Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,747 lượt

Quyền thoát hiểm

Lần đầu tiên trong đời vợ chồng tôi mua một căn hộ là dự án ở Hà Nội. Cách đây hơn 10 năm, với giá hơn 2.000 USD mỗi mét vuông, một căn hộ ở đây đắt bằng một căn nhà mặt đất rộng ở trung tâm thủ đô.

 

Lần đầu được dẫn đi xem nhà, tôi hỏi chủ đầu tư: “Đâu là nơi thoát hiểm của tòa nhà?”. Nhìn tôi như sinh vật lạ, anh ta tròn mắt: “Anh quan tâm làm gì?” Tôi nhìn sang, vài người khách cùng đi xem nhà còn cười khẩy. Trong một khoảnh khắc lướt qua, tôi nhìn thấy cả nét mặt vẻ khinh khỉnh của ai đó trong nhóm người đang muốn bán nhà cho chúng tôi. Họ khá tự tin bởi dự án đang được cho là “sốt xình xịch” và chỉ dành cho những người sành điệu khi thị trường bất động sản Hà Nội rất ít các dự án phân khúc cao cấp.

 

Tôi thấy mình thật lạc lõng. Chắc hẳn, tôi thuộc dạng khách hàng hiếm hoi quan tâm tới những chuyện được coi là vớ vẩn, thay vì hỏi về diện tích căn hộ, hướng nhà hợp phong thủy, tiền chênh lệch nếu bán lại hay tỷ lệ phần trăm phí phải trả cho “cò” môi giới.

 

Tôi đã tự tìm ra cánh cửa thoát hiểm. Cấu phần này khá nhỏ so với sự “cao cấp” đã được nhấn mạnh khi quảng cáo của khu nhà. Tôi nghĩ: “Thực ra mình cũng lạc lõng lâu rồi”, nên chỉ biết cười trừ. Tôi gọi đi các nơi tìm hiểu, biết rằng thang xe cứu hỏa thời đó chỉ lên được tới độ cao tương đương 18 tầng. Tôi mua một căn hộ ở tầng 16, có cửa ra vào ngay sát lối thoát hiểm.

 

Rồi chúng tôi cũng bán căn hộ sau đó mấy tháng. Phần vì chúng tôi nhận ra mọi tiện ích ở đây, gồm cả khu thang bộ thoát hiểm, phòng cháy, đổ rác không thực sự cao cấp như giá tiền mình đã trả; phần vì thấy bất an với cách làm việc của ban quản lý - nó không thể "thấp cấp" hơn được nữa. Và thêm nữa, người ta vẫn đổ xô tìm mua căn hộ ở đây, như một phương cách thể hiện đẳng cấp.

 

Những điều cơ bản nhưng mang tính sinh tồn như vậy trong các tòa nhà chung cư lâu nay đã bị không ít người coi nhẹ. Tôi tin rằng, trong cộng đồng dân cư Carina đã có người quan tâm tới thang thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy có đạt chuẩn hay không khi quyết định định cư lâu dài tại đó. Nhưng cái tặc lưỡi theo tâm lý đám đông “người khác ở được thì mình cũng ở được” từ lâu như một liều thuốc tâm lý của nhiều người, để chấp nhận hên xui, và rồi bỏ tiền ra mua nhà và cũng không tự đòi hỏi quyền lợi vô cùng cơ bản và chính đáng của mình: Quyền thoát hiểm.

 

Tuần rồi có hai sự kiện nóng bỏng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng khiến tôi suy nghĩ khá nhiều, là việc Facebook để lộ thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng trên thế giới; và ở thành phố của tôi đang sống là vụ cháy cướp đi mạng sống của 14 người ở khu chung cư Carina.

 

Cùng là hai sự kiện gây khủng hoảng niềm tin, nhưng tôi để ý, có sự khác nhau quá nhiều trong thái độ ứng biến khi nhìn nhận từ cái tạm gọi là “quyền của người dùng”.

 

Facebook, nơi diễn ra cuộc sống của một “khu dân cư” khổng lồ hơn số dân của bất kỳ quốc gia nào đã để lộ thông tin của hàng chục triệu người dùng.

 

“Chúng tôi sai rồi”, Mark thừa nhận và xin lỗi cộng đồng. Mark đã buộc phải đặt người dùng lên đầu tiên trong sự khủng hoảng với doanh nghiệp ở Mỹ, bởi anh hiểu rõ sự thấm đẫm tinh thần hiểu biết về quyền lợi người dùng, và họ luôn đòi hỏi mãnh liệt điều đó ngay từ khi chưa mua sản phẩm ở đất nước này. Ở Anh, ở Brazil, các cuộc điều tra nhắm vào vụ này cũng bắt đầu được tiến hành và lời kêu gọi “xóa facebook” đã lan truyền khắp nơi.

 

Còn chúng ta, ở những vụ cháy, quy định về quy chuẩn các khu chung cư không thiếu, nhưng cái thiếu, có lẽ là một tinh thần tự đòi hỏi cho mình quyền lợi từ chính người mua với nhà cung cấp.

 

Đừng vội cho rằng đó là lỗi của chính những cư dân Carina. Tôi và bạn không vô can. Nếu tôi lên tiếng, bạn lên tiếng, chúng ta cùng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình từ hơn 20 năm trước, khi những chung cư đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, thì áp lực từ người dùng với nhà cung cấp căn hộ đã mạnh mẽ hơn nhiều. Và chắc hẳn Carina sẽ không bi thương đến vậy.

 

Vì sao quyền lợi người dùng ở các nước bạn được bảo vệ đến thế? Bởi cách đây vài chục năm đã có những người dám đeo bám từ đầu đến cuối một thương vụ, đòi cho được đủ và đúng cái mà họ biết họ xứng đáng được nhận. Còn chúng ta, có quyền đấy mà chưa biết kêu, có tiền mua mà chưa biết đòi. Rồi sau mỗi sự cố, sẽ có người lại chấp nhận trước hành trình khiếu nại gian nan.

 

Chúng ta, những người mua luôn có một số quyền quan trọng với người bán, với thị trường, được pháp luật thừa nhận. Nhưng lại tự từ chối nó theo những cách khác nhau.

 

Trớ trêu thay, ở nước ta, đến cả đại biểu Quốc hội cũng phải kêu gọi "giải tán" Hội bảo vệ người tiêu dùng.

NGÔ TRỌNG THANH

Top