Trong điện thoại của tôi, còn nhiều hình ảnh vi phạm của xe ôtô mang biển kiểm soát công vụ. Tôi mẫn cảm đặc biệt với hình ảnh ấy. Có chiếc đậu vào phần vạch kẻ của người đi bộ, có chiếc chen lấn vạch khi dừng đèn; thậm chí, xe của cơ quan phường do mấy anh dân phòng, trật tự điều khiển cũng hú còi phóng không khác gì những cảnh rượt đuổi tội phạm trong phim.
Có lần tôi bức xúc đến mức không thể dừng lại ở việc chụp ảnh nữa. Cách đây vài tháng trên đường Ung Văn Khiêm, đầu giờ sáng, xe cộ nối đuôi nhau. Một chiếc xe ôtô tải mang biển kiểm soát nhà binh, trên xe là một thiếu úy, phóng ngược chiều. Hôm đó tôi cáu lắm, đuổi theo dùng xe mình chặn chiếc xe biển đỏ đó lại. Tôi yêu cầu người trên xe quay đầu chấp hành luật giao thông. Dĩ nhiên, điều này không thực hiện được, chiếc xe chỉ thoáng dừng lại rồi lại chồm lên chạy tiếp. Phía ngã ba, đồng chí cảnh sát giao thông đang điều khiển phương tiện… quay mặt đi hướng khác.
Nhiều ngày liền sau đó, tôi bực bội, mang một cảm xúc tiêu cực không biết diễn tả thành lời. Tôi tin là nhiều người dân cũng mang tâm trạng ấy khi phải đối mặt với sự thiếu tôn trọng của những cán bộ. Những chiếc xe biển xanh, biển đỏ chỉ là biểu hiện của một tâm lý chung, khi những công bộc tưởng rằng mình là người có quyền lực và cư xử kiểu “bề trên”. Người dân có thể gặp dạng tâm lý đó ở bất kỳ đâu, từ những lần đi làm thủ tục hành chính, khi tham gia giao thông, sử dụng dịch vụ công… Và khi trở về, họ có thể ăn cơm mất ngon như tôi.
Còn rất nhiều ví dụ nữa để chỉ ra rằng cảm xúc của nhân dân chưa hề được coi trọng trong ứng xử của người làm lãnh đạo. Ví dụ như cách phát biểu “xin nhận một phần trách nhiệm”. Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, quận Hai Bà Trưng, địa bàn mà bác sĩ Tường mở cơ sở trái phép, “nhận một phần trách nhiệm”. Vụ Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng “nhận một phần trách nhiệm”. Luật hình sự có sai sót, cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp cũng “có phần trách nhiệm”… Lối nói này phổ biến như là văn mẫu.
Tất nhiên chẳng ai bắt được họ nhận toàn phần trách nhiệm vì còn nhiều bên khác. Nhưng cái cách chọn từ ngữ chủ động ấy khiến họ thoái thác “một phần trách nhiệm” khác. Đáng ra, có trách nhiệm, thì nói là có trách nhiệm đủ rồi. Luật pháp sẽ công minh.
Cảm xúc của người dân không đồng nghĩa với các quy chuẩn pháp luật. Một lời xin lỗi, một cử chỉ ân cần, một lời nói thẳng, có thể không có giá trị pháp lý hoặc điều chỉnh được vấn đề xã hội đang diễn ra nhưng nó cũng rất quan trọng trong việc xác lập niềm tin của người dân với chính quyền, thứ vô hình nhưng cực kỳ quan trọng.
Và tất nhiên, trong cuộc giao tiếp cảm xúc giữa người dân và cán bộ, thì không thể không nhắc đến thói quen “xin lỗi” vốn là thứ rất hiếm hoi. Xin lỗi rất khó, đặc biệt khó hơn khi người ta chỉ có “một phần trách nhiệm”.
Tôi nhớ đến tất cả điều đó khi nghe lời xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị ngày hôm qua. “Mặc dù Thủ tướng đi vào đường phố, mặc dù đã đi bộ hàng cây số rồi, xe vẫn đi phía sau. Thủ tướng không biết được khuyết điểm này nhưng Thủ tướng vẫn phải có trách nhiệm quán xuyến cho xã hội, vẫn phải xin lỗi nhân dân mong nhân dân thông cảm chứ không phải đơn giản đâu”.
Sự kiện đoàn xe của Thủ tướng đi vào phố đi bộ tại Hội An trong chuyến thị sát của ông tại đây vẫn đang gây tranh cãi trong người dân. Đó có thể là một sự kiện nhỏ, trong bối cảnh nhiệm kỳ mới của ông vẫn còn bộn bề và còn cần rất nhiều lời “nhận trách nhiệm” và “xin lỗi” quan trọng, từ nhiều cấp khác. Nhưng lời xin lỗi đó vẫn loé lên một hy vọng về việc cảm xúc của nhân dân sẽ được tôn trọng hơn. Như chính ông hôm qua cũng chỉ đạo, cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp phải gần dân, tôn trọng và nỗ lực phục vụ nhân dân, thấm nhuần "ba xin" là "xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn". Đó là điều ai cũng mong mỏi.
Tôi hy vọng rằng, lời xin lỗi về câu chuyện nhỏ ở Hội An sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều lời xin lỗi khác, những lần nhận trách nhiệm khác - không có lối uyển ngữ “một phần trách nhiệm”.
NGÔ NGUYỆT HỮU