Tuyệt đại đa số các dự án thủy điện đều có câu: điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Thế nhưng, nhìn lại mấy năm qua, khi những dự án thủy điện đầu các nguồn sông "trăm hoa đua nở" thì vấn đề xả lũ của nó trở thành mối hiểm họa cho người dân, nhất là người dân miền Trung, vùng "đòn gánh", thế đất hẹp và dốc.
Nếu những năm trước, người dân Quảng Nam đã điêu đứng vì việc xả lũ của những thủy điện A Vương, Sông Tranh... thì mấy năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình điêu đứng vì thủy điện có cái tên nghe như một giọng cười: Hố Hô.
Trong đợt mưa lũ đang diễn ra, 17 giờ ngày 14.10, thủy điện Hố Hô bất ngờ xả với lưu lượng 500 - 1.800 m3/giây. 1.800 m3/giây thì sức mạnh của nó còn hơn cả dội bom, bom nước.
Nói là bất ngờ vì 16 giờ, nhà máy thủy điện mới thông báo cho một... phó chủ tịch UBND H.Hương Khê. Trong lúc cả khu vực mất điện, đến Chủ tịch UBND H.Hương Khê Lê Ngọc Huân cũng không biết thì làm sao người dân biết mà trở tay cho kịp?
Phút chốc, 11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến... 4m. Thế mà, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP thủy điện Hồ 4 (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô) lại bảo “xả lũ đúng quy trình”. Đó là một câu trả lời hết sức "ngang ngược" như cách mà các nhà máy thủy điện lâu nay vẫn làm.
Trở lại vấn đề thủy điện, các đơn vị này đều khai thác nguồn lợi tài nguyên, là sở hữu của toàn dân, để thu lợi. Và vì thế, người dân có quyền hỏi, họ được lợi gì?
Khi dự án được phê duyệt, trong đó đều thuyết trình rõ ràng, nhưng khi vận hành thì các nhà máy thủy điện chỉ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản của mình, cái lợi của mình. Bao nhiêu năm qua, người dân hạ lưu chịu đựng và chấp nhận như một sự bắt buộc, điều này càng ngày càng thấy rõ sự vô lý.
Anh xây dựng nhà máy để kinh doanh nhưng thiệt thòi thì tôi gánh chịu. Thật lạ đời.
Anh Vũ Xuân Hải (Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: Rất nhiều luật sư đang tư vấn cho các bị hại thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi kiện các đơn vị quản lý hồ đập, thủy điện khi xả lũ gây thiệt hại cho người dân. Anh nói: “Theo tôi, đây không phải là khởi kiện dân sự mà việc xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Điều 227 bộ luật Hình sự ban hành năm 2009 chỉ rõ, tội vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động những nơi đông người. Vì thế, đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án theo tội danh trên là góp phần tích cực trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu không, lần sau dân lại phải nhận hậu quả, lại có những cái chết thương tâm vì cái quy trình xả lũ giết người này”.
Khi phân tích về quy trình xả lũ, anh Nguyễn Vũ Tuấn, một người trong ngành, nói thêm: Các hồ đập thủy điện đều được Bộ Công thương phê duyệt quy trình vận hành hoặc ủy quyền cho địa phương phê duyệt. Hằng năm, các thủy điện đều có phương án phòng chống bão lụt được sự chấp thuận của UBND tỉnh, thành sở tại. Anh cho rằng, không có quy trình nào được duyệt khi chờ mưa mới xả lũ. Theo anh Tuấn, thường thì dung sai về xả lũ khoảng 1.000 năm/2 lần, nhưng các thủy điện miền Trung, đơn cử Hố Hô, 10 năm bị sự cố thủy văn 2 lần là sai lầm nghiêm trọng.
Hầu như năm nào cũng thế, cả nước hướng về miền Trung mỗi khi mưa lũ. Hàng triệu tấm lòng gửi về đồng bào vùng đất này cả vật chất lẫn tinh thần chia sẻ. Trong đau thương người ta thường bỏ qua nhiều thứ, chỉ nghĩ đến chuyện giúp người. Không ai nghĩ đến việc truy tìm nguyên nhân của nó, nhất là cái "quy trình xả lũ" trở tay không kịp nói trên. Vì thế mà "ông thủy điện" vẫn nhởn nhơ đến hẹn lại... xả lũ.
Người chết, hoa màu mất, gia súc gia cầm, tài sản hàng nghìn gia đình bổng chốc trôi theo dòng nước... sao ta không bắt người gây ra chuyện này chịu trách nhiệm? Sao lại để thủy điện "ngang ngược" thế kia?
NGUYỄN THẾ THỊNH