạt bài mà Trịnh vương vấn với tình xuân như: Biển nhớ, Chiếc lá thu phai, Gần như niềm tuyệt vọng, hay đó còn là các bài: Góp lá mùa xuân, Môi hồng đào, Ru em từng ngón xuân nồng, hoặc còn có thể kể: Rừng xưa đã khép, Gọi tên bốn mùa, Còn ai với ai... Với Trịnh thường là nặng trĩu con tim khi: “Em đã đi đời có đâu ngờ. Mang trái tim mùa xuân héo khô. Không có em buồn vui với ai” (Còn ai với ai). Chính câu “Không có em buồn vui với ai” đã trở thành tứ sáng tác cho không ít nhạc sĩ trẻ sau này. Đặc biệt những hình ảnh mùa xuân trong tình khúc của Trịnh Công Sơn luôn đối chọi và đẫm chất bi ai. Khi là “Mùa xuân quá vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi chiếc lá thu phai” (Chiếc lá thu phai), hoặc lại có lúc: “Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây” (Gọi tên bốn mùa), hoặc chất liêu trai lại hiển hiện: “Tuổi xuân ơi sao lạnh giòng máu trong người” (Gọi tên bốn mùa), cùng với đó là: “Nghe tình chợt buồn trong lá xôn xao để mùa xuân sau mua riêng tình sầu” (Tôi ru em ngủ)...
Theo như cách tính của Hà Tuyên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tới 17 tình khúc nhắc đến hình ảnh mùa xuân với nét điển hình “Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình”. Nhưng có nhiều sắc xuân tràn ngập niềm vui khác cho dù nhạc sĩ không nhắc đến một chữ xuân. Bởi ông luôn luôn “Gọi tên bốn mùa” nên ánh xuân và niềm hy vọng thường ẩn hiện bất ngờ qua những ca khúc tuyệt vời khác như: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Nắng thủy tinh, Để gió cuốn đi hay Mưa hồng, Hãy cứ vui như mọi ngày, và nhất là Hãy yêu nhau đi. Lời hát rạo rực nỗi đời tươi sáng: “Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối. Dù biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui với. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời...”. Ý xuân tràn ngập. Niềm vui tràn ngập.
Ký ức hiện về
Trong bộ ảnh tư liệu về ngôi nhà “Gác Trịnh” có lưu tấm hình Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ngồi tựa vào lan can nhìn xuống con đường rợp lá xanh Nguyễn Trường Tộ hồi trước năm 1975. Cùng với đó là bức ảnh rất đẹp in hình hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh bên cạnh những chân dung của nhạc sĩ do sự đóng góp của nhiều bạn bè và những người yêu thích nhạc Trịnh làm nên. Đặc biệt là những bút tích của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết từ thập niên 60 gửi cho Dao Ánh. Đó là tập bút ký Thư tình gửi cho một người. Trong đó có một bức thư thật khắc nghiệt mà Trịnh Công Sơn đã viết tại chính ngôi nhà này, mở đề “Huế 25-3-1967”, với những dòng cay đắng nhất: “Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây đi”. Ông còn viết tiếp: “Anh cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được... Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son”.
Lời chia tay ấy chừng như tiềm ẩn trong tình khúc Cuối cùng cho một tình yêu mà ông sáng tác trước đó mấy năm. Một tình xa, một tình buồn được lưu giữ ở căn phòng nhỏ bé này. Lời ca còn phảng phất đâu đây day dứt, dữ dội: “Một lần yêu thương, một đời bão nổi. Giã từ, giã từ chiều mưa giông tới. Em ơi em ơi...”. Đó chính là những lời Trịnh Công Sơn đoạn tuyệt tình yêu với Dao Ánh, và cũng vào những ngày cuối cùng của mùa xuân. Tôi chợt nhìn sang chiếc ghế mỏng mảnh, gầy guộc một dáng Trịnh hiện về lung linh trong ánh màu liêu trai, thăm thẳm một tình yêu cuộc sống.
VƯƠNG TÂM