Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,463,411 lượt

Tạp tản văn không đại diện cho văn học trẻ

“Tạp văn hay tản văn không thể đại diện cho nền văn học được và nhận định văn học trẻ là văn học thời trang, tôi thấy có vẻ hồ đồ” – nhà văn Nguyễn Đình Tú, tác giả Hoang tâm chia sẻ.

 

 

Giới phóng viên mảng văn nghệ bảo nhau rằng nói chuyện với Nguyễn Đình Tú thích lắm vì anh luôn gọi sự vật hiện tượng bằng đúng tên của nó, không đánh tráo khái niệm và cũng không bao giờ “ngán” những câu hỏi thẳng thắn, thậm chí là nhạy cảm.

 

Ai trò chuyện lần đầu với tác giả của Nháp sẽ bị hấp dẫn ngay bởi cách đối đáp cởi mở, chân thành nhưng lại tinh tường và không bị a dua theo quan điểm, chính kiến của người đặt câu hỏi. Nguyễn Đình Tú bảo anh trân trọng những người trẻ vì tuổi 19 - 20 anh cũng viết như họ chứ không ghê gớm, cao sang gì hơn.

 

Ảo tưởng không có tội

 

* Là giám khảo của cuộc thi Tôi đọc sách 2016 với chủ đề “Cuốn sách tử tế”, theo anh, một cuốn sách như thế nào thì được coi là tử tế?

- Tôi là một nhà văn và tôi muốn nhìn mọi thứ bằng cái nhìn nhiều chiều thay vì lụy vào một khái niệm cụ thể. Tại sao lại phải chấp vào một khái niệm trong khi cuốn từ điển này định nghĩa về sự tử tế như thế này, cuốn khác lại định nghĩa về sự tử tế như thế kia. Thế nên bảo tôi định nghĩa thế nào về một cuốn sách tử tế thì tôi sẽ không đưa ra một giải thích cụ thể vì tôi muốn nhìn ở sự đa chiều, thậm chí cả sự bí ẩn trong đó.

Tất nhiên, nhiều chiều không có nghĩa là tôi phủ nhận số đông. Tôi vẫn đồng ý với những góc nhìn mang tính phổ quát về sự tử tế. Tử tế là gì? Tử tế chính là mang lại những giá trị tốt đẹp, những điều có ý nghĩa đến với mọi người và không làm phương hại đến nhau.

Còn cụ thể trong khuôn khổ của cuộc thi Tôi đọc sách mà tôi là giám khảo thì ban tổ chức giải thích về một cuốn sách tử tế ở nội hàm cả nội dung và hình thức. Hình thức tử tế là sách đẹp, không in sai, in lỗi và nội dung tử tế tức là mang giá trị ý nghĩa tới người đọc.

 

* Giả sử có một thí sinh mang sách ngôn tình, đam mỹ đến dự thi và lý giải được lý do chọn đọc dòng sách này, anh sẽ phản hồi ra sao?

- Trong cuộc thi năm nay, số lượng thí sinh mang sách văn học đến dự thi không nhiều. Một số bạn mang truyện tranh như Doraemon đến nhưng tôi không ngạc nhiên vì đó là những bước đầu tiên tiếp cận với văn hóa đọc, không có gì đáng chê trách.

Tôi không bàn đến chuyện tử tế nhiều hay tử tế ít trong một cuốn sách mà tôi chấm ở khả năng thuyết phục của thí sinh. Còn nếu có thí sinh mang sách thuộc dòng ngôn tình, đam mỹ đến để thuyết trình tôi cũng không lấy làm bi quan.

 

* Dường như anh đang nhìn nhận ngôn tình, đam mỹ khác với số đông giới chuyên môn hiện nay?

- Cá nhân tôi nghĩ, ngôn tình hay đam mỹ không có gì là xấu xa cả. Ngôn tình, đam mỹ cùng có nhiều loại ở nhiều chừng mực khác nhau, không nên vơ đũa cả nắm một cách ráo hoảnh.

Tôi nghĩ rằng, sách độc hại là sách dạy con người ta ghét nhau, căm thù nhau, thậm chí là hại nhau còn sách dạy con người ta yêu thương nhau như ngôn tình, đam mỹ thì cũng không có gì là đáng lên án. Nếu thí sinh thuyết trình về sách ngôn tình, đam mỹ mà có lý lẽ riêng của mình thì chắc chắn tôi sẽ lắng nghe và công nhận.

 

* Nhiều ý kiến cho rằng ngôn tình, đam mỹ tuy không dạy con người ta căm ghét nhau như anh nói nhưng lại dễ khiến người đọc rơi vào trạng thái ảo tưởng. Anh nói sao?

- Ảo tưởng không có tội. Ảo tưởng là do khả năng nhìn nhận thực trạng cuộc sống của mỗi người. Và ảo tưởng không phải là một phạm trù vĩnh viễn. Vấn đề là mỗi người phải biết cách chi phối hành động của mình, để sự ảo tưởng đó không dẫn đến tiêu cực. Văn học – nghệ thuật có thể khiến con người ảo tưởng nhưng tôi nghĩ văn học – nghệ thuật không độc hại đến mức biến con người ta trở thành trở nên tiêu cực.

Ai cũng có thể ảo tưởng do vậy đừng đổ lỗi cho văn học nghệ thuật. Đành rằng khi nghe một bài hát về Hà Nội, bạn sẽ hình dung về một Hà Nội khác rồi khi bạn đến Hà Nội, bạn lại thấy một Hà Nội khác, có thể bạn bị mất cắp chẳng hạn, chả nhẽ lúc đấy bạn lại quay về căm thù bài hát à? Đâu có được! Lúc đó bạn phải tự phản tỉnh là Hà Nội vẫn đẹp nhưng Hà Nội cũng có những góc khuất mà ở đâu cũng có thể có.

 

"Phải có gì mới bán được nhiều sách như thế"

 

* Không chỉ phê phán sự hời hợt trong nội dung của nhiều cuốn sách hiện nay, có ý kiến còn cho rằng văn học trẻ chỉ là văn học thời trang. Quan điểm của anh thế nào?

- Trước hết chúng ta cần phải thống nhất với nhau về mặt khái niệm – văn học và văn học trẻ. Chúng ta tạm thời hiểu văn học trẻ là văn học của các tác giả dưới 30 tuổi, số đông là thuộc thế hệ 9X, còn văn học thì tất nhiên phải được đánh giá đầy đủ ở các thể loại chủ lực như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca.

Văn học trẻ hiện nay nở rộ cái gì? Tiểu thuyết rất ít, truyện ngắn và bút ký cũng rất ít. Văn học trẻ hiện nay chủ yếu là tạp tản văn mà thể loại này chỉ na ná văn học, á văn học. Do vậy tạp tản văn không thể đại diện cho nền văn học được và nhận định văn học trẻ là văn học thời trang, tôi thấy có vẻ hơi hồ đồ.

Thêm nữa, thời trang không có nghĩa là không có giá trị chỉ là giá trị không lâu bền mà thôi. Hay dở ở những tác phẩm văn học tùy cảm nhận của mỗi người nhưng cá nhân tôi nghĩ các tác giả trẻ hiện nay có nhiều người rất tâm huyết.

Nghĩ lại ngày xưa khi mình 19, 20 tuổi cũng viết được như thế thôi chứ ghê gớm, cao sang gì hơn. Thế nên, chúng ta phải đợi một vài năm năm nữa khi các tác giả 9X hiện nay ra một loạt tiểu thuyết và truyện ngắn thì mới đánh giá toàn diện được.

 

* Vậy anh nhận định thế nào về việc các tác giả trẻ hiện nay dường như đang chiều lòng số đông, viết những câu chuyện tản văn nhẹ nhàng, mùi mẫn thay vì đầu tư về mặt nghệ thuật trong tác phẩm?

- Trước hết phải nhận định Việt Nam không có nhiều tài năng văn học. Dù rằng lúc đầu có thể xuất hiện rất đông đảo như một cuộc đua marathon, thế hệ 7X, 8X cách đây nhiều năm đều vậy. Nhưng sau đó, dễ nhận thấy có sự rơi rụng dần dần. và cho đến nay, những người đang sống và đang viết một cách trần ai, tức là còn chạy trong cuộc đua thì thế hệ 7X, 8X cũng chỉ còn vài gương mặt nổi bật.

Văn học trẻ với các cây bút 9X cũng không nằm ngoài quy luật này. Hiện nay, số lượng tác giả 9X rất đông đảo và chúng ta mừng vì sự đông đảo này đã, còn sau này ai ở lại, ai ra đi, ai biến mất, tên tuổi của ai bị chết lại là một câu chuyện khác.

Thực ra các tác giả trẻ không phải là không đầu tư về cấu trúc văn chương mà đơn giản là có những giá trị đã thay đổi và họ cần phải cập nhật. Văn học hiện nay không còn xuất hiện theo kiểu truyền thống, tức ra đời sau một cuộc thi như trước mà đã có cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Khởi đầu là một vài dòng trên mạng xã hội của những cây bút như Minh Nhật, Anh Khang, rồi mọi người yêu thích và ra sách. Văn học hoàn toàn có thể xuất hiên như thế mà vẫn đầy hấp dẫn.

Nhiều tác giả trẻ mỗi lần ra sách mới bán được hàng chục vạn bản thì quá mừng cho văn hóa đọc. Chúng ta chỉ sợ các bạn trẻ chăm chăm vào smart phone, internet chứ đọc sách như vậy thì tốt quá.

Còn nhận định là các tác phẩm của các cây viết trẻ hiện nay chẳng có gì về mặt nghệ thuật thì không đúng đâu. Tôi khẳng định là phải có gì thì người ta mới đọc và bán được nhiều như thế. Giống như phim Vòng eo 56 phải có gì thì mọi người mới đi xem, ít nhất là vì Ngọc Trinh đẹp.

LÊ QUANG ĐỨC (theo Zing)

Top