Không còn là nét văn hóa vốn có, tình trạng uống bia rượu ở nước ta ngày càng trở nên nguy hiểm với nhiều hệ lụy - cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Kết quả cuộc điều tra quốc gia năm 2015 về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới công bố hôm 8-9 là lời báo động mới nhất.
Theo cuộc điều tra này, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt tăng liên tục trong 5 năm qua, riêng năm 2015 là gần 3,4 tỉ lít (tăng khoảng 1 tỉ lít so với năm 2010). Ngoài lượng bia khổng lồ, người Việt còn uống hơn 340 triệu lít rượu các loại. Chỉ tính riêng bia, nếu một lít giá khoảng 22.000 đồng thì năm ngoái “dân nhậu” nước ta đã chi hết 3,4 tỉ USD để đổi lấy những cuộc đối ẩm. Nhiều người hẳn sẽ giật mình khi biết rằng toàn bộ lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2013 chỉ thu về 2,95 tỉ USD! Với tửu lượng kinh hoàng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ ba châu Á và nằm trong tốp 25 thế giới về năng lực tiêu thụ bia!
Điều đáng buồn là các thứ hạng ngất ngưởng trên đây lại tỉ lệ nghịch với những gì mà một xã hội khỏe mạnh vươn tới, như năng suất lao động chẳng hạn. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần và Thái Lan 2,5 lần.
Có thể nói, bệnh hiểm nghèo do bia rượu là mối nguy lớn nhất nhưng cuộc sống cho thấy đó không phải là điều mà “dân nhậu” sợ nhất. Bằng chứng là hơn 70% trường hợp tử vong do xơ gan được giới hữu trách y tế xác nhận có sử dụng rượu bia nhưng tình trạng lạm dụng thức uống có cồn này vẫn tăng nhanh, thậm chí những người “cụng ly” bền bỉ nhất lại nằm trong nhóm tuổi 18-29 và có xu hướng ngày càng trẻ.
Nếu chỉ tàn phá sức khỏe thôi thì bài toán bia rượu không quá khó. Đến lúc này, không ai còn nghi ngờ con số 60% vụ tai nạn giao thông và 70% vụ bạo lực gia đình ở nước ta có nguyên nhân từ uống rượu bia vô độ. Thật sự nó đã trở thành những con số “biết rên rỉ” trên bàn nghiên cứu của các nhà xã hội học từ lâu. Khi lượng cồn nạp vào đã vượt ngưỡng, những người bình thường điềm đạm, lịch lãm có thể mau chóng trở thành kẻ loạn ngôn, bạo ngôn với những hành động “cởi mở” khác thường. Nhiều vụ cướp, cưỡng bức tình dục, hiếp dâm và vô số trường hợp quấy rối tình dục… đều có bóng dáng bia rượu như là chất xúc tác. Chưa hết, các toan tính tham nhũng, mua quyền bán chức và những hợp đồng mờ ám khác cũng thường diễn ra trên bàn nhậu, nơi bia rượu được xem là nguồn hứng khởi để các bên thoải mái mở lòng về những điều sâu kín…
Trên thực tế, tình hình lạm dụng bia rượu ở nước ta đã lan rộng một cách không bình thường, khó kiểm soát. Nó đã và đang tác động tiêu cực trên nhiều mặt: bào mòn sức khỏe cộng đồng - dân tộc, gây đổ vỡ gia đình và làm vẩn đục không gian văn hóa.
CAO TUẤN