Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,468,242 lượt

Đừng vội trách Pokemon!

Hơn một tuần từ khi chính thức "đổ bộ" vào Việt Nam, trò chơi trên nền tảng điện thoại, máy tính bảng Pokemon GO đang trở thành một trào lưu xã hội. Hình ảnh thường thấy trong tuần qua trên khắp các đường phố: Người người chăm chăm cầm những chiếc smartphone xoay đủ các hướng tìm một vật gì đó; những đoàn xe đỗ dài ở các danh thắng để "lấy bóng Pokemon"; vài chiếc xe máy vội tạt vào bên đường rồi lấy điện thoại ra bắt Pokemon...

 

Những ẩn họa về giao thông là điều ai cũng thấy. Nạn cướp giật điện thoại cũng nở rộ, ở các tỉnh thành lớn. Xa hơn, việc lệ thuộc vào công nghệ cũng trở nên tệ hại, hơn lúc nào hết. Trong động thái gần đây, Google Map Maker Việt Nam (những người làm bản đồ Google tại Việt Nam) đã phải viết thư ngỏ gửi cộng đồng người chơi Pokemon GO.

 

Theo đó, dữ liệu bản đồ ở Việt Nam đã bị phá hoại nghiêm trọng bởi những người chơi Pokemon tự đổi tên các vị trí để đặt Pokestop và Pokegym (nơi để lấy bóng Pokemon và luyện tập Pokemon).

 

Nguyên do của tình huống trớ trêu này: Pokemon GO là trò chơi thực tế ảo. Cụ thể, người chơi sẽ phải trực tiếp di chuyển tới những dạng địa hình, địa điểm đặc thù để bắt những loại Pokemon đặc thù. Bên cạnh đó, những nơi cố định đặt Pokestop và Pokegym thường là danh thắng hoặc địa điểm được bản đồ Google định danh.

 

Và, rất nhiều người chơi đã lách luật bằng cách tự tạo địa điểm "ảo". Họ "chuyển" những danh thắng về gần nhà, trường học, nơi làm việc để "tiện" cho việc chơi. Điều này đi ngược với mong muốn ban đầu của nhà sản xuất là kích thích người chơi vận động. Đồng thời, nó làm nguồn dữ liệu bản đồ của Google trở nên "loạn".

 

Bên cạnh đó, Pokemon GO đang gây nhiều phiền nhiễu ở khắp mọi nơi. Một quán cafe được định danh trên bản đồ Pokemon GO sẽ bất đắc dĩ bị hàng trăm người/ ngày tạt xe trước cửa, để lấy bóng Pokemon, chừng 3 phút, rồi đi. Một ngôi nhà bình thường cũng bất ngờ bị một người khách lạ gõ cửa để... bắt con Pokemon "hiếm" trong nhà. Hoạt động công sở, trường học đều bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số người chơi cắt xén 8 giờ vàng ngọc để bắt Pokemon...

 

Thoạt nghe qua, Pokemon GO chỉ toàn tai tiếng. Nhưng, cũng nên nhớ, không phải ngẫu nhiên, Pokemon GO trở thành một hiện tượng toàn cầu.

 

Pokemon sở hữu một cộng đồng Fan đông đảo bắt đầu từ một game nhỏ cách đây đúng 20 năm. Sau game nhỏ, truyện tranh, hoạt hình, đấu bài Pokemon... cùng liên tiếp ra mắt. Muôn hình vạn trạng các hình thức "sinh hoạt" Pokemon, qua 2 thập kỷ, đã tạo ra một cộng đồng Pokemon với nét văn hóa riêng.

 

Với Pokemon GO, công nghệ thực tế ảo đã khiến nhiều người không phải trong cộng đồng khổng lồ kia cũng bị cuốn theo phong trào. Họ chơi nhưng không thực hiểu thứ văn hóa Pokemon tôn vinh những sự kỳ công, tỉ mẩn. Họ chơi nhưng họ không quan tâm tới ý nghĩa đằng sau của những con Pokemon xanh đỏ. Họ chơi như một thứ phục trang thời thượng...

 

Và đó là câu trả lời của mọi nhức nhối. Pokemon không có lỗi, lỗi là do ý thức người chơi. Mà bộ phận đông ý thức kém là "game thủ" chơi theo trào lưu.

 

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều mặt trái tương tự khi người trẻ tiếp cận những công nghệ mới, những phát minh của thời đại. Đó là chuyện "chat sex" khi Yahoo Messenger vào Việt Nam. Đó là chuyện các tài khoản Facebook Việt Nam vào khuấy tung các Fanpage của ngôi sao thế giới. Đó là chuyện đổi "tình" lấy "quần áo" cho nhân vật trong Game khi trò chơi Audition làm mưa làm gió...

 

Vô vàn dẫn chứng để thấy, những điều tiêu cực của Pokemon ngày hôm nay, là hệ lụy tất yếu của tính a dua, thiếu ý thức từ rất lâu trong một bộ phận người trẻ. Nên, đừng vội trách Pokemon. Thay vào đó, hãy chú tâm tới những người trẻ đang sống trong môi trường giáo dục, môi trường xã hội này.

PHẠM MỸ

Top