Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,485,899 lượt

Đừng để bàn luận biến thành thù hằn

Các chuyên gia đều cho rằng vụ việc "vạ miệng" là biểu hiện của một vấn đề phức tạp hơn nhiều, và chúng ta nên cùng nhìn nhận khái quát chứ không chỉ về tập trung vào cá nhân một hoa hậu.

TS Lê Nguyên Phương nhận định mọi người đều có quyền nêu lên chủ kiến của mình trong mọi vấn đề. Theo ông, không chỉ giới chuyên môn trong một ngành thì mới có quyền bàn luận về ngành đó. Đó là một quan niệm mang tính "đặc quyền tinh hoa" và thậm chí lẫn lộn giữa ý kiến, thông tin hay kiến thức.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng những người tham gia thảo luận nên tập trung phản biện vấn đề chứ không phải công kích hay miệt thị cá nhân. Việc phê phán thậm chí gay gắt cũng không cần phải sử dụng các từ ngữ xúc phạm hay khiêu khích.

Nhiều khi đọc một vài lời phê phán, tôi có cảm nhận dường như người viết có thù hằn gì đó riêng tư với người bị tấn công. Nếu thuần túy là ý kiến riêng thì hãy tôn trọng, cười rồi bỏ qua, chứ không cần ép buộc người khác phải đồng ý với mình", ông đề nghị.

Thêm vào đó, khi phê phán một phát ngôn hay lỗi lầm của một con người, ông Phương cho rằng điều chúng ta nên hướng đến là đặt những giả thuyết về nguyên nhân và tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì "mắc kẹt trong phê phán".

Ông Phương nói: "Mục đích cuối cùng đối với tôi khi quan sát một hiện tượng đáng phê phán là tìm ra giải pháp tốt nhất. Mạng xã hội có thể là một nơi tiện lợi để thảo luận các vấn đề, nhưng nó cũng dễ dẫn đến những cuộc tranh luận thiếu tôn trọng và không xây dựng. Tuy nhiên đó không phải là lỗi của mạng xã hội, cũng như không phải lỗi của con dao khi nó bị dùng để đâm người".

Lâu nay, hoa hậu thường được kỳ vọng như những cá nhân có cả sắc đẹp lẫn tài đức. Vấn đề là, một cuộc thi kéo dài vài tháng rất khó chọn được một cá nhân chắc chắn hội đủ các yếu tố này.

MC Phương Mai đặt câu hỏi trên trang cá nhân: "Chúng ta có đang thần thánh hóa hai chữ "hoa hậu" không?". Cô phân tích: "Hoa hậu chẳng phải là đại diện tinh hoa của một quốc gia, đơn giản là một nghề như bao nghề khác trong giới văn hóa nghệ thuật. Diễn viên đi đóng phim, ca sĩ đi hát, người mẫu đi catwalk... thì hoa hậu đi sự kiện, đóng quảng cáo hay làm bất kỳ công việc gì được thuê trong phạm vi tài năng của bản thân".

Theo TS Lê Nguyên Phương, khi thấy những phát ngôn phản cảm của một hoa hậu thì chúng ta có thể giả định là có sự bất toàn trong quy trình tuyển lựa hoa hậu; hoặc một giả định khác là các phát ngôn đã bị cắt xén hoặc cắt khỏi ngữ cảnh nên không phản ánh được trọn vẹn suy nghĩ của người nói.

Về sự bất toàn của quá trình tuyển lựa hoa hậu, ông nhận xét: "Tài sắc vẹn toàn cũng có thể có nhưng nếu những cuộc thi hoa hậu chỉ ưu tiên phần thi sắc và chỉ làm lấy lệ phần thi tài, trong đó khó nhất là tri thức và nhân cách, thì đương nhiên những phát biểu như vậy sẽ còn xảy ra".

Một số người cho rằng người của công chúng phải phát ngôn thấu đáo và có văn hóa. Nhưng tiêu chí của những điều đó lại không rõ ràng. Ông Lê Nguyên Phương nêu quan điểm ngoại trừ những người tự đắc với tiền quyền, hầu hết chúng ta đều cố gắng phát ngôn trong tầm hiểu biết và nhân cách của mình.

Ông nhận định: "Mỗi người sẽ tự học bài học của mình qua va chạm với tha nhân, dù là cá nhân hay tập thể, dù trực tiếp hay qua mạng. Việc phê bình khách quan và cảm thông sẽ giúp cho người được phê bình nhiều hơn những lời chế giễu hay miệt thị".

(Theo Tuổi trẻ)

Top