Nếu bảo chọn ai là người tiêu biểu đang sống cùng con chữ, hết mình ở nghề báo với mảng phóng sự đòi hỏi cả cái tâm xông pha và nỗi niềm thế sự của người viết, lẫn sống cùng nghiệp thơ bỗng vận vào cuộc đời một ngày không hay mà không hè nề hà màu mè, thì với hiểu biết hữu hạn của mình, tôi nghĩ có lẽ đó là nhà thơ - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Dường như ở lĩnh vực nào anh cũng sống, cháy cho bằng cạn, dẫu biết không thể nào vơi cạn mọi nhiệt huyết trào sôi qua... bàn phím.
Sau hàng loạt ấn phẩm ở phóng sự, tản văn, tập thơ đầu tay “Dã quỳ tím” đánh dấu bước rẽ lối vào thơ của Người-Phóng-Sự đã thành danh, Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt tập thơ thứ hai, “Tự tình với Facebook”.
Tác phẩm do NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành với hơn 40 bài thơ anh sáng tác gần đây, cùng một số bài tác giả tâm đắc. Toàn bộ tập thơ, đúng như tựa, đầy “chất” Huỳnh Dũng Nhân, vừa là tự tình đầy yêu thương, ưu phiền, vừa là những xúc cảm có tính thế sự, cập nhật nhanh rất “Facebook”, có thực và có ảo đan xen.
Tô đậm lối viết văn chương mà thi ảnh, cảm xúc pha lẫn chất phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân chọn phương cách, điểm nhìn dung dị, dễ gần, sơ giản. Có lúc, ưu phiền và yêu thương của anh khởi đi vô cùng hồn nhiên, thơ trẻ, ưu phiền đấy mà lại tình tứ đấy, ngọt ngào như một chàng thanh niên chớm yêu. Cứ như một làn hương chớm thoảng, một heo may cuối mùa, một lối dã quỳ trong ánh hoàng hôn tím hay một cánh hoa ban giữa trời hoa rực trắng, một điệu khèn môi, một cơn nồm gió... đều có thể khiến anh... rụng rời hồn vía, xúc cảm cất lời thơ. Chắt lọc xúc cảm, là những câu thơ “rung rinh” chạm tới đáy lòng: “Hà Nội tháng ba ẩm ướt gió nồm/ Anh hong tay vào xác xao kỷ niệm” (Tháng ba sương mù); “Tình tôi em giữ dùm tôi/ Mười năm chắc đã thuộc trời hư vô” (Nhớ tình); với những hình ảnh khá gợi và đan cài nhiều ý tứ: “Này em tôi hỏi thực lòng/ Tôi say em có mừng không đêm dài/ Đồi núi tỉnh dậy không ai/ Còn hai ché rượu trơ ngoài đồng hoang” (Môi hoa)... Nhưng cũng có khi, ưu phiền ấy, yêu thương ấy, lại già giặn trở về ngập nỗi buồn, tràn day dứt, đẫm nỗi niềm của một người đã phiêu lãng qua bao nẻo đường, thế cuộc, qua chính những bão dâu đời đến “chán thằng tôi”, đến phải “đi tìm tôi”: “Ta ngồi ngắm những heo may không tuổi/ Và ngẩng đầu mắt chói với cao xanh” (Gửi heo may); “Chiếc ghế của tôi quá chật/ Khi tựa cả bầu trời/ Đường tôi đi quá hẹp/ Rơi rụng hết nụ cười/ Khi tôi đến xa quá/ Chỉ còn một mình tôi” (Tự thuật); “Quá nửa đêm nghe lá rụng ngoài đường/ Lá ơi mày sướng thế/ Tao còn không biết rụng chỗ nào” (Lãng xẹt một mình) ...
Cách đây non tháng, khi anh “khoe” trang bìa tập thơ ở giai đoạn thiết kế, tôi inbox hỏi anh vì sao chọn “với Facebook”. Mạng xã hội giờ đang rất “hot”, nhưng vài năm nữa, có khi đã chuyển động khác, không còn ai nhớ Facebook nữa, độc giả sẽ khó hình dung và thấy hấp dẫn?”. Anh chỉ J. Nhưng khi đọc tập thơ và đến câu thơ “Nhờ facebook biết mình cần chút ảo/ Để trang nghiêm nuôi hy vọng cuối đời” (Tự tình với Facebook), tôi chợt hiểu, chợt thấy: Dường như trong tràn ngập câu chữ “yêu thương xin cứ ùa về” ở góc tự tình của một nhà thơ – nhà báo, sau cùng, lấp ló và nhỏ bé, vẫn là một cái tôi cô đơn của người mãi đi tìm tình yêu, không khuôn hẹp trong nghĩa tình yêu trai-gái. Anh tìm một chữ tình và trái tim lan tỏa một chữ tình, để minh định rằng tâm hồn thi nhân Huỳnh Dũng Nhân đang tồn tại, luôn tồn tại, dẫu cuộc đời có bộn bề thực mộng, dẫu thế nhân có khắc nghiệt, lạnh lùng...
“Tự tình với Facebook” của Huỳnh Dũng Nhân chủ đạo là những bài thơ trực cảm. Trong trực cảm, bật ra thơ. “Vận phóng sự” vào thơ chắc chắn khó. Vận mà không kỹ thuật, không màu mè nhưng xóa được ranh giới khó mờ nhòe giữa thế sự - thi ca, sẽ càng khó hơn. Có lẽ cũng vì thế mà đôi khi vẫn còn những câu thơ sượng, ít lung linh.
May mắn là trực cảm một khi bật thành thơ trên cái phông nền giàu độ nén cảm xúc tôi đắp sâu lắng qua nhiều trạng huống, thời gian, đủ đầy độ chín, lại có thể giúp thi sĩ viết nên những bài thơ dễ dàng tương cảm với nhiều người, dù đó là bài thơ khởi phát từ tâm sự, hoàn cảnh rất riêng.
“Kiếp chung cư”, “Nghe tiếng ru con trên máy bay”, “Viết cho con và ngôi nhà mới”, “Những ngày xa con”, “Mùa cũ”... là những bài thơ như vậy, là những “tự tình” với một thế giới riêng thực, với một “xã hội” ảo. Dù ở góc nào thì nhiều câu thơ của Huỳnh Dũng Nhân sẽ có lúc làm ai đó đắng lòng và rưng rưng khi bất ngờ đọc tới.
Đi trên bước đường đời hơn 30 năm dành cho phóng sự và không ít hơn từng ấy năm để ấp ủ những phù sa thơ ca, sự dung dị của yêu thương, chưng cất cuộc sống mà cất lời, hy vọng sẽ giúp “Tự tình với Facebook” của Huỳnh Dũng Nhân, xanh tươi, như cây đời mãi xanh, dù ở đâu trên màn hình, bàn phím, trên Facebook hay khi giở lần trang qua những ngón tay.
LÊ MỸ Ý