Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,772 lượt

Từ một status của MC Phan Anh, bàn thêm về hiện tượng like của giới trẻ Việt Nam

Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Điều này không phải lúc cũng đúng nhưng nếu thay đổi câu trên thành câu: “Hãy nói cho tôi biết anh like điều gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào” thì chắc chắn không sai. Xin được mượn câu nói của nghệ sĩ Hoàng Anh Tú: “Bao giờ những điều tốt đẹp được coi như tin hot câu view của báo mạng?”. Điều đó sẽ xảy ra nếu xu hướng like của giới trẻ và người Việt thay đổi.

 

 

Chỉ những dòng gõ lung tung trên bàn phím như bức hình trên đây trên trang facebook của MC Phan Anh nhưng kết quả nhận được thật ấn tượng: 2960 lượt yêu thích, 211 bình luận và 7 lượt chia sẻ. Chúng ta, những người đọc khi phát hiện ra sự thật này sẽ nghĩ gì?

 

Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến câu chuyện có thật cách đây 5 – 6 năm về trước, thời chưa có facebook, mọi người dùng yahoo blog 360. Có người đã chia sẻ những trăn trở về hiện tượng như thế này bằng việc nêu trường hợp một blogger đăng lên trang cá nhân chụp hình hai cái áo phông hai màu và hỏi: Nên chọn cái nào cả nhà? Chỉ trong vài giờ đồng hồ bài viết đó nhận được hàng ngàn lời bình luận và trao đổi rất sôi nổi.

 

Chúng ta cũng từng biết đến những hiện tượng like và share những clip có nội dung phản cảm, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Chúng ta cũng từng chứng kiến hiện tượng thanh niên cuồng like “Việt Nam nói là làm” với tuyên bố đủ 40 ngàn like sẽ tẩm xăng đốt người nhảy sông. Kết quả là có hơn 86 ngàn like, thừa sức để có thể đẩy một con người vào chỗ chết. Ừ, thì cứ cho là hiếu kỳ, vui tay nên nhấn like, có độc ác một chút cũng có thể thông cảm bởi vì họ không ác ý. Song những dòng gõ lung tung trên bàn phím của MC Phan Anh mà nhận được mấy ngàn lượt like, vài trăm bình luận và không ít lượt chia sẻ thì có thể giải thích như thế nào ngoài nụ cười chua xót – “cười ra nước mắt”.

 

Hãy khoan vội trách truyền thông tại sao lại nhảm nhí theo chuyện cô ca sĩ này hở ngực, người mẫu kia diện váy đẹp đi mua sắm, sao này tố chồng, sao kia tố vợ… rồi đến những tin tức kiểu như: top những con giáp không làm mà tiền vào như nước... Truyền thông cũng vậy thôi, phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng – người đọc bởi họ chính là “thượng đế”.

 

Chúng ta cũng từng chứng kiến những cú like đã tung Lệ Rơi lên trời cao nhanh bao nhiêu thì cũng khiến cho anh rớt xuống nhanh chóng và đau đớn bấy nhiêu. Những cú like cộng với truyền thông cũng biến Ngọc Trinh và mối tình 27 – 72 thành biểu tượng giấc mơ của biết bao thiếu nữ, chỉ cần xinh đẹp và lấy chồng tỉ phú (cho dù tỉ phú đáng tuổi ông... cố nội mình), không cần học tập, rèn luyện và lao động. Những cú like cũng biến trò xổ số Vietlott trở thành giấc mơ của vô số người Việt, thậm chí có những giấc mơ phi thực tế đến mức: suốt ngày ngồi mơ trúng số độc đắc mà chưa hề mua một tấm vé số nào.

 

Giữa tháng 12 vừa rồi, Google công bố chủ đề tìm kiếm nhiều nhất năm 2016 của người Việt Nam về nhất là trò chơi slither - “rắn săn mồi”. Sau rắn, chủ đề tìm kiếm lần lượt là Euro 2016, “Chúng ta không thuộc về nhau” (Bài hát của Sơn Tùng M-TP), “Phía sau một cô gái” (bài hát của Soobin Hoàng Sơn), Vietlott, Minh Béo, "Hậu duệ mặt trời" (một bộ phim Hàn Quốc), "Vợ người ta" (bài hát của Phan Mạnh Quỳnh) và "Thách thức danh hài" (một game show truyền hình). So với năm ngoái, 2015 là: “Vợ người ta", "Cô dâu 8 tuổi", "Chàng trai năm ấy", "Fast and Furious 7", “How old net”… cho thấy sở thích của người Việt không có gì thay đổi nếu không nói là “ổn định hiếm thấy”.

 

Không ai dám vội vàng đưa ra kết luận gì về kết quả được công bố này song nhìn vào xu hướng like của phần lớn người Việt sẽ không khó hiểu để trả lời những câu hỏi: Vì sao lười đọc sách, vì sao không có thời gian cho gia đình, con cái, vì sao lười lao động, vì sao muốn đổi đời một cách thần tốc, vì sao… nghèo? Và nhiều câu hỏi khác nữa.

 

Ngạn ngữ Anh có câu: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Điều này không phải lúc cũng đúng nhưng nếu thay đổi câu trên thành câu: “Hãy nói cho tôi biết anh like điều gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào” thì chắc chắn không sai. Xin được mượn câu nói của nghệ sĩ Hoàng Anh Tú để kết thúc bài viết này: “Bao giờ những điều tốt đẹp được coi như tin hot câu view của báo mạng?”. Điều đó sẽ xảy ra nếu xu hướng like của giới trẻ và người Việt thay đổi.

THỦY LÂM

Top