Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề góp phần không nhỏ vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần tăng thêm thu nhập. Nhưng mặt trái của sự tăng trưởng mạnh ở khu vực kinh tế này là tình trạng ô nhiễm trở thành mối đe dọa thường trực với môi trường sinh thái, với sức khỏe người dân sống trong và cả xung quanh các làng nghề. Đây chính là nghịch lý của sự phát triển “nóng”.
Kết quả của nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề gia tăng và tập trung vào một số bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, các chứng bệnh phụ khoa và đặc biệt là các loại ung thư. Điều đáng nói là tỷ lệ người mắc bệnh ở nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề ngày càng giảm - thấp hơn mười năm so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn 5-10 năm so với làng không làm nghề. Những “danh hiệu” mới không mấy tốt đẹp càng ngày càng xuất hiện với tần xuất dày hơn trên các phương tiện truyền thông: “làng ung thư”, “làng nhiễm độc chì”, “làng khát nước sạch”,...
Chất thải (cả ba dạng khí, lỏng và rắn) của hầu hết các làng nghề hiện nay được thu gom chung với chất thải sinh hoạt và chưa được xử lý triệt để, cùng với sự gia tăng về số lượng và các loại hình làng nghề càng làm tăng và phức tạp những tác động xấu tới môi trường sống. Hầu hết các ao, hồ trong các làng nghề không thể nuôi được cá do lượng nước thải khá lớn thải ra. Chỉ cần nhìn đoạn sông Nhuệ hiền hòa uốn quanh làng cổ Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội) với cây cầu, với rặng tre thơ mộng năm xưa nay đã biến thành khúc sông chết. Nguyên nhân chỉ vì tất cả nước thải của làng có nghề làm tương nổi tiếng, lại làm thêm cả miến dong và nấu rượu, mỗi ngày có tới hàng chục tấn sản phẩm, đều xả thẳng ra sông.
Nhìn “ngang từ ngoài vào”, dễ thấy rằng, phần lớn các làng nghề có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, xưởng sản xuất xen kẽ trong khu dân cư. Quy trình sản xuất các sản phẩm của làng nghề đều đơn giản thô sơ, chủ yếu tận dụng nhân công giá rẻ, trình độ thấp. Tất cả những điều đó làm lãng phí tài nguyên, nguyên liệu và phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm.
“Nhìn từ trên xuống” lại thấy nhiều bất cập chưa được giải quyết trong công tác quản lý. Việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường ở làng nghề còn yếu và chưa phát huy hiệu quả do nhân lực, tài chính và công nghệ giám sát và cảnh báo cho bảo vệ môi trường ở làng nghề không đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Nhưng “nhìn từ bên trong”, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do ý thức của người trong cuộc. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh mà không quan tâm đến chuyện thu gom xử lý chất thải, khói bụi độc hại, nước thải phát sinh do chính mình. Lý do được nêu ra rất đơn giản: Ảnh hưởng đến thu nhập mà hiệu quả chưa thấy đâu (!).
Khắc phục tình trạng ô nhiễm như thế nào. Theo chúng tôi, xây dựng các điểm công nghiệp xã là một lối thoát.
Nhóm giải pháp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là xây dựng quy hoạch đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng ở các làng nghề ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, tại các khu vực được quy hoạch đặt nhà xưởng phải xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn. Theo hướng này, trên cả nước đã có những làng nghề bước đầu làm tốt công tác quy hoạch xây dựng khu sản xuất tách khỏi khu dân cư và vận động được nhân dân hưởng hưởng ứng. Nhưng đa số các làng nghề cũng mới “thu gom” các cơ sở sản xuất từ trong làng về một chỗ mà chưa hoàn thiện được biện pháp xử lý các chất thải ở đầu ra. Vẫn nguyên liệu ấy, công nghệ ấy, sản phẩm ấy, đương nhiên thành phần của những chất độc hại thải ra vẫn không hề thay đổi, nhưng với khối lượng ngày càng lớn hơn do quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng.
Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện chủ trương tách các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, ở nhiều địa phương, chính quyền xã lại không dành đủ quỹ đất cấp cho các hộ sản xuất, dẫn đến việc tách nhà xưởng ra xa nhà ở không thành công. Tại làng nghề gỗ Đồng Quang - Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), diện tích mỗi hộ được giao chỉ còn 150-200m², không đủ để tổ chức sản xuất. Hệ lụy là đất quy hoạch cho điểm công nghiệp xã biến thành đất ở. Điểm công nghiệp xã nay đã trở thành cụm dân cư mới.
Hay như ở xã Thanh Thùy (Thanh Oai, Hà Nội) xây dựng điểm công nghiệp xã cho các hộ sản xuất cơ khí để đưa bớt tiếng ồn của các loại máy móc và hơi độc từ các bể mạ kim loại ra khỏi khu vực thôn xóm. Nhưng các hộ sản xuất chuyển máy móc ra điểm công nghiệp xã cũng chuyển luôn gia đình (hoặc một phần gia đình) đến nơi sản xuất mới cho tiện quản lý, trông coi bảo vệ (!). Mục tiêu chính là giảm thiểu tác hại cho sức khỏe người dân không đạt. Giải pháp lại rơi vào bế tắc.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm đang khá trầm trọng ở các làng nghề cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Nhưng trước hết, người lao động ở các làng nghề cần nhận thức rằng cái giá phải trả do suy thoái môi trường sẽ đắt gấp nhiều lần so với số thu lợi nhuận kinh tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở làng nghề cũng cần phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường trước hết bằng cách áp dụng những giải pháp kỹ thuật - công nghệ “sạch” để giảm dần và giảm đến mức thấp nhất lượng chất thải. Đây là vấn đề lớn với hơn 3.000 làng nghề trong cả nước khi đặt mục tiêu phát triển bền vững.
NGỮ THIÊN