Những cuộc tranh cãi về giá thịt lợn đến lúc này vẫn chưa thể lắng xuống. Ở nhiều nơi giá lợn hơi của nông dân đang bán ra ở mức khoảng 20.000 đồng/kg nhưng ra đến chợ lại đắt gấp 4 - 5 lần. Đã xuất hiện hàng loạt ý kiến lên án các đối tượng “gian thương” mua rẻ bán đắt, “trục lợi trên xương máu” của nông dân.
Nhưng nếu để ý, bạn có thể bắt gặp những đối tượng bị gọi là “gian thương” này ở khắp mọi nơi. Họ - quần áo nhếch nhác, đầu tóc rối bù - chính là những người vận chuyển lợn. Họ, mồ hôi nhễ nhại, chính là tiểu thương ở những khu chợ cóc tầm thường. Rất khó để tìm thấy bằng chứng nói rằng đó là những con người giàu có.
Chi phí trung gian của thịt lợn vốn đã luôn cao, ngay cả khi không có cú sốc thịt lợn những ngày qua. Cú sốc này chỉ góp phần “tố cáo” thực trạng đó. Ngay cả nếu trừ đi giá mua vào đã giảm, thì tỷ lệ giảm ở “đầu ra” cũng không cao: ví dụ, nếu lợn mua vào giảm 50%, thì giá đầu ra có thể chỉ giảm 15%, vì khâu trung gian ở giữa chiếm tỷ lệ quá lớn.
Tạm bỏ qua các yếu tố định tính và không thể điều chỉnh như “lương tâm”, câu hỏi đặt ra: tại sao chi phí trung gian lại cao như vậy?
Ở bất cứ đâu trên đường phố, bạn cũng có thể chứng kiến một cảnh tượng không mấy sạch sẽ. Một con lợn đã bị mổ phanh nằm chễm chệ trên yên xe máy của thương lái. Giữa cái nắng 32 độ đầu hè, xác con lợn tỏa ra mùi khó chịu. Tại hầu hết các nền chăn nuôi phát triển, vận chuyển thịt như vậy là không hợp vệ sinh. Nhưng ở Việt Nam nó xuất phát từ yêu cầu của thị trường.
Bởi các bà nội trợ ở nước ta không thích mua thịt đông lạnh. Kinh nghiệm chọn thịt lâu nay họ là miếng thịt sờ vào phải còn ấm nóng, ấn vào thớ thịt phải thấy đàn hồi. Cũng chính vì thế những miếng thịt bị đem đi cấp đông sẽ bị cho là thịt cũ. Những sản phẩm chế biến từ thịt lợn như dăm bông, xúc xích cũng thường không được ưa chuộng vì không tươi.
Nhiều chuyên gia chăn nuôi gọi khẩu vị của người Việt Nam là “thịt tươi và máu nóng”. Điều này không có gì đáng lên án, bởi đó chỉ là thói quen. Tuy nhiên cũng chính thị hiếu này đã khiến hệ thống phân phối thịt lợn trở nên cồng kềnh, lãng phí và quá nhiều người tham gia.
Chẳng hạn nhằm đảm bảo không để thịt tồn dư và phải đông lạnh, các thương lái sẽ chỉ dám thu mua một số lượng lợn vừa đủ để đảm bảo bán hết trong ngày. Nói cách khác thay vì chỉ phải đi một chuyến xe tải lớn hàng tuần để thu gom lợn về giết mổ và cấp đông, thương lái sẽ phải đi hàng chục chuyến xe tải nhỏ để thu gom thịt tươi mỗi ngày.
Tương tự do việc giết mổ được thực hiện nhỏ giọt mỗi ngày, các lò mổ công nghiệp cỡ lớn hầu như không thể có đủ lượng thịt để hoạt động, công việc này được giao cho hàng chục nghìn các lò mổ thủ công nằm rải rác ở khắp nơi.
Tại khâu phân phối, do thói quen mỗi ngày chỉ mua một vài lạng thịt của người tiêu dùng nên mô hình thích hợp nhất cũng không phải là các cửa hàng với kho bảo quản lớn, thay vào đó là các sạp hàng bán thịt lợn tươi ở các chợ truyền thống.
Tóm lại một hệ thống thu mua, giết mổ và phân phối thủ công, nhỏ lẻ với quá nhiều người tham gia đã phản ánh ngay vào giá thịt đến tay người tiêu dùng. Một hệ lụy khác có lẽ còn nghiêm trọng hơn là bao năm qua chúng ta không thể tiến tới xây dựng ngành công nghiệp chăn nuôi.
Năm 2016 theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hơn một nửa trong tổng đàn lợn 30 triệu con của Việt Nam được nuôi tại các mô hình hộ gia đình. Cả nước có hơn 3 triệu hộ chăn nuôi trong đó đại đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô dưới 10 con. Một lần nữa có thể thấy chính thị hiếu thịt tươi và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn theo kiểu nhỏ giọt cũng đã góp phần duy trì một nền sản xuất nhỏ lẻ theo đúng với sở thích của người tiêu dùng.
Nhìn rộng hơn nữa những nhà máy chế biến nông sản cũng thường gặp không ít khó khăn khi mà người tiêu dùng vẫn đóng đinh sở thích chỉ ưa chuộng sản phẩm tươi sống (dù đó là thịt, cá hay hoa quả).
Trong cuộc giải cứu thịt lợn những ngày qua, chính phủ đã đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương vào cuộc thu mua để bảo quản, đông lạnh thịt lợn. Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ khá e ngại với đề xuất này. Theo họ, lâu nay người Việt Nam chỉ ưa chuộng các nông sản tươi sống trong khi đồ đông lạnh và các sản phẩm chế biến thường bị nghi ngờ là ôi thiu, sử dụng chất bảo quản hoặc bị gắn mác là đồ lưu cữu lâu ngày.
Tất nhiên, khách hàng là thượng đế. Và nếu người tiêu dùng Việt Nam vẫn cương quyết đi theo thói quen thịt tươi, thì nền chăn nuôi và phân phối sẽ phải chiều lòng, không có gì để bàn cãi.
Nhưng cần nhận thức được rằng đó là một trở lực của nền sản xuất. Để có một nền công nghiệp chăn nuôi đúng nghĩa, một chuỗi giá trị hiệu quả hơn, thì cũng cần những người tiêu dùng bao dung với thịt lạnh.
Trong nền công nghiệp giả tưởng đó, có thể sẽ người ta sẽ bớt phải quan tâm về “lương tâm” của những thương lái hơn.
LÊ ANH NGỌC