Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,487,389 lượt

Hành trình giữa mùa thu tình bạn

Những ngày thu ở Hàn Quốc đẹp như một bài thơ dịu dàng với bầu trời xanh lạ lùng và những hàng cây lá đỏ, lá vàng quyến rũ như chào mừng Đoàn nhà văn Việt Nam tham dự Hội thảo văn học hòa bình Việt-Hàn năm 2023 vào những ngày cuối tháng 10.

Đây là chương trình giao lưu văn hóa ý nghĩa do Ủy ban văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, thuộc Bộ văn hóa thể thao và du lịch Hàn Quốc tài trợ, Mạng lưới văn hóa châu Á và Hội Nhà văn Hàn Quốc, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề “Trẻ em, thanh thiếu niên và hòa bình trong văn học Việt Nam và Hàn Quốc sau chiến tranh”.

 

Đoàn đại biểu các nhà văn Việt Nam tham dự chương trình giao lưu chụp ảnh với các nhà văn Hàn Quốc

 

Trong không khí bình dị, cởi mở và ấm áp tình bạn, tình đồng nghiệp, gần 30 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình của hai nước đã có mặt tại hội thảo để bàn về các tác phẩm văn học viết về tuổi trẻ và sáng tác cho trẻ em. Đoàn nhà văn Việt Nam gồm 7 thành viên do nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam là trưởng đoàn. Đoàn nhà văn Hàn Quốc gồm 8 thành viên do nhà văn Bang Hyun Suk, Phó hiệu trưởng trường Đại học ChungAng làm trưởng đoàn. Nhà văn cao tuổi nhất tham gia hội thảo là nhà văn Hyun Ki-young, sinh năm 1941, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Hàn Quốc, nhà văn trẻ tuổi nhất là hai nữ nhà văn Phạm Vân Anh (Việt Nam) và Park Ji (Hàn Quốc) cùng sinh năm 1980. Cuốn kỷ yếu gồm những bài tham luận và các tác phẩm thơ của các nhà văn tham gia hội thảo đã được xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt – Hàn, giúp cho các đại biểu dễ dàng theo dõi và hiểu được những nội dung được trình bày tại hội thảo.

Sự trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tồn tại từ thế kỷ 14, nhưng dịch thuật văn học phải đến giữa thế kỷ 20 mới bắt đầu. Đặc biệt, việc dịch thuật và giới thiệu văn học Hàn Quốc sang Việt Nam được tiến hành liên tục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Trong hơn 30 năm qua, khoảng 130 đầu sách văn học Hàn Quốc đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, và có khoảng 50 đầu sách văn học Việt Nam được xuất bản tại Hàn Quốc. Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các nhà xuất bản, các nhà sách và dịch giả đã có ý thức tránh thiên vị trong việc xác định những điểm tương đồng, đồng thời nêu bật những khác biệt về văn hóa, văn học giữa hai nước.

Tại hội thảo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Với lương tri và trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận, đánh giá xem, qua các tác phẩm văn học sau chiến tranh, diện mạo tâm hồn những người trẻ của hai dân tộc chúng ta ra sao, hướng đi của họ ra sao, họ đang ở đâu giữa thế giới vốn bộn bề, đầy bất trắc và ngày càng bộn bề, bất trắc này. Văn học, xét cho tận cùng, chính là nghệ thuật xác định vị trí và tư thế của con người với tương quan thế giới xung quanh… Đời sống, với toàn bộ sự chuyển vận của nó, luôn nảy sinh những vấn đề gay cấn buộc mỗi người phải đối diện và tìm cách giải quyết. Dĩ nhiên những điều ấy sẽ tác động, thậm chí là tác động lớn, tới suy nghĩ và con đường của người trẻ. Bản thân người trẻ cũng phải giải tự bài toán về các vấn đề của chính lứa tuổi và thế hệ họ, đó là sự lựa chọn giữa tự do phóng túng cá nhân với khuôn phép cộng đồng, giữa bảo tồn nguyên lí truyền thống với xu hướng hoà nhập toàn thế giới…”.

Nhà văn, nhà báo Cho Yong Ho cũng đã cho biết thêm về các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ở Hàn Quốc. Ông bày tỏ “Cho đến giờ, văn học hiện đại Việt Nam được giới thiệu ở Hàn Quốc chưa thực sự nhiều. Gần đây, giới xuất bản Hàn Quốc đã bắt đầu để mắt tới văn học Đông Nam Á – vốn bị coi là thiểu số. Đầu năm nay, tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên Việt Nam đã được xuất bản, và quỹ xuất bản sách internet nổi tiếng của Hàn Quốc đã tuyên bố kế hoạch xuất bản Bộ sách văn học Đông Nam Á”. Ở lập trường của các độc giả Hàn Quốc kén chọn văn học Âu Mỹ và Nhật Bản thì những động thái này tuy muộn nhưng là dòng chảy đáng mừng.

Là người có nhiều năm giảng dạy tiếng Hàn Quốc tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội và từng học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, dịch giả, nhà văn Hà Minh Thành khẳng định: “Việc giao lưu giữa các nhà văn của hai nước vô cùng quan trọng nhưng việc các nhà văn Hàn Quốc tới thăm các trường đại học ở Việt Nam, thực hiện những buổi nói chuyện hoặc bài giảng đặc biệt cho giáng viên và sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học cũng như tiếng Hàn ở các trường đại học tại Việt Nam cũng rất cần thiết. Và tôi cũng cho rằng việc được giới thiệu tác phẩm văn học Hàn Quốc hay cũng như dòng chảy văn học Hàn Quốc hiện đại từ các nhà văn, các nhà nghiên cứu người Hàn Quốc là vô cùng quý giá. Trong thời đại toàn cầu hoá, chúng ta có thể tiếp cận đa dạng các thông tin ở bất cứ đâu nhưng trong biển thông tin ấy nếu một mình lựa chọn và phán đoán thì sẽ mất nhiều thời gian và có thể bị tiếp nhận những thông tin sai lệch”.

Hầu hết các ý kiến tham luận tại hội thảo đều đồng thuận rằng, văn học về chiến tranh và hòa bình dành cho thanh thiếu niên nên tiếp tục được khích lệ sáng tác để có thể góp phần thoát ra khỏi quá khứ, xoa dịu vết thương hiện tại và liên kết văn hoá, vẽ ra bức tranh hoà bình lớn hơn. Các nhà văn cần đưa ra thông điệp về triển vọng của hoà bình mới thông qua hình ảnh những em nhỏ tạo ra hoà bình và tận hưởng tự do trong đó chứ không phải là những em nhỏ với vai trò là công cụ để nói về hoà bình. Thông qua sự liên kết văn hoá mang tính đã quốc gia như vậy, những tác phẩm văn học dành cho thanh thiếu nhi trở thành cầu nối của ngôn ngữ, ý niệm và quốc gia, có thể kết nối những trẻ em của hai nước với nhau.

Xen giữa những phần phát biểu tâm huyết, các nhà thơ hai nước đã giao lưu và đọc thơ, để những thanh âm lấp lánh của tiếng Việt và tiếng Hàn cùng lan tỏa trong khán phòng. Đặc biệt, những tác phẩm thơ giàu giá trị biểu đạt của các nhà thơ Hàn Quốc đã được dịch sang tiếng Việt và được các nhà thơ Việt Nam trình diễn đầy cảm xúc đã tạo sự hứng khởi cho các nhà thơ nước bạn. Dù không hiểu tiếng Việt song họ có thể nghe được những câu thơ của mình vang lên bằng một ngôn ngữ khác từ những người bạn Việt Nam. Hai bên cùng thống nhất với nhau rằng, trong những lần giao lưu tới, nhà văn hai nước sẽ trình bày tác phẩm của nhau để cùng hướng tới sự giao cảm và đồng điệu trong tâm hồn.

Cùng với hội thảo, các hoạt động bên lề của đoàn nhà văn hai nước cũng hết sức ấn tượng với các cuộc đến thăm và làm việc với Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, Thành phố sách Paju, Bảo tàng In Bat và Khu phi quân sự liên triều tại thành phố Paju… với một lịch trình nhiều ý nghĩa, gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng có nhiều gắn bó với Việt Nam của Hàn Quốc. Một hành trình ngắn nhưng tràn đầy tiếng cười, sự đồng điệu về khát vọng hòa bình, khát vọng sáng tạo và mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự thấu hiểu, gắn bó giữa hai quốc gia, hai dân tộc đã mang lại một dấu ấn tốt dẹp trong những ngày thu Hàn Quốc.

PHẠM VÂN ANH/ Văn nghệ số 45/2023

Top