Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,579 lượt

Lấy sai sửa sai

Hai cảnh sát Anh bấm chuông khi tôi chuẩn bị đi làm vào năm ngoái. Họ trình bày rằng có một vụ mất trộm gần nhà tôi, trong thành phố Bristol, nên cảnh sát phải đến gặp hàng xóm để thu thập thông tin.

 

Anh cảnh sát còn dặn tôi có thể lên website của cảnh sát để theo dõi tiến độ điều tra vụ việc, đồng thời có thể kiểm tra thông tin về tình hình tội phạm xung quanh khu vực này.

 

Vài ngày sau, họ để lại ít tờ rơi dưới khe cửa, với đề nghị mọi người cảnh giác và báo cảnh sát ngay nếu thấy dấu hiệu đáng ngờ. Mấy tuần tiếp đó, xe cảnh sát rất thường xuyên chạy quanh khu nhà.

 

Dù tôi không mấy tin là cảnh sát có thể tìm ra ăn trộm, và người cảnh sát cũng thừa nhận là khả năng ấy thấp, nhưng anh tin rằng làm như vậy sẽ khiến ăn trộm “rất ít có khả năng quay lại”.

 

Một hôm khác, tôi đang ở nhà viết bài nghiên cứu thì hai y tá đến bấm chuông, các cô hỏi thăm rằng tôi có thấy nhà hàng xóm có người ở nhà sáng nay không? Tôi trả lời là không rõ. Hai cô cảm ơn và rời đi. Hai tiếng sau, khi tôi đi mua đồ ăn và quay về thì thấy xe cảnh sát đậu trước nhà hàng xóm. Hai cảnh sát vừa đi ra. Họ chào tôi, kể rằng hai y tá đến kiểm tra tình hình một em bé mới sinh mà không thấy ai ở nhà nên báo cảnh sát kiểm tra. Khi cảnh sát đến thì chủ nhà đã về nhưng các anh vẫn phải vào nhà kiểm tra xem em bé có ổn không, nhắc nhở chủ nhà đặt hẹn lại với bệnh viện.

 

Trên báo Anh, cảnh sát luôn phải đối mặt với những chỉ trích là lực lượng vô dụng, thiếu hiệu quả, phân biệt chủng tộc. Ngân sách cho ngành cảnh sát luôn đứng trước áp lực bị cắt giảm khiến tôi có cảm giác là cảnh sát ở nước nào cũng bị kêu ca “không mấy hiệu quả”. Nhưng chứng kiến việc họ làm ngoài đời, ít nhất, họ làm tôi cảm thấy nếu có chuyện gì tôi có thể tin tưởng gọi đến nhờ giúp đỡ.

 

Và điều quan trọng hơn cả, là cách làm của họ bắn đi một thông điệp mạnh về sự ngăn chặn sớm. Họ huy động nguồn lực cao để “phòng ngừa” những sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra, từ một vụ mất trộm, từ một nghi vấn nhỏ, chứ không chờ đến khi có người chết, có máu đổ hay áp lực xã hội lên cao trào mới quyết liệt hành động.

 

Chuyện buồn hiệp sĩ đường phố ở thành phố quê nhà khiến tôi suy nghĩ. Người ta gọi hiệp sĩ là diễn viên đóng thế, thế thì diễn viên chính đã làm gì trên sân khấu an ninh trật tự?

 

Cách tiếp cận vấn đề sẽ vô cùng sai và kéo theo hệ quả tệ hại hơn nếu chính quyền, cộng đồng, xã hội, báo chí còn cổ xúy cho việc khen ngợi, tung hô và khuyến khích thêm nhiều dân thường lao vào “nghề hiệp sĩ”. Khen thưởng, trang bị áo giáp, dạy võ, biểu dương… để khuyến khích họ tiếp tục tham gia cuộc đấu không cân sức với những tên cướp đã không còn nhân tính có thể khiến mất thêm nhiều sinh mạng oan uổng. Đó là một cách lấy cái sai này để sửa cái sai kia.

 

Để giải quyết vấn đề này một cách rốt ráo, tôi cho rằng có vài câu hỏi cần được trả lời. Thứ nhất, vì sao cướp ở TP HCM manh động và nguy hiểm đến như vậy?

 

Một nguyên nhân tôi nghĩ đến từ tệ nạn ma túy. Con số dự kiến “tổng người nghiện mỗi năm tăng 17%” tại TP HCM là một tỷ lệ đáng kinh hoàng. Những con nghiện, khi đã khát thuốc, không chùn tay làm bất cứ việc gì miễn có vài chục nghìn đồng. Ngoài ra, thành phố này cũng là nơi mà chênh lệch giàu nghèo cao hàng đầu cả nước. Đã có bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy chênh lệch giàu nghèo cao làm tăng tỷ lệ tội phạm. Bởi nhiều người khi bị đẩy vào bần cùng hóa, bị gạt ra lề xã hội rất dễ suy nghĩ và hành động lệch lạc.

 

Đằng sau nạn tội phạm đường phố này thực sự là gì, là một câu mà rất nhiều người dân đang tự hỏi, và mong chờ chính quyền tìm ra. Vì chống tội phạm chỉ là phần ngọn, còn tại sao chúng hình thành mới là gốc. “Diễn viên chính” ở đây không hẳn là lực lượng công an, mà là nhiều ngành có trách nhiệm về an sinh xã hội, phải tự đặt câu hỏi “Tại sao?” để giải quyết.

 

Câu hỏi thứ hai, không phải là có cần trang bị áo giáp cho hiệp sĩ, hay làm gì để người dân bắt cướp giỏi hơn, mà là hiệu quả của lực lượng công an trong việc bảo vệ tài sản và sinh mạng của cộng đồng đang ở mức nào? Bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân là vai trò căn bản của Nhà nước. Để cho trộm cướp trở thành “đặc sản” đến nỗi người dân phải tổ chức thành các nhóm “hiệp sĩ” tự bảo vệ lẫn nhau thì tính chính danh của bộ máy Nhà nước ở đâu?

 

Không chỉ riêng chuyện bắt cướp. Nếu chỉ khi nhìn thấy hậu quả, khi đã mất người, đã đổ máu mới nghĩ cách sửa sai, thì những trục trặc kinh niên trong vận hành xã hội là điều thấy trước.

HỒ QUỐC TUẤN

Top